“Đánh vào con dấu đỏ”
Trước con số chỉ 5 - 10% các chương trình ca nhạc ở khu vực phía Bắc là có trả tiền tác quyền cho các tác giả theo báo cáo tổng kết năm 2011 của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN, ngày 16.2, gần 30 nhạc sĩ tên tuổi thuộc nhiều thế hệ đã họp mặt cùng nhau tại Hà Nội để lên tiếng đấu tranh cho quyền lợi của mình.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2012/images/2012-02-17/1434683086-41_8_nhac-sy.jpg) |
Các nhạc sĩ ký tên vào bản kiến nghị khẩn cấp tại Hà Nội sáng 16.2. |
Trong cuộc gặp gỡ của giới nhạc sĩ Hà Nội vào ngày 16.2, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ lên tiếng: “Tôi đề nghị các nhạc sĩ chúng ta phải tập trung sức mạnh để đấu tranh trực diện với các cơ quan nhà nước đã đóng dấu cho phép các chương trình ca nhạc được biểu diễn mà bất cần sự đồng ý của tác giả âm nhạc. Nói cách khác là phải “đánh” vào con dấu đỏ cho phép giới tổ chức biểu diễn xâm phạm quyền sở hữu của chúng ta”.
Còn nhạc sĩ Hoàng Dương thì ngắn gọn hơn: “Tôi đề nghị chúng ta góp tiền thuê luật sư làm cho ra nhẽ, không thể nói chuyện cù nhầy mãi được”.
Đang lúc tình hình nóng như chảo lửa, những thông tin do nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh cung cấp càng khiến các nhạc sĩ bất bình, ông cho biết:
“Tôi là Chủ tịch Hội đồng duyệt các chương trình ca múa nhạc của TP. Hà Nội, chính mắt tôi tận mắt trông thấy hợp đồng nhà tổ chức ký với các ca sĩ trong đêm nhạc tổ chức nhân Ngày Valentine vừa qua, ca sĩ Mỹ Tâm được trả 80.000.000 đồng, ca sĩ Văn Mai Hương mới 18 tuổi đã có cát-xê 55.000.000 đồng, các nhạc sĩ, giả sử nếu được trả tiền tác quyền âm nhạc cho ca khúc biểu diễn cũng chỉ được hưởng 75.000 đồng/bài thôi. Vậy mà nhiều nhà tổ chức biểu diễn lờ tịt chuyện tác quyền đi, chả ai bắt họ phải thực hiện”.
Đồng lòng làm kiến nghị
Nhạc sĩ Huy Thục bức xúc lên tiếng: “Tôi thấy buồn vì bao nhiêu năm nay, những cuộc gặp gỡ thế này chỉ có các nhạc sĩ và nhà báo, không có ai đại diện cho Bộ VHTTDL tham gia. Chúng tôi viết tác phẩm phục vụ cho đời, nhưng nếu các ông “cai đầu dài” lấy nó đi kinh doanh khắp nơi, làm giàu trên chất xám của chúng tôi thì các ông phải trả tiền tác quyền chứ”.
Nhạc sĩ Đinh Quang Hợp thì đặt vấn đề: “Ở tất cả các nước, chỉ duy nhất một người có quyền cho phép sử dụng tác phẩm của mình, đó là các tác giả, còn tại sao ở VN, ông cục, ông sở nào đó lại có quyền đóng dấu đỏ cho phép nhà tổ chức biểu diễn sử dụng trái phép tài sản của người khác mà tài sản đó đã được Luật Sở hữu trí tuệ bảo hộ?”.
Bản kiến nghị khẩn cấp về việc bị xâm phạm tác quyền sẽ có chữ ký của các tác giả là thành viên của Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc VN, các hội âm nhạc địa phương. Nội dung của bản kiến nghị này phản đối việc Cục Nghệ thuật biểu diễn và các sở VHTTDL địa phương cho phép các chương trình biểu diễn được tổ chức mà không cần sự đồng ý của các tác giả.
Tại buổi gặp gỡ, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết ông quá sốt ruột vì Nghị định sửa đổi về tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp sắp được ký ban hành, nhưng so với Quy chế 47, quyền của các tác giả vẫn không có chút gì thay đổi, thậm chí lại còn bị bẻ cong theo kiểu “hứa cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ tác quyền”.
Bởi vậy, các nhạc sĩ đã đồng lòng ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc VN soạn gấp một bản kiến nghị gửi đến Bộ VHTTDL, các cơ quan thông tấn báo chí để lên tiếng yêu cầu bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
“Nếu không thay đổi được điều khoản quy định về quyền tác giả trong nghị định sắp sửa ban hành tới đây, giới nhạc sĩ sẽ phải chờ khoảng 10 năm nữa để có một nghị định mới, mà chúng tôi đều đã già cả, mệt mỏi vì đấu tranh suốt bao năm nay rồi”- nhạc sĩ Phó Đức Phương chua chát cho biết.
Ngọc Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.