“Giống lúa Mặn Mòi” CTUS

Thứ năm, ngày 02/06/2011 00:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Giống lúa CTUS do khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (Trường Đại học Cần Thơ) lai tạo với đặc tính chịu mặn đến 8,2%o, nên nó được các nhà khoa học gọi thân mật là "giống lúa Mặn Mòi".
Bình luận 0

Giống lúa cho hệ sinh thái mặn lâu nay vẫn là nỗi trăn trở của nhiều nhà khoa học, quản lý và hàng triệu nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Chịu mặn hơn 8o/oo

img

Giống lúa Mặn Mòi CTUS sẽ được nông dân nhân giống trong mùa vụ tới.

Tại Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang, những vùng có đất nhiễm mặn lâu nay được bố trí chuyên canh lúa mùa, lúa-cá với giống lúa duy nhất được trồng là giống Một Bụi Đỏ, nhưng năng suất khá thấp, chỉ có khả năng chịu mặn dưới 5%o. Sự ra đời của giống lúa chịu mặn CTUS có năng suất trên 4,5 tấn/ha là thành công vượt bậc, mang đến niềm vui cho nhà nông và tác động tích cực đến nền an ninh lương thực của khu vực.

“Cha đẻ" của giống lúa này là TS khoa học Võ Công Thành - Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu. TS Thành cho biết: Giống lúa Mặn Mòi CTUS là lúa dài ngày, được lai tạo từ gene chịu mặn; chọn lọc những cá thể từ những REP có đặc tính trội, ưu thế thuộc nhiều dòng. Qua nhiều vụ thử nghiệm, giống lúa này thể hiện đặc tính chịu mặn càng cao - có thể đến 8,2o/oo (độ mặn dùng để nuôi tôm). Hạt lúa Mặn Mòi có dạng tròn (lúa tròn), cứng cơm, nhưng thuộc loại gạo ngon cơm, người tiêu dùng có xu hướng ưa chuộng chất lượng loại gạo này…

TS Thành cho biết, hiện ông đang tiếp tục cùng các cộng sự ráo riết tạo dòng mới cho giống Mặn Mòi để rút ngắn thời gian sinh trưởng của lúa chỉ còn khoảng gần 4 tháng - tương đương các giống ngắn ngày (thay vì gần 6 tháng như hiện nay).

Kỳ vọng mới

img Lúa Mặn Mòi CTUS có khả năng chịu độ mặn cao, không chỉ luân canh lúa-tôm, có thể còn mở ra hướng xen canh lúa - thuỷ đặc sản khác cực kỳ hấp dẫn. img

Ông Võ Văn Út - Bí thư Huyện ủy Hồng Dân (Bạc Liêu) cho biết: Huyện Hồng Dân là địa phương có mối liên kết chặt chẽ, lâu đời với Trường Đại học Cần Thơ. Và theo dự đoán, Hồng Dân là môi trường thích nghi để giống lúa Mặn Mòi "bám rễ". Do vậy, từ đầu tháng 4 vừa qua, huyện Hồng Dân là huyện đầu tiên ở ĐBSCL được TS Võ Công Thành chuyển giao giống lúa Mặn Mòi.

Tại các xã Ninh Thạnh Lợi, Ninh Thạnh Lợi A, Lộc Ninh và Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A là những vùng đất khi chưa dứt hột mưa là độ mặn tăng cao. Do đó, giống lúa Mặn Mòi CTUS sẽ là giống lúa để hàng nghìn hộ dân ở đây làm mô hình lúa - tôm ngay trong niên vụ tới. "Thật lý tưởng khi có giống lúa mới, thích nghi trên vùng đất phèn, mặn thuộc tiểu vùng lúa-tôm ở Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng và một phần của tỉnh Kiên Giang" - ông Ca Quốc Hận - Chủ tịch Hội ND huyện Hồng Dân vui mừng với sự ra đời của giống lúa mới Mặn Mòi này.

Kỹ sư Võ Văn Lăng - Trưởng phòng NNPTNT huyện Hồng Dân, cho biết đã nhận 4kg giống CTUS từ Trường Đại học Cần Thơ và gieo mạ trên diện tích 200m2 tại xã Vĩnh Lộc A. Sau đó, phòng sẽ mang cấy nhân giống cấp siêu nguyên chủng trên diện tích gần 7.000m2… Đến tháng 10 năm nay có thể cho thu hoạch hơn 18 tấn giống (dự kiến năng suất trên 4,5 tấn/ha). Và như vậy là từ niên vụ năm 2012, Hồng Dân sẽ có 300ha để tiếp tục nhân giống lúa Mặn Mòi CTUS.

Nhiều địa phương ở ĐBSCL "tranh nhau" nuôi dưỡng giống mới CTUS. Huyện Hồng Dân đang ráo riết nhân giống, tập trung sản xuất ngay trên vùng đất có nhiều hệ sinh thái đặc thù mà ít nơi nào có đượ này. Các công ty lương thực Tiền Giang, Bạc Liêu… cũng muốn đặt hàng bao tiêu sản phẩm từ lúa Mặn Mòi CTUS.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem