Gieo hạt mầm nhân ái, gặt hái đầy quả ngọt

Nguyệt Minh Thứ ba, ngày 07/05/2024 14:05 PM (GMT+7)
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Báo NTNN xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 – 7/5/2024), chúng tôi có dịp nhìn lại hành trình “gieo hạt yêu thương” với những thành quả, kết quả đáng tự hào. Trong hành trình đó, phải kể đến các chương trình xây dựng “Điểm trường mơ ước", cầu, đường dân sinh, trao sinh kế cho người dân nghèo...
Bình luận 0

Với phương châm “Sát cánh cùng nông dân Việt", bên cạnh việc quan tâm đến sản xuất, làm ăn của bà con nông dân, Báo NTNN đặc biệt coi trọng công tác từ thiện - xã hội, chăm lo đời sống của bà con, nhất là với những nơi, những hoàn cảnh nông dân hay người dân nông thôn đang gặp khó khăn... “Trong chặng đường 40 năm phát triển, Báo NTNN đã thực sự trở thành cầu nối vững chắc, kết nối những tấm lòng vàng đến với những vùng đất, những ngôi trường, những hoàn cảnh người dân cần sự hỗ trợ để vươn lên. Báo đã thực hiện gần 400 chương trình thiện nguyện với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng" - nhà báo Nguyễn Văn Hoài - Phó TBT Báo NTNN chia sẻ.

Khoác tấm áo mới cho những ngôi trường cũ nát

Trên hành trình sát cánh cùng người nông dân, những người làm công tác từ thiện - xã hội của Báo NTNN đã gặp, đã nghe và chia sẻ với những câu chuyện, hoàn cảnh đầy xúc động. Đó là câu chuyện về sự nỗ lực thay đổi cuộc sống của không chỉ một cá nhân, một gia đình, mà còn là sự phát triển một trường học một địa phương thông qua sự kết nối của báo.

Gieo hạt mầm nhân ái, gặt hái đầy quả ngọt- Ảnh 1.

Nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo NTNN/Điện tử Dân Việt (thứ 5 từ phải sang) cắt băng khánh thành "Điểm trường mơ ước" tại Sơn La. Ảnh: Nguyễn Chương

Bản Chang (xã Quảng Ngần, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) được biết đến với nhiều cây chè cổ thụ. Chè được kỳ vọng là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế và nâng cao đời sống của bà con nơi đây, thế nhưng con đường đi từ bản đến trung tâm xã lại vô cùng khó khăn khiến việc giao thương của người dân bị cản trở, kinh tế của địa phương cũng vì thế mà èo uột…

Ông Đặng Văn Dột – Trưởng thôn bản Chang nhớ lại: “Con đường đất đá cheo leo, sình lầy đã có từ hàng chục năm trước. Để đem được những lá chè vừa thu hoạch ra trung tâm xã bán, chúng tôi bắt buộc phải di chuyển qua con đường đó. Có khi vận chuyển mất cả ngày đường, đến nơi lá chè đã héo, có khi còn không bán được, người cũng “héo” theo”.

Vì thế, trong thôn có 114 hộ nhưng đến 68 hộ vẫn thuộc diện hộ nghèo bền vững.

Gieo hạt mầm nhân ái, gặt hái đầy quả ngọt- Ảnh 2.
Gieo hạt mầm nhân ái, gặt hái đầy quả ngọt- Ảnh 3.

Toàn cảnh lễ Khánh thành Điểm trường bản Chang, Trường mầm non Quảng Ngần (Xã Quảng Ngần, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang). Ảnh: Nguyễn Chương

Thoát nghèo - đối với người dân bản Chang khi đó chỉ là niềm khát khao, và giấc mơ về một điểm trường cho con em mình học hành lại càng mờ mịt hơn.

Thông qua sự kết nối của Báo NTNN, tháng 12/2021 người dân Bản Chang vỡ oà niềm vui và hạnh phúc khi cùng lúc nơi đây khánh thành “Điểm trường mơ ước" khang trang và con đường bê tông kiên cố dài hơn 5km. Bản Chang giờ đây đã đổi thay, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt và trong ánh mắt của mỗi người dân…

“Cuộc sống của chúng tôi đã thật sự đổi thay. Nhờ có điểm trường mới kiên cố, người dân trong thôn yên tâm đưa con đến trường. Con đường mới cũng góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Những lá chè xanh tươi giờ đây được vận chuyển kịp thời đến chợ và các thương lái, giữ được độ tươi ngon vốn có, nhờ đó nhiều hộ dân đã tăng thu nhập, thoát nghèo” - ông Đặng Văn Dột chia sẻ.

Hình ảnh người dân bản Chang với những bữa ăn chỉ có cơm ăn kèm với muối giã ớt xanh cùng bát canh rau loãng, những bạn nhỏ đi học với đôi chân trần, run lên trong giá rét, ngồi trong lớp học dựng tạm bằng gỗ dột nát… đã là chuyện của quá khứ. Hiện tại, Bản Chang đã chuyển mình với “Điểm trường mơ ước" khang trang, kiên cố, với con đường to đẹp, sạch sẽ. Và sự thay đổi ở chính những bữa cơm giờ đã có thịt của nhiều hộ dân.

Gieo hạt mầm nhân ái, gặt hái đầy quả ngọt- Ảnh 4.

Khoảnh khắc hạnh phúc khi “Điểm trường mơ ước" Nghiên Loan II (Trường Tiểu học Nghiên Loan II, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) chính thức được đưa vào sử dụng.

Trong chặng đường sắp tới, Báo NTNN sẽ tiếp tục nỗ lực, tích cực kết nối để hỗ trợ được nhiều hơn cho những hoàn cảnh, địa phương còn gặp nhiều khó khăn trên cả nước.

Nhà báo Tống Hương - Phó trưởng Ban Bạn đọc Báo NTNN.

“Điểm trường mơ ước" Bản Chang là một trong số 66 điểm trường được Báo NTNN kết nối các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng, sửa chữa ở các địa phương còn khó khăn trên cả nước. Mỗi “Điểm trường mơ ước” được xây dựng không chỉ tạo ra điều kiện cơ sở vật chất khang trang hơn, mà còn “thắp lên” ngọn lửa hiếu học trong mỗi gia đình, mỗi em học sinh, tạo thêm sức mạnh giúp các thầy cô vững tâm bám trường, bám lớp để truyền dạy kiến thức.

Bà Trần Hồng Điệp - Giám đốc Quỹ Vì Tầm Vóc Việt chia sẻ: “Quỹ Vì Tầm Vóc Việt đã được đồng hành cùng Báo NTNN/Điện tử Dân Việt trong nhiều chương trình lớn như xây dựng cầu giao thông, trường học cho các vùng khó khăn. Năm 2024 là một năm đặc biệt, đánh dấu kỷ niệm 10 năm thành lập Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, kỷ niệm 40 năm Báo NTNN ra số đầu, tôi hi vọng năm nay - và cả trong nhiều năm sau, với sự kết nối của báo, quỹ sẵn sàng đồng hành trong nhiều chương trình thiện nguyện để mang lại cuộc sống tốt đẹp và thuận lợi hơn cho nhiều người, nhiều vùng đất”.

Ngày mầm xanh cho quả ngọt

Đổi thay đời sống của người dân nghèo thông qua các chương trình trao sinh kế là một dấu ấn thiện nguyện của Báo NTNN những năm qua. Hàng nghìn người nông dân với khát khao thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế đã được hỗ trợ các cây, con giống phù hợp với nơi họ ở, như: Mắc ca, dổi, xoài, ổi, đào, mận, bỏ, dê, gà lợn...

Những cây giống bé nhỏ ngày nào giờ đã vươn mình cao lớn, mang đến niềm tin, hy vọng thoát nghèo cho hàng nghìn người dân tại nhiều địa phương trên cả nước. Với hàng trăm nghìn cây giống được gieo trồng, những đồi trọc đã được phủ xanh, là nền tảng cho việc phòng chống thiên tai như: Lũ ống, lũ quét, sạt lở, hạn chế tình trạng xói mòn đất, cũng là tạo nên những vùng trồng cây đặc trưng, mang lại thế mạnh cho địa phương.

Gieo hạt mầm nhân ái, gặt hái đầy quả ngọt- Ảnh 5.

2.666 cây giống mắc ca hứa hẹn sẽ cho những vụ mùa bội thu cho hội viên nông dân tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

Cho đến hiện tại, cô Thạc sĩ người Dao Chảo Thị Yến (1990) cùng người dân xã Nậm Chạc (Bát Xát, Lào Cai) vẫn còn vẹn nguyên niềm hạnh phúc vỡ oà khi nhận được 2.600 cây giống qua sự kết nối của Báo NTNN. Hoàn thành học thạc sĩ ở Đức và Italy, trở về quê hương Nậm chạc, Chảo Thị Yến luôn đau đáu khát vọng góp sức cùng bản làng thoát nghèo. Cô hiểu, phát triển trồng trọt với những cây trồng đặc sản là một “chìa khóa” mở ra cánh cửa phát triển kinh tế tại địa phương. Thế nhưng làm sao để có được cây giống lại là một bài toán khó khi kinh tế của xã, của người dân Nậm Chạc còn rất khó khăn.

Tâm sự với chúng tôi sau 10 tháng chương trình “Tháng Năm yêu thương” được tổ chức tại Nậm Chạc, Chảo Thị Yến phấn khởi: “Em may mắn được kết nối với Báo NTNN, biết về tôn chỉ mục đích và hoạt động của báo, em đã mạnh dạn bày tỏ mong muốn phát triển quê hương của mình. Mong muốn của em đã được báo hỗ trợ, 2.600 cây giống được Báo NTNN kết nối nhà tài trợ đã đến với quê hương của em".

Gieo hạt mầm nhân ái, gặt hái đầy quả ngọt- Ảnh 6.

Nhà báo Tống Hương - Phó trưởng ban Bạn Đọc, phụ trách mảng Nhịp Cầu Nhân Ái Báo Nông Thôn Ngày Nay cùng Chảo Thị Yến trồng những cây giống xanh tươi với hi vọng người dân Nậm Chạc sớm thoát nghèo.

Từ ngày nhận được cây giống đem về trồng, ông Tần Sài Nhàn (SN 1981, ở xã Nậm Chạc) đã có thêm công việc mới là chăm sóc vườn cây của gia đình mình. Ông Nhàn mừng rỡ khoe với chúng tôi: “Những cây giống bao gồm dổi, mận, xoài, bưởi được tôi chăm sóc đang sinh trưởng tốt lắm. Nhiều mảnh nương trước đây chỉ trồng ngô, sắn, giờ đã được bổ sung thêm sắc xanh của các loại cây hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tôi có niềm tin vững chắc rằng những loại cây này sẽ giúp gia đình thoát nghèo".

Với gần 1 triệu cây, con giống được trao đi thông qua các Chương trình Trao sinh kế của Báo NTNN, đã có rất nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo. Đó chính là thành quả kết nối, là niềm vui của những người làm Báo NTNN sau những nỗ lực không ngừng nghỉ với sứ mệnh “Sát cánh cùng nông dân Việt”.

Ông Lù A Hòa - Chủ tịch UBND xã Nậm Chạc (Bát Xát, Lào Cai) bày tỏ: “Với những xã vùng cao như chúng tôi, cây, con giống là chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển kinh tế. Với quỹ đất dồi dào, tìm được loại cây phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương sẽ giúp người dân có thêm thu nhập, giảm bớt việc phụ thuộc hoàn toàn vào lúa và sắn".

Gieo hạt mầm nhân ái, gặt hái đầy quả ngọt- Ảnh 7.

Tại nhiều nơi, cây giống do Báo Nông Thôn Ngày Nay kết nối đã đơm hoa, kết trái, mang lại giá trị kinh tế cho người dân.

Song song với cây giống, những con giống như bò, lợn, gà... cũng được Báo NTNN tổ chức trao tặng, trở thành sinh kế, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo.

Bắc nhịp cầu yêu thương

Cùng với các chương trình xây dựng “Điểm trường mơ ước", trao sinh kế cho người dân nghèo…, chương trình hỗ trợ xây dựng cầu dân sinh của Báo NTNN đã tạo ra sự thay đổi then chốt, tác động tích cực đến sự phát triển của nhiều địa phương.

Tháng 12/2022, cầu Nà Khoé (xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) được xây dựng vững chãi bằng bê tông cốt thép với tổng trị giá 600 triệu đồng, khánh thành đưa vào sử dụng. Từng khoảnh khắc tại buổi lễ khánh thành cầu Nà Khoé vẫn còn đọng mãi trong tâm trí của anh Hoàng Ngọc Chức (43 tuổi, thôn Tổng Ngoảng). “Giờ phút tôi được đi xe máy qua cầu Nà Khóe, tôi mừng lắm, hạnh phúc vô cùng. Nhờ cây cầu mà từ giờ tôi không phải đi đường vòng để sang mảnh nương nhà, hay đưa con đi học. Chúng tôi có thể vận chuyển dễ dàng nhiều hàng hoá ra chợ, lên huyện, lên tỉnh bán. Nhờ có cây cầu này mà người dân chúng tôi không cần đợi nước lũ rút mới có thể đến bệnh viện chữa bệnh, học sinh không cần phải nghỉ học mỗi khi mưa lũ về, cuộc sống của chúng tôi thật sự khởi sắc từ đây”- anh Chức tâm sự.

Gieo hạt mầm nhân ái, gặt hái đầy quả ngọt- Ảnh 8.

Cây cầu Nà Khoé được xây kiên cố, vững chắc đã góp phần thay đổi bộ mặt xã nghèo Quảng Lâm.

Sau gần 2 năm đưa vào sử dụng, cầu Nà Khoé phát huy rõ giá trị của mình. Giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, là cầu nối giữa trung tâm đến các thôn trong xã, trở thành một phần trong cuộc sống của người dân tại xã Quảng Lâm.

Cầu Nà Khoé là một trong 50 cây cầu do Báo NTNN kết nối xây dựng, sửa chữa ở nhiều tỉnh thành. Mỗi cây cầu mới đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của xã nghèo, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt tại địa phương.

Gieo hạt mầm nhân ái, gặt hái đầy quả ngọt- Ảnh 9.

Tháng 8/2022, Báo Nông Thôn Ngày Nay tổ chức Lễ khánh thành cầu Hô Sán (xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem