Giáo sư bốc phét "đi đêm gặp ma"

Chủ nhật, ngày 27/11/2011 06:08 AM (GMT+7)
Sự nghiệp của Diederik Alexander Stapel, 45 tuổi, giáo sư và là trưởng khoa tâm lý học của Đại học Tilburg, Hà Lan đang đến hồi kết thúc vì tội gian lận trong khoa học.
Bình luận 0

Diederik Alexander Stapel tốt nghiệp cao học hạng danh dự từ Đại học Amsterdam (UoA, Hà Lan) năm 1991. Sáu năm sau, ông tốt nghiệp tiến sĩ hạng danh dự về tâm lý xã hội cũng từ UoA. Năm 2000, ông trở thành giáo sư của Đại học Tilburg, đến năm 2010 trở thành trưởng khoa tâm lý học. Ông là tác giả trên 100 bài báo khoa học về tâm lý học (45 bài báo trong số này trên các tập san ISI), có những công trình công bố trên nhiều tập san hàng đầu trong chuyên ngành.

img
Giáo sư Alexander Stapel - Ảnh: drimble.nl

Mới đây, một công trình của Diederik Alexander Stapel được công bố trên Science gây tiếng vang trên thế giới. Nhưng đến nay thế giới mới biết rằng những công trình đó là do ngụy tạo dữ liệu, thực tế ông chẳng làm nghiên cứu gì cả. Ngay cả luận án tiến sĩ của ông cũng đang được kiểm tra lại. Nói chung, ông xây dựng sự nghiệp khoa bảng trên cát.

Những nghiên cứu “sexy”

Khoa học xã hội và tâm lý học nói chung là khoa học... mềm (soft science). Không giống như vật lý và y sinh học (những ngành khoa học đòi hỏi đo lường chính xác cao), khoa học xã hội không có phương tiện để có đo lường chính xác cao.

Do đó tính lặp lại (repeatability) trong khoa học xã hội thường không tốt như trong vật lí và y sinh học, và người ta cũng dễ dãi cho những phát hiện khó lặp lại. Có lẽ hiểu được điểm yếu này, Stapel có thể “tung hoành” và giả tạo số liệu trong thời gian dài mà không ai phát hiện.

Ông nổi tiếng với những nghiên cứu có thể nói là “sexy”, hiểu theo nghĩa những nghiên cứu thu hút sự chú ý của giới truyền thông đại chúng. Trong một công trình mới công bố trên Science, ông trình bày nhiều dữ liệu từ một nghiên cứu cho thấy sự kỳ thị chủng tộc thường hay xảy ra trong môi trường luộm thuộm, dơ bẩn hơn trong môi trường ngăn nắp. Một phát hiện có thể nói là rất thời thượng và làm nhiều người ngạc nhiên.

Trước đó, ông công bố nghiên cứu chỉ ra rằng người ăn thịt động vật có tính hung hãn hơn người ăn chay. Lại thêm một nghiên cứu độc đáo. Nói chung, những nghiên cứu của ông rất dễ gây chú ý của công chúng, vì ông tập trung vào những vấn đề tâm lý xã hội mang tính thời sự và nhạy cảm. Trong khoa học, những chủ đề thời thượng và “sexy” thường là môi trường cho gian lận khoa học, và ông Stapel là một trường hợp tiêu biểu.

Các đồng nghiệp của ông đều tỏ ra ngạc nhiên vì những số liệu nghiên cứu của ông “quá đẹp”. Trong khoa học, khi số liệu quá đẹp có nghĩa là một dấu hiệu cho thấy “có vấn đề”. Vì nghiên cứu khoa học thực nghiệm là một quá trình phức tạp và không có một công trình nào diễn ra một cách suôn sẻ, mà lúc nào cũng có vài trục trặc. Có thể thiết bị hư hỏng giữa chừng hoặc đo lường thiếu chính xác, có thể đối tượng tham gia từ chối không chịu trả lời, rút lui khỏi công trình nghiên cứu.

Cũng có thể khi phân tích thì mô hình thống kê không phù hợp, thậm chí cho ra kết quả sai, hoặc máy tính không thể cho ra kết quả đúng... Trong môi trường như thế, không có kết quả nghiên cứu thực nghiệm nào có thể xem là đẹp cả, lúc nào cũng có một điểm nào đó hơi lệch và điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó khi số liệu nghiên cứu quá đẹp, quá nhất quán từ đầu chí cuối thì đó là một điểm rất đáng nghi ngờ về quy trình nghiên cứu. Cố nhiên những số liệu ngụy tạo bằng máy tính lúc nào cũng đẹp!

Nhưng như thành ngữ Việt nói “đi đêm có ngày gặp ma”, hành vi giả tạo số liệu của ông bị phát hiện cũng chính qua những con số. Khi ba nhà nghiên cứu trẻ thấy số liệu của Stapel không ăn khớp nhau và nhiều mô hình phân tích thống kê không hợp lý hoặc có dấu hiệu không nhất quán, họ quyết định tìm hiểu thêm.

Tiểu thuyết giả tưởng!

Qua tìm hiểu những công trình trước đây của Stapel, họ phát hiện nhiều trường hợp cắt dán dữ liệu. Ba nhà nghiên cứu trẻ bèn quyết định báo cho hiệu trưởng trường biết. Hiệu trưởng gặp riêng Stapel hỏi cho ra lẽ thì Stapel sẵn sàng thú nhận đã có sai phạm. Stapel cho biết ông đã ngụy tạo dữ liệu chứ không làm nghiên cứu thực nghiệm nào cả. Trường quyết định mở cuộc điều tra dưới sự chủ trì của chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Hà Lan.

Báo cáo sơ bộ của ủy ban điều tra cho thấy có ít nhất 30 công trình nghiên cứu của Stapel là... tiểu thuyết giả tưởng! Stapel đã tự nguyện liệt kê một danh sách những bài báo mà ông ngụy tạo dữ liệu, nhưng người ta chưa công bố danh sách này. Trong một bản tuyên bố cá nhân, Stapel tự thú nhận ông là một nhà khoa học thất bại và lấy làm xấu hổ về những việc sai trái đã làm.

Sự thú nhận một cách thành thật của Stapel làm các cựu nghiên cứu sinh của ông nổi giận và thất vọng. Stapel đã đào tạo 12 tiến sĩ với những luận án “sexy” như đề cập trên. Khi 12 tiến sĩ này được phỏng vấn về dữ liệu của họ thu thập như thế nào, họ trả lời rằng tất cả đều do Stapel cung cấp và họ có nhiệm vụ phải phân tích. Họ còn cho biết ông Stapel là người có khi nóng tính, nếu kết quả phân tích không phù hợp với giả thuyết của ông, ông hay nổi nóng và chửi bới nghiên cứu sinh là ngu. Họ không dám hỏi xin xem số liệu gốc vì sợ bị mắng.

Ngay cả các đồng nghiệp mà Stapel từng cộng tác cũng ít khi nào dám hỏi xem số liệu gốc, vì lúc nào ông cũng tìm cách lảng tránh câu hỏi và nói đó là những dữ liệu ông thu thập qua những quan hệ đặc biệt. Cho đến nay, có thể nói việc ngụy tạo dữ liệu chỉ do một mình ông là “tác giả” chứ chẳng ai liên can. Bây giờ các cựu nghiên cứu sinh của ông cảm thấy mình bị lừa, và không biết danh hiệu “doctor” có còn được quý trọng hay không khi mà thầy mình là một kẻ gian dối trong khoa học.

Khi hỏi tại sao ngụy tạo dữ liệu thì ông đổ thừa cho môi trường cạnh tranh trong khoa bảng. Là người thông minh, nhiều tham vọng và nóng lòng có những đóng góp tiên phong cho ngành nên ông sẵn sàng làm điều sai trái. Ông nói môi trường khoa bảng quá cạnh tranh, áp lực công bố trên những tập san hàng đầu quá lớn, cộng với sự nôn nóng muốn là người đi tiên phong nên ông đã tự biến mình thành một tội đồ khoa học.

Một điều thú vị là ông còn nói thêm rằng tuy ông có vi phạm đạo đức khoa học, nhưng những vi phạm đó chỉ xuất phát từ động cơ làm thế giới này dễ thương hơn một chút (như vụ bài báo nói ăn chay ít hung hãn hơn ăn mặn). Cách biện minh của Stapel thật độc đáo nhưng rất tiếc đó là ngụy biện, vì ngụy tạo dữ liệu dù bất cứ hình thức nào và bất cứ mục tiêu gì cũng là một trọng tội trong khoa học.

Theo Tuổi trẻ

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem