Giáo viên cần làm gì để tránh sự cố "đỏ mặt" khi dạy online trong năm 2022?
Giáo viên cần làm gì để tránh sự cố "đỏ mặt" khi dạy online trong năm 2022?
T.L
Thứ hai, ngày 03/01/2022 14:19 PM (GMT+7)
Năm học 2021-2022, nhiều địa phương cho học sinh học online hết kỳ I, dự kiến hình thức học này ở một số nơi còn kéo dài sang hết kỳ II. Có những sự cố hy hữu trong lớp học trực tuyến ở năm cũ khiến các thầy cô không bao giờ muốn nhìn lại…
Trong buổi tập huấn trực tuyến sử dụng sách giáo khoa lớp 6 năm học 2021-2022 do Sở GDĐT Sơn La tổ chức hồi tháng 8/2021, một cô giáo dạy Vật lý của Trường THCS Hua La (TP.Sơn La) đã để lộ ảnh nhạy cảm khi dạy học online.
Cô giáo từng là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh - đã bị đình chỉ công tác - và chấp thuận hình thức kỷ luật này.
Không lâu sau vụ việc này, tháng 10/2021, tại Đồng Tháp, trong giờ dạy học trực tuyến, thầy giáo dạy tiếng Anh của Trường THPT TP Cao Lãnh (TP.Cao Lãnh) làm lộ clip có hình ảnh các nữ công nhân tại khu nhà tắm chung khiến phụ huynh bức xúc. Sự việc xác định được người thứ hai liên quan là một thầy hiệu phó của trường. Hai thầy giáo trên đã nhận lỗi và nghiêm túc rút kinh nghiệm, không để sự việc tương tự xảy ra.
Tiếp đó, tháng 11/2011, một thầy giáo dạy Toán của Trường THPT TP Sa Đéc (TP.Sa Đéc) cũng để lộ hình ảnh nhạy cảm chụp thẳng người phụ nữ, từ cổ đến hông, không mặc trang phục trong lúc dạy học online. Thầy giáo này đã gửi lời xin lỗi phụ huynh học sinh và được chấp nhận.
Mới đây nhất, phụ huynh tố cô giáo tiếng Anh tại một trung tâm có tiếng ở Hà Nội "không mặc gì" khi dạy học online theo hình thức 1 kèm 1. Cô giáo đã chủ động nhận mọi lỗi và xin nghỉ việc. Tuy nhiên, bất ngờ hơn, theo tiết lộ từ trung tâm tiếng Anh, cô giáo trên thực chất là một hướng dẫn viên du lịch.
Năm 2022, giáo viên cần làm gì để tránh sự cố lộ ảnh, clip nhạy cảm?
Các chuyên gia cho rằng, ngoài việc bố trí thời gian hợp lý, sắp xếp không gian làm việc chu đáo, thầy cô cùng học trò cần trang phục chỉn chu, cẩn trọng trong lời nói khi dạy và học online, đồng thời, giờ nào thì chú tâm làm việc ấy.
Trao đổi với Dân Việt, anh Hoàng Tiến Đạt, kỹ sư máy tính của một công ty công nghệ ở Hà Nội cho biết, việc cá nhân lưu trữ ảnh riêng tư, nhạy cảm là chuyện rất bình thường. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực như giáo dục, các thầy cô không am hiểu công nghệ thông tin dễ gặp sự cố bị "lộ, lọt" nhiều điều không hay thì nên đặc biệt chú tâm tìm hiểu về vấn đề bảo mật thông tin thông qua các ứng dụng "cất giấu" các hình ảnh nhạy cảm.
"Ngoài ra, nếu lưu trữ hình ảnh trên Google Photo hoặc Facebook, Tik Tok… nên cài đặt bảo mật hai lớp, đăng ký một số điện thoại hay sử dụng để nhận mã OTP. Đây là thao tác rất đơn giản ai cũng làm được khi sử dụng tất cả các nền tảng mạng xã hội", anh Đạt Khuyến cáo.
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, khi dạy online thầy cô càng phải dành nhiều thời gian tâm huyết đầu tư cho giờ dạy của mình, không nên coi dạy trực tuyến là "khuất mắt trông coi"… Đồng thời, các bậc cha mẹ cũng nên bình tĩnh tìm hiểu, nếu không phải do lỗi cố ý thì có thể góp ý trực tiếp với thầy cô và chớ nên nóng vội làm sự việc thêm rùm beng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.