Chuyên gia: Qua thời cứ đầu tư đất là trúng lớn, quan ngại "tiền lệ xấu" nếu giãn nợ cho DN bất động sản

H.Anh Thứ bảy, ngày 25/02/2023 11:50 AM (GMT+7)
Các chuyên gia cho rằng, đã qua thời cứ đầu tư đất là trúng lớn. Sự hồi phục của thị trường bất động sản không nên chỉ trông chờ vào dòng vốn ngân hàng.
Bình luận 0

Dự thảo nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững, Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng rà soát việc cho vay đối với các doanh nghiệp bất động sản và có giải pháp phù hợp. Đồng thời, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét chỉ đạo, hướng dẫn giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn…

Chuyên gia: Qua thời cứ đầu tư đất là trúng lớn, quan ngại "tiền lệ xấu" nếu giãn nợ cho doanh nghiệp BĐS - Ảnh 1.

Chính phủ yêu cầu NHNN xem xét chỉ đạo, hướng dẫn giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn… (Ảnh: SBV)

Giãn nợ cho các doanh nghiệp bất động sản có thể tạo một tiền lệ xấu

Thực tế, vấn đề tái cơ cấu, giãn nợ đã được rất nhiều doanh nghiệp bất động sản, đại diện các hiệp hội nêu ra tại hội nghị tín dụng bất động sản do NHNN tổ chức cách đây không lâu.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.Hồ Chí Minh (HoREA) thừa nhận, cái khó nhất của thị trường hiện nay là cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Doanh nghiệp bất động sản "không sợ" lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại.

Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.Hồ Chí Minh cho rằng, việc "nhảy" nhóm nợ khiến các doanh nghiệp bất động sản không thể vay được tín dụng. Nếu muốn các khoản nợ không "nhảy" nhóm, theo ông Châu chỉ có cách cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Các doanh nghiệp như Novaland, Hưng Thịnh,… cũng đã đề nghị NHNN xem xét cho các tập đoàn bất động sản được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong vòng 24-36 tháng.

Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank cho rằng, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ có thể là biện pháp nên xem xét trong bối cảnh hiện nay.

"Doanh nghiệp bất động sản hiện nay không chỉ đối mặt với khoản nợ ngân hàng đáo hạn, mà còn áp lực lớn đối với khoản trái phiếu phát hành sắp đáo hạn, trong khi nguồn thu và dòng tiền bị chững lại. Nếu không có biện pháp hỗ trợ, các doanh nghiệp này sẽ không hoàn thành được nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng lẫn trái chủ" - ông Nguyễn Hưng phân tích.

Chuyên gia: Qua thời cứ đầu tư đất là trúng lớn, quan ngại "tiền lệ xấu" nếu giãn nợ cho doanh nghiệp BĐS - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản xin giãn nợ (Ảnh: TN)

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS. Võ Trí Thành - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, trong giai đoạn thị trường bất động sản đang gặp khó khăn, để giảm thiểu tác động đến nền kinh tế, việc đưa ra các giải pháp hỗ trợ linh hoạt là phù hợp, nhưng không nên làm đại trà.

Đề cập cụ thể hơn đối với đề xuất giãn nợ cho doanh nghiệp, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh "phải có chọn lọc, tùy trường hợp chứ không phải thực hiện cho tất cả các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này". Song, theo vị này, việc giãn nợ chỉ là một trong rất nhiều giải pháp về cơ chế để hỗ trợ cho thị trường bất động sản.

Nêu quan điểm của mình TS. Châu Đình Linh – chuyên gia kinh tế lại cho rằng, việc giãn nợ cho các doanh nghiệp bất động sản có thể tạo một tiền lệ xấu rằng cứ khó khăn doanh nghiệp lại xin hỗ trợ, trong khi có những doanh nghiệp vẫn có thể tự giải quyết vấn đề của mình như dùng lợi nhuận tích luỹ, thu hẹp quy mô hoạt động bán bớt dự án để trả nợ…

Trong khi việc yêu cầu cơ cấu, giãn nợ lại đẩy khó khăn về phía ngân hàng, dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, mất cân đối kỳ hạn vì vốn ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn trong khi vốn vay bất động sản chủ yếu là trung, dài hạn.

Qua thời cứ đầu tư đất là trúng lớn, phục hồi bất động sản đừng trông chờ vốn ngân hàng

Cũng theo vị chuyên gia này, sự hồi phục của thị trường bất động sản không nên chỉ trông chờ vào dòng vốn ngân hàng mà hướng tới nơi tạo lập dòng vốn dài hạn là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi tín dụng của Việt Nam đã và đang ở ngưỡng cảnh báo.

Các chuyên gia cho rằng, đã qua thời cứ đầu tư đất là trúng lớn. Vì vậy, người dân, doanh nghiệp nên tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính.

Bởi, một nền kinh tế phụ thuộc vào bất động sản sẽ không bền vững, khi lợi nhuận của doanh nghiệp không tái đầu tư vào sản xuất kinh doanh mà đổ hết vào bất động sản, đầu cơ đẩy giá lên cao và khiến nhu cầu nhà ở chính đáng của người dân ngày càng xa tầm với.

Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay cũng là cơ hội cho thị trường tự sàng lọc. Doanh nghiệp nào đủ mạnh tiếp tục trụ vững vượt qua giai đoạn khó khăn. Những doanh nghiệp làm ăn chụp giật, yếu về năng lực tài chính, không có định hướng chiến lược rõ ràng... sẽ buộc phải rút lui khỏi thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem