Giờ thiêng trên biển lớn

Thứ hai, ngày 30/01/2012 14:27 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - LTS: Giao thừa bao giờ cũng là thời khắc thiêng liêng với người Việt để sum họp bên gia đình, hạnh ngộ tình thân, chào đón một năm mới đến. Tuy nhiên, có nhiều người- vì công việc, vì hoàn cảnh- phải đón giao thừa ở những nơi rất đặc biệt. Dẫu vậy, thời khắc đó với họ vẫn rất ý nghĩa và nhiều trải nghiệm.
Bình luận 0

Lo lễ cúng giao thừa

Là người đã nhiều lần ăn tết ở trên ngư trường Hoàng Sa, cách quê nhà hàng trăm km, thuyền trưởng tàu QNg 05985 Nguyễn Văn Leo (xã Đinh Tân, Bình Châu, Quảng Ngãi) đã quá quen với những đêm cuối năm trên biển.

img
Chuẩn bị lễ cúng giao thừa trên tàu QNg 05985 của anh Nguyễn Văn Leo.

“Ngư dân chúng tôi đón Tết ở trên biển là chuyện bình thường, vì một năm 12 tháng, ai đi biển giỏi thì đi được 7 phiên, mỗi phiên mất 1 tháng, bắt đầu từ cuối tháng 10 âm lịch năm trước đến tháng 6 âm lịch năm sau. Đây là quãng thời gian biển êm còn đánh bắt được, từ tháng 6 âm lịch gió tây nam nổi lên, biển động, không tàu nào trụ được, chúng tôi gác bờ để bồi tàu bồi lưới. Vì thế, anh em không dám nghỉ tết. Nghỉ là mất một phiên biển”.

Một ngày làm việc của của ngư dân là đi đổ lưới, bắt đầu lúc 3 giờ sáng và thường kết thúc lúc 10 giờ đêm. Sau cả một ngày quần nhau với lưới và sóng, anh em thường đã mệt lử đử rồi, ăn bữa tối xong thì thường tất cả đều lăn ra ngủ để lấy sức cho giấc lưới ngày hôm sau. Nhưng đã thành lệ, cứ đến đêm 30 Tết, chuẩn bị giao thừa là tất cả bạn tàu đều thức để làm nghi lễ cúng biển vào giờ thiêng để đợi sang năm mới với nhiều “công đoạn” cầu kỳ.

Sau bữa ăn lúc 10 giờ đêm cuối năm, 8 người lưới bạn đi trên tàu QNg 05985 chuẩn bị làm lễ tạ ơn “Bà Cậu” vào đúng thời khắc giao thừa. Người đi biển gọi thần biển là Bà Cậu để được che chở, giúp đỡ lúc sóng to gió lớn và ban cho nhiều cá. Trước đó, thuyền trưởng Leo đã phân công cho mọi người lo lễ.

Đã là bạn đi biển với nhau nhiều năm, bao giờ cũng thế, anh Chính được phân công thịt gà. Đây là một trong 2 con gà trống đi cùng họ cả tuần lễ, được nhốt ở sau bếp của tàu. Anh Chính vừa bắt gà, vừa bảo: “Những người đi biển khi làm lễ cúng nhất định phải có 1 con gà trống. Chúng tôi thường mang đi 2 con, đúng giao thừa phải có gà tươi cắt tiết xuống biển”.

img
Làm lễ thả tiền vàng xuống biển.

Tiếp đó là ông Tám Hùng - người lớn tuổi nhất (61 tuổi) làm nhiệm vụ sắp lễ mâm ngũ quả. Trái cây thì được bảo quản trong những hầm đá, ông Tám Hùng chỉ việc mang lên bày biện cho đẹp mắt. Anh Thời - máy trưởng chuẩn bị tiền vàng, nhang, nến.

30 phút trước giao thừa, một mâm lễ được bày ngay ngắn trước mũi thuyền. Anh Leo vận bộ quần áo dài đẹp nhất thành kính khấn lậy thần biển phù hộ cho sóng yên biển lặng cá đầy khoang. Sau đó lần lượt những thành viên trên tàu từ lớn đến nhỏ cũng thắp hương thành kính. Theo quy định thì trong lúc làm lễ mọi người không ai được nói bậy, nói to và không được vứt bất cứ vật gì xuống biển.

Hỏi thăm tin tức quê nhà

Sau khi hạ lễ thì những người đi biển cũng cùng nhau hưởng lộc đầu năm, mỗi người nhâm nhi một lon bia và cùng chúc nhau sức khỏe, may mắn. Trước chỉ anh em bạn tàu đón giao thừa với nhau thì nay cả tàu có thêm tiết mục rộn ràng chúc tết người thân.

Anh Leo bảo, tuy đánh cá xa nhà hàng trăm km nhưng thông tin về gia đình đất nước thì không hề bị đứt. Nhờ hệ thống I -com được trang bị trên tàu, các anh có thể nghe rõ từng lời chúc tết của Chủ tịch nước và gọi điện được về nhà thông qua tổng đài duyên hải đặt ở Đà Nẵng. “Bây giờ đi biển dù từ Hoàng Sa ra tận Trung Sa, cách đất liền ngót 1.000km nhưng đăng ký số điện thoại của vợ ở nhà với tổng đài duyên hải ở Đà Nẵng là giờ nào cũng có thể gọi được về quê”- anh Leo hồ hởi nói.

Sau thời khắc giao thừa trên biển, trước khi chui vào chăn ngủ lấy sức cho mẻ lưới đầu năm, ông Tám Hùng nói: “Người đi biển chúng tôi, ai cũng có quan niệm: Nếu vào giờ thiêng mà mình làm điều thiện sẽ được trời đất, biển cả chứng giám mà phù hộ cho may mắn, sức khỏe, kiếm được nhiều cá để về nuôi vợ nuôi con. Năm mới người ngư dân trên biển chỉ mong điều đó”.

Giao thừa, sau khi nhận được tín hiệu lên máy từ tổng đài, chị Nhanh - vợ anh Leo ở nhà đã bắt được tín hiệu. Chị báo cáo: “2 thằng con không quen thức khuya đã ngủ rồi. Giá cá mấy ngày Tết có nhích lên. Phiên này đến khoảng mùng 10 tháng Giêng về là bán được giá nhất”. Vợ chồng chị cùng chúc nhau sức khỏe. Trước khi xuống máy chị còn dặn dò thêm: “Dạo này thời tiết rất lạnh, anh nhớ mặc áo ấm giữ sức khỏe, hôm nào về bờ còn có sức mà xông nhà”.

Riêng ông Tám Hùng, đầu năm mới đã bị vợ nhắc khéo: “Lấy nhau 42 năm rồi, chẳng mấy khi ông ăn tết ở nhà. Tết sang năm ông tính ở nhà đi, vắng ông nội, các cháu đều thấy thiếu thiếu”. Nghe hết lời chúc của vợ, ông Hùng chỉ cười nói: “Tôi ở nhà cũng thế mà, có nước non gì đâu, bà nhớ giữ sức khỏe để còn vá cho tôi mấy tay lưới nhé”.

Giờ giao thừa trên biển còn có cái vui là tuy không ở cùng nhau, nhưng hàng trăm tàu cá cùng ngư trường vẫn tới tấp chúc nhau năm mới bằng hệ thống bộ đàm, ở phạm vi sóng ngắn 60km có thế gọi cho nhau thoải mái, nhiều tàu còn hứng chí đổ mấy bài ca cải lương để cả làng cùng nghe. Anh Leo nói: “Bộ đàm bật 24/24, tàu nào gặp trục trặc cần cứu hộ đều gọi nhau, có khi người ta dùng bộ đàm để vay dầu, vay rượu, xin gạo xin nước của nhau là chuyện bình thường. Đi trên biển, tất cả đều là anh em và việc giúp đỡ nhau là nghĩa vụ của người đi biển, đó là luật bất thành văn trên biển rồi”.

Với những người ngư dân ở Quảng Ngãi, để có những phiên biển đủ đầy hải sản họ phải ra khơi ngay cả khi Tết đến. Dù không được đón giao thừa cùng gia đình ở nhà, nhưng khi giờ thiêng giao thừa tới, họ cũng có cách đón xuân của riêng mình.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem