Hà Nội: Hiệu trưởng chia sẻ về khoản đóng góp của giáo viên hợp đồng

Tào Nga - Gia Khiêm Thứ hai, ngày 08/07/2024 13:00 PM (GMT+7)
Một giáo viên hợp đồng bất bình, bức xúc khi mỗi lần nhận lương phải trích lại 10-15% số tiền thu ngoài lương chính (gồm tiền trông ngoài giờ, tiền học 2 buổi, tiền tiếng Anh liên kết) cho trường.
Bình luận 0

Giáo viên hợp đồng bị chia sẻ bị giữ lại tiền ngoài lương

Phản ánh với PV báo Dân Việt, cô K.C, từng là giáo viên hợp đồng tại Trường Tiểu học Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội, bức xúc về việc "tất cả giáo viên hợp đồng của nhà trường đều phải đóng khoản tiền ngoài lương chính vô lý và chưa thấy có ở trường nào".

Cô C. cho hay: "Tôi và giáo viên hợp đồng khác phải nộp lại 10-15% số tiền trích lại từ các khoản thù lao hàng tháng cho thủ quỹ nhà trường, theo sự chỉ đạo của hiệu trưởng.

Tôi được ký giáo viên hợp đồng năm học 2021-2022. Đến ngày 25/5/2022, hiệu trưởng chỉ đạo thủ quỹ thu lại của chúng tôi 15% các khoản như tiền quản lý ngoài giờ, tiền học 2 buổi/ngày, tiền tiếng Anh liên kết, tiền Toán tiếng Anh trong 2 tháng 4 + 5/2022 (do học sinh nghỉ dịch Covid-19 nên tháng 4/2022 học sinh mới quay lại trường học trực tiếp). Khoản nộp này chúng tôi nộp tiền mặt cho thủ quỹ khi được phát tiền lương và khấu trừ luôn.

Ngày 22/9/2022, tôi lại nhận được tin thủ quỹ thu lại 10% khoản dạy thêm hè tại trường vào tháng 8/2022. Do được ký hợp đồng năm thứ hai nên chỉ còn nộp 10%, lần này nộp bằng chuyển khoản vào tài khoản riêng của thủ quỹ. Các giáo viên hợp đồng khác cũng phải đóng 10-15% như trên. 

Sau đó, có một đơn tố cáo gửi UBND quận Hoàng Mai về khoản thu ngoài lương chính của giáo viên hợp đồng các năm học 2020-2021; 2021-2022 và 2022-2023 nên chúng tôi không phải nộp trong năm 2022-2023".

Giáo viên hợp đồng bị "cắt phế" tiền ngoài lương: Hiệu trưởng nói gì?- Ảnh 1.

Trường Tiểu học Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Cô C phản ánh tiếp: "Mặc dù bản thân nhiệt huyết với nghề, hoàn thành tốt công tác chủ nhiệm lớp và đóng đầy đủ khoản phụ thu do nhà trường yêu cầu nhưng tôi và 2 giáo viên khác bất ngờ khi nhận tin cắt hợp đồng mà không biết lý do. 

Cụ thể vào cuối tháng 5/2023, tại cuộc họp hội đồng sư phạm cuối năm học, hiệu trưởng thông báo giáo viên nào có nhu cầu ký tiếp hợp đồng thì nộp đơn.

Ngày 15/7/2023, chúng tôi đến trường nộp đơn xin ký tiếp hợp đồng, tuy nhiên, ngày 21/7/2023, một nhân viên của trường đã gọi điện cho chúng tôi thông báo nhà trường không ký hợp đồng nữa nhưng không đưa ra lý do. Việc bị cắt hợp đồng đột ngột đã khiến tôi và 2 giáo viên khác lâm vào cảnh thất nghiệp, không có thu nhập để trang trải cuộc sống".

Hiệu trưởng nói gì?

Ngày 25/6/2024, trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ký, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Kim thừa nhận nhà trường có thu khoản tiền ngoài lương chính của giáo viên hợp đồng. 

"Thu 15% các khoản như tiền quản lý ngoài giờ, tiếng Anh liên kết… đã có từ đời hiệu trưởng trước. Khi tôi về đây làm hiệu trưởng thì việc này vẫn diễn ra. Phần tiền này được chuyển cho Công đoàn nhà trường để sử dụng vào hoạt động chung và chỉ áp dụng với giáo viên hợp đồng. Giáo viên biên chế không phải đóng. Khoản này giáo viên hợp đồng tự nguyện đóng góp vào tài khoản công đoàn nhà trường", bà Ký thông tin.

Trước thắc mắc của PV về việc đã khảo sát nhiều trường nhưng không thấy trường nào có khoản thu này, bà Ký cho hay, đây chỉ là "khoản thu nội bộ". Số tiền thu được chuyển cho Ban chấp hành Công đoàn nhà trường để tổ chức các hoạt động như tham quan dã ngoại 8/3, dịp hè, ngày 20/11, ngày 20/10, Tết Nguyên đán… và hỗ trợ các hoạt động khác cho công đoàn viên nhà trường.

PV tiếp tục đặt câu hỏi "Lương của giáo viên hợp đồng vốn hạn hẹp do không có nhiều quyền lợi như giáo viên biên chế, thu như vậy có thiệt thòi cho họ không?", bà Ký cho hay: "Không có gì là không có quyền lợi. Ví dụ nhà trường trả lương hai buổi, giáo viên hợp đồng được hưởng y như giáo viên biên chế. Thông thường nhân viên hợp đồng chỉ nhận 85% lương. Tuy nhiên, tiền lương hợp đồng của giáo viên khoảng 4-5 triệu đồng thì nhà trường không thu mà chỉ thu các khoản thu ngoài lương để các bạn đóng góp lại một chút cho hoạt động của Công đoàn".

Trả lời về việc "sau kết luận của UBND quận Hoàng Mai là không thu các khoản ngoài tiền lương và giáo viên hợp đồng sẽ được hoàn trả lại số tiền nhà trường đã thu từ trước" (kết luận có ngày 15/3/2023), nhưng không được nhận lại, bà Ký cho hay, nhà trường có buổi họp hội đồng để trả lại, tuy nhiên 100% giáo viên hợp đồng không muốn nhận lại và có đơn tự nguyện không nhận. 

Về việc, giáo viên hợp đồng bất ngờ nhận được việc chấm dứt hợp đồng từ văn phòng trong khi hiệu trưởng không đưa ra lý do, bà Ký cho biết, trường hàng năm có hợp đồng giảng dạy với giáo viên. Theo quy định đến ngày 31/5 sẽ hết hợp đồng. Việc này là hết trách nhiệm, nhà trường hoàn toàn có quyền chấm dứt hợp đồng. 

"Nội dung này bao giờ cũng được nhà trường công bố trong cuộc họp, đến ngày đó nhà trường hết trách nhiệm. Năm học mới nhà trường hợp đồng với ai là quyền của nhà trường và có căn cứ vào kết quả. Nếu là giáo viên cũ có căn cứ vào kết quả của những năm công tác tại trường. Nhà trường nhận hay không đó là việc của trường, tất cả nội dung này đều được họp bàn. Đầu tiên họp ban giám hiệu, rồi họp cấp uỷ, hội đồng nhà trường và được thông qua chứ không tự nhiên. Tại sao không báo lý do cho giáo viên hợp đồng vì hiệu trưởng không có trách nhiệm gọi cho từng người mà bộ phận văn phòng bao giờ cũng là người tiếp nhận và thông báo đến từng giáo viên", hiệu trưởng Trường tiểu học Đại Kim thông tin.

Bà Ký cũng cho hay: "Cô C. "có nhiều hạn chế" trong công tác chủ nhiệm. Chúng tôi đã tạo điều kiện nhưng cô C. không đáp ứng được yêu cầu. Cô từng đuổi học sinh ra khỏi lớp khi đang có tiết học và yêu cầu phụ huynh đến đón giữa mùa đông. Điều này khiến phụ huynh bức xúc".

Tuy nhiên, cô C. lý giải: "Học sinh này từ tháng 9 đến tháng 11/2022 không chịu viết bài, tôi đã nhắc nhở học sinh, phụ huynh nhiều lần nhưng học sinh không thay đổi. Hôm đó, tôi đã gọi cho phụ huynh báo đưa con về để con tự nhận lỗi sai và phụ huynh xem lại con mình.

Còn khoản nộp 15% năm hợp đồng thứ nhất và 10% năm hợp đồng thứ hai là do chúng tôi bị ép buộc chứ không tự nguyện. Chúng tôi được thủ quỹ gửi bản mềm tự truyền tay nhau ký văn bản là tự nguyện nộp khoản phí trên. Chúng tôi là những giáo viên trẻ, cần việc làm vì nhiệt huyết và vì trang trải cuộc sống, chúng tôi buộc phải ký văn bản trên với nội dung là tự nguyện đóng góp".

Trao đổi với PV báo Dân Việt, TS Đặng Văn Cường, giảng viên Luật, Trường Đại học Thủy lợi, cho hay: "Với giáo viên hợp đồng, đồng lương đã ít rồi lại còn bị cắt giảm, yêu cầu nộp các khoản tiền không hợp lý thì việc bức xúc là chuyện dễ hiểu. Trong vụ việc này, ban giám hiệu nhà trường cần xem xét lại việc thu 10% đến 15% thu nhập ngoài lương cơ bản của giáo viên hợp đồng là có cơ sở pháp lý hay không.

Theo quy định của bộ Luật Lao động, mức lương do hai bên thỏa thuận, các khoản phụ cấp tăng thêm, tiền làm ngoài giờ hoặc các khoản thu nhập hợp pháp khác cũng phải được các bên thỏa thuận trong hợp đồng. Bởi vậy, để xác định cách tính tiền lương, tiền công và các nghĩa vụ của người lao động có đúng hay không thì phải căn cứ vào quy định của bộ Luật Lao động, Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời căn cứ vào hợp đồng lao động ký kết với cơ sở giáo dục để xác định việc thu, chi, thanh toán tiền lương có đúng quy định hay không.

Trong trường hợp các bên không thống nhất được với nhau về các khoản thu nhập, các khoản phí mà người lao động phải nộp, các giáo viên của cơ sở này cũng có thể gửi đơn đến Phòng GDĐT, Sở GDĐT để được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. Khi cơ quan chức năng vào cuộc cũng sẽ làm rõ việc thành lập quỹ, quản lý, sử dụng quỹ của cơ sở giáo dục này có phù hợp với quy định pháp luật hay không, có hành vi lập quỹ trái phép hay không để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra cũng sẽ làm rõ các khoản thu nhập tăng thêm của giáo viên có hợp pháp hay không, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động dạy thêm, các hoạt động liên kết giáo dục đã đúng quy định pháp luật hay chưa, các khoản thu nhập từ các hoạt động này được phân bổ, thanh toán như thế nào để đảm bảo thống nhất trong công tác quản lý, đảm bảo quyền lợi của người lao động và thống nhất áp dụng chính sách của nhà nước trong lĩnh vực giáo dục.

Nguyên tắc là những vấn đề nào chưa đúng thì cần phải chỉ ra để khắc phục, sai phạm đến đâu xử lý đến đó đồng thời đảm bảo đầy đủ nhất quyền lợi của người lao động, đặc biệt là không làm khó khăn hơn đời sống của giáo viên hợp đồng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem