Chị gái của Vỹ là Văn Đinh Hồng Vũ, tốt nghiệp trường ĐH Ngoại thương TP.HCM, học thạc sĩ ĐH Stanford, người sáng lập ra ELSA (English Language Speech Assitant) – ứng dụng chuyên dạy phát âm tiếng Anh đúng chuẩn thông qua công nghệ nhận dạng giọng nói – đã đoạt giải nhất khởi nghiệp tại Mỹ năm 2016. Hai chị em đều học lấy hai bằng MBA ở Stanford. Hiện tại cả hai đang mở trường tại Houston theo mô hình “After school” cho trẻ em Việt Nam sống tại Mỹ. Mô hình này sẽ tiếp tục nhân rộng tại bang San Francisco, nơi Hồng Vũ đã rất thành công với trung tâm Vietseed và Elsa. Cả hai cô có buổi trò chuyện về giáo dục với PV báo TGTT.
Học sinh thích học cũng một phần vì chúng thích thầy cô. Mối quan hệ đó xây dựng được là nhờ chính thầy cô cho chúng thấy sự quan tâm và chăm sóc thật sự đối với cá nhân từng em.
Bạn mở trường bắt đầu từ đam mê của chính mình?
- Hoàng Vỹ: Mong ước của tôi là mở trường để sau này còn có thể giúp cho các du học sinh từ Việt Nam qua có thêm cơ hội tìm kiếm học bổng tại Mỹ. Nhưng trước mắt trường Van Houston Academy của mình là để đáp ứng nhu cầu “After School” – sau giờ học, nghĩa là sau 3g15 chiều khi họ đón con về, sẽ chở con đến trường mình, các em sẽ được nghỉ một lúc rồi ăn chiều, sau đó là dạy kèm cho các em kiến thức thêm cùng các kỹ năng học với giáo viên Mỹ. Những em học high-school sẽ dạy thêm các kỹ năng tìm học bổng.
Hai bạn hiện đang theo đuổi một vấn đề mà tại Việt Nam đang rất “nóng sốt” đó là việc đòi hỏi sự thay đổi về giáo dục. Nhưng việc lập một trường tư bên Mỹ thì sao? Các bạn đã bắt đầu với sự chuẩn bị đối phó với những khó khăn như thế nào và liệu các bạn chỉ nghĩ rằng chỉ cần có đam mê thì sẽ vượt qua được hết?
- Hoàng Vỹ: Khó khăn rất nhiều khi phải xây dựng một trường, từ việc xin giấy phép, đến việc quảng bá để tìm học sinh. Ngay khi vào học Stanford, tôi đã có mộng mở trường giúp cho cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ sau khi tìm hiểu môi trường học tập và lớn lên của các gia đình Việt Nam ở hải ngoại, tôi thấy phần lớn con đi học mà cha mẹ không quan tâm hoặc không biết chương trình để dạy con ra sao mà phó mặc cho nhà trường.
Hồng Vũ: Tất nhiên lúc đầu mọi sự phải đến từ đam mê, điều mà cả hai chị em mong mỏi là làm thế nào để giúp cho các em học sinh yêu thích việc học hơn và thay đổi thái độ sống khi đã biết tự suy nghĩ thấu đáo về điều đó. Cái khó hơn nữa là xây dựng một chương trình đào tạo thực sự để giúp cho các em có được kiến thức để đến với thành công trên nước Mỹ nhiều cơ hội nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt, hơn là chạy theo nhu cầu của thị trường – đó là hầu hết các cha mẹ đều muốn con điểm cao mà không cần biết đó là gì. Không cần biết con mình thực sự thích gì, muốn gì.
Học sinh thích học cũng một phần vì chúng thích thầy cô. Mối quan hệ đó xây dựng được là nhờ chính thầy cô cho chúng thấy sự quan tâm và chăm sóc thật sự đối với cá nhân từng em.
|
Hoàng Vỹ: Tư tưởng của phụ huynh Việt Nam từ xưa đến giờ, dù là ở Việt Nam hay ở nước Mỹ cũng vậy, chỉ là chạy theo điểm số. Học là nhồi nhét để làm sao có điểm cao nhất. Lúc học ở Stanford, triết lý giáo dục của họ khác hoàn toàn, vai trò của giáo viên và cha mẹ là giúp cho học sinh có được đam mê trong việc học, tạo được ý thức học bằng đam mê trong mỗi học sinh. Điều đó là quan trọng nhất của việc học. Mà muốn đạt đến điều đó, phải đòi hỏi thời gian để cho một kết quả bền vững. Phụ huynh Việt Nam thì khác, họ luôn muốn con họ phải học để có điểm cao ngay. Với tôi, thay đổi tư tưởng của phụ huynh là cái khó khăn nhất khi mở một trường học chứ không phải là những vấn đề khác. Mặt khác, nếu mình chạy theo họ thì mình cũng như các trường khác, không có sự khác biệt thì nào và mục tiêu giáo dục của mình sẽ đổ vỡ hoàn toàn.
Phụ huynh ban đầu đưa con đến thì thắc mắc tại sao con mình không có bài tập về nhà, tại sao điểm con vẫn thấp, v.v. nhưng sau đó vài tháng, khi các phụ huynh kiên nhẫn cùng con đến với trường của chúng tôi, họ thấy ngay rằng thái độ đến trường của con đã thay đổi. Chúng thích đến trường thay vì lười biếng, dậy trễ và tỏ ra mệt mỏi, chán học như trước. Học sinh đã học cả ngày ở trường, vì thế ngôi trường sau giờ học này, chúng tôi lại tạo một môi trường khác cho các em. Các em vừa học vừa chơi, đọc sách thì vừa đọc vừa kể chuyện vui vừa hỏi các em các chi tiết khiến các em nghĩ về nó một cách thật “funny” (hài hước). Ngay cả khi tôi dạy toán, tôi sẽ giảng cho các em “tại sao nó lại như thế” bằng các câu chuyện từ thực tiễn đưa vào chứ không phải chỉ nói với em rằng: nó là công thức có sẵn rồi, các em cứ áp vào. Đối với trẻ em, công thức có sẵn là một cái gì đó rất… đáng chán và khi không có gì thú vị, nó sẽ “quẳng” đồ chơi ấy và lãng quên ngay.
Làm thế nào để cho các em học sinh không chỉ thích học mà thích cả… thầy cô?
- Hoàng Vỹ: Đúng vậy, mối tương quan giữa thầy và trò rất quan trọng. Học sinh thích học cũng một phần vì chúng thích thầy cô. Mối quan hệ đó xây dựng được là nhờ chính thầy cô cho chúng thấy sự quan tâm và chăm sóc thật sự đối với cá nhân từng em. Có những em còn tâm sự rằng tới trường này, em mới thấy mình được làm con người vì ở nhà chẳng ai quan tâm đến em, giống như em chỉ là một đồ vật trong nhà mà thôi.
Hồng Vũ: Chính trong khâu tuyển giáo viên là quan trọng nhất của một ngôi trường. Nhiều người cùng mục tiêu thì ngôi trường sẽ đến đích nhanh hơn, còn ngược lại thì sẽ đem tới sự trì trệ và khủng hoảng. Chọn được người cùng chia sẻ đam mê chính là cái được đầu tiên của một người dấn thân làm giáo dục.
Vậy giáo viên có hoàn toàn tự chủ trong việc chăm sóc và dạy dỗ học sinh không?
- Hoàng Vỹ: Thật ra mình luôn có giám sát vì không đơn giản cùng mục tiêu mà có thể đã là đúng phương pháp chung cho ngôi trường. Mình cũng thường xuyên có mặt tại lớp và đề nghị được giúp đỡ thầy cô đối với một số em học sinh mà mình biết là đang có vấn đề. Ngoài ra, sự có mặt của mình cũng để cho họ thấy mình sẵn sàng mở lòng và cả kiến thức mình có được sau khi đã được đào tạo bài bản, điều mà rất nhiều thầy cô trẻ vào trường muốn học hỏi và coi như đây là một môi trường rèn luyện, trải nghiệm để sau này họ có thể tự xây dựng cho chính họ một ngôi trường. Đó cũng là điều mà chúng tôi tâm nguyện.
Sự thay đổi của học sinh khi đến với mô hình của trường “After school” là gì?
- Hoàng Vỹ: Chính là học sinh thích đi học, thích việc học. Có những em ban đầu vào trường vì bị ba mẹ la rầy là “ngu dốt” vì học toán dở. Nhưng sau sáu tháng, em đã đến trường tự tìm sách toán, sách khoa học để đọc một cách thích thú.
Tuổi nào thì học sinh có thể tiếp nhận và ý thức để thích thú với môn học của mình?
- Hoàng Vỹ: Từ bậc tiểu học mà bắt đầu từ lớp 1 đã có thể tiếp nhận rồi.
Hồng Vũ: Càng sớm càng tốt, ngay từ nhỏ nếu các em được học cách khám phá đam mê từ bản thân, các em sẽ tự tìm tòi và đào sâu các kiến thức mà sau này các em nắm bắt từ thế giới. Từ ba tuổi đã có thể dạy cho các em chơi với các loại đồ chơi lắp ráp để các em tạo các hình khác nhau theo trí tưởng tượng của mình, vô tình khơi gọi cho các em óc sáng tạo. Chơi để học, đó chính là phương pháp giáo dục của trường. Càng sớm thì tiềm năng phát triển con người hoàn thiện càng cao nhưng nếu có trễ thì vẫn có cơ hội thay đổi.
Hoàng Vỹ: Khi tôi đi học, Stanford dạy tôi điều rất quan trọng đó là làm sao để nhận biết và thúc đẩy động lực từ bên trong mình, từ đó mình hiểu rõ học sinh hơn khi chúng phải đối mặt với sự áp đặt và la mắng của cha mẹ tác động từ bên ngoài khiến chúng bị triệt tiêu sự ham muốn ở bên trong. Cụ thể nhất là việc đứa trẻ nào cũng sợ bị cha mẹ doạ là sẽ không cho dùng iPad, iPhone, v.v. mà đó là thế giới duy nhất để chúng mở ra từ bên trong trước áp lực của cha mẹ tấn công từ bên ngoài. Vậy làm thế nào để chuyển hoá điều này, biến việc chơi iPad, iPhone của bọn trẻ trở thành “bình thường” và là cả niềm vui của cha mẹ chúng, thay vì biến nó trở thành nỗi sợ hãi của cả hai bên. Đó là phương pháp Chơi mà học.
Hồng Vũ: Giáo dục không thể nói có kết quả ngay. Nhưng nếu mình làm tốt mô hình này thì dần dà mình sẽ nhân rộng ra ở các bang khác.
Tại sao cả hai chị em đều chọn giáo dục làm đam mê của mình?
- Hoàng Vỹ: Khi học ở Anh, tôi tham gia đi dạy tình nguyện ở những khu dân cư nghèo. Lúc đứng lớp, tôi thấy vui và có cảm xúc kỳ lạ, là thứ mà trước giờ mình chưa từng có được. Sau đó, tôi về nói với gia đình rằng tôi quyết định sẽ trở thành giáo viên. Tôi chỉ muốn được làm công việc mà tôi thích, và không còn mơ ước gì hơn nữa. Sau đó, tôi tiếp tục qua Mỹ và làm việc tại những ngôi trường có học sinh nghèo khó và gặp nhiều hoàn cảnh bất hạnh như cha mẹ ly dị, nghiện ngập, và bản thân các em thì không được chăm sóc đầy đủ, phải ngủ ngoài đường, bị cha mẹ đánh đập, v.v. không chỉ thiếu thốn vật chất mà các em còn khiếm khuyết về tinh thần rất nhiều. Nhưng chính từ các em, tôi học được cách làm thể nào để bù đắp và lấp đầy những khiếm khuyết về mặt tâm hồn cho một đứa trẻ, để sau này nó có thể trở thành một công dân tốt thay vì một con người trở thành mối đe doạ cho cộng đồng.
Ngân Hà thực hiện Hoàng Tường hoạ chân dung (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.