Giao rừng đến từng hộ dân để giữ rừng

Thứ ba, ngày 24/07/2012 17:25 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Để bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh Sơn La đã chủ trương giao rừng cho từng hộ dân để quản lý, sản xuất có hiệu quả.
Bình luận 0

Tàn phá rừng vàng

Theo ông Hoàng Khải - nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển lâm nghiệp Sơn La, với diện tích gần 600.000ha, Sơn La là tỉnh có rừng lớn thứ 6 trong toàn quốc với các khu đặc dụng có giá trị đối với nghiên cứu khoa học và phục vụ du lịch sinh thái trong tương lai.

img
Lực lượng Kiểm lâm huyện Sông Mã, Sơn La thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng.

Trữ lượng rừng của Sơn La hiện còn khoảng 16,5 triệu m3 gỗ và 202,3 triệu cây tre nứa. Rừng Sơn La còn có hệ sinh thái rất đa dạng với 161 họ, 645 chi và khoảng 1.187 loài thực vật, bao gồm cả thực vật hạt kín và hạt trần, thực vật nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới. Trong đó có nhiều loài thực vật quý hiếm như: Pơ mu, thông tre, lát hoa, bách xanh, nghiến, chò chỉ, giổi, trai, sến, đinh hương, đinh thối…

Bên cạnh đó, hệ động vật rừng của Sơn La cũng rất phong phú với 101 loài thú, 347 loài chim, 64 loài bò sát, 28 loài lưỡng thê. Rừng Sơn La từng là nơi sinh sống của những loài động vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ như: Voi, bò tót, vượn đen, voọc xám, voọc má trắng, voọc quần đùi, hổ, báo, gấu…

Chính bởi sự giàu có đó, mà rừng Sơn La luôn ẩn chứa "lực hút" lớn đối với những đối tượng làm ăn phi pháp. Chúng sẵn sàng bỏ ra nhiều ngày công, đầu tư trang thiết bị để dựng lán trại trong rừng sâu, khai thác gỗ, khoáng sản; săn, bắn thú; khai hoang đất mới để trồng cây, chủ yếu là tái trồng cây thuốc phiện. Theo ước tính, mỗi năm các ngành chức năng Sơn La phải xử lý hàng trăm vụ vi phạm rừng, nhưng mức độ tàn phá rừng ngày càng nghiêm trọng; đặc biệt độ che phủ của rừng Sơn La đã từng giảm đến mức báo động đỏ với tỷ lệ che phủ chỉ còn 22,1%.

Trồng rừng để giữ rừng

Để khắc phục những hạn chế trên, Sơn La đã thực hiện phương châm "rừng có chủ" bằng việc giao đất lâm nghiệp, giao rừng tại 175 xã có rừng với tổng diện tích được giao trên 884.440ha, cấp 93.270 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ, nhóm hộ, cộng đồng làng bản và tổ chức.

Ông Nguyễn Xuân Nghiêm - Giám đốc Lâm trường Phù- Bắc Yên (Sơn La) cho biết: “Giữ rừng ở vùng Tây Bắc, phải đồng hành với trồng rừng. Mà trồng rừng ở vùng cao không phải dễ bởi với bà con dân tộc thiểu số thì việc bảo vệ, trồng rừng, khai thác rừng theo quy định là cả một bước tiến vượt bậc”.

Mặt khác, tiến hành cắm mốc chỉ giới sản xuất nương rẫy cho các hộ, bản tại 156 xã trong tỉnh với tổng số mốc chỉ giới trên 46.900 mốc, thực hiện làm băng cản lửa từ 8-12m trong mùa sản xuất nương rẫy. Ngành kiểm lâm phối hợp với chính quyền xã, bản thành lập gần 2.000 tổ, đội quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy - chữa cháy rừng, đồng thời hỗ trợ vốn cho các hộ thực hiện khoanh nuôi, bảo vệ, tái sinh rừng.

Công tác trồng rừng ở Sơn La cũng được quan tâm với nhiều nguồn dự án như: Bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh, khuyến khích trồng rừng nguyên liệu được hỗ trợ vốn, thực hiện trồng rừng theo Dự án 661, Dự án trồng rừng 1382, Dự án định canh định cư... Nhờ đó, hiện độ che phủ của rừng Sơn La đã đạt trên 42%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem