Giống mít quý của ông Út Mẫn

Thứ bảy, ngày 14/09/2013 06:40 AM (GMT+7)
Lão nông Trần Minh Mẫn (Út Mẫn), ngụ phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ đã nhân thành công giống mít không hạt, thơm ngon nổi tiếng cả nước. Ông được đề cử bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2013”.
Bình luận 0
img

“Bén duyên” với mít


Ông Út Mẫn nhớ lại: “Việc bén duyên với cây mít rất đỗi tình cờ. Năm 2007, trong một lần đi dự hội thảo tại Viện Cây ăn quả Miền Nam, tôi ghé thăm nhà một người bạn ở Tiền Giang. Người bạn giới thiệu với tôi một giống mít có nguồn gốc từ Myanmar. Thời điểm đó, cây mít đang trong giai đoạn suy kiệt, gần chết, chỉ còn lại mỗi nhánh duy nhất cho được 3 trái. May mắn, tôi được người bạn biếu 1 trái mang về Cần Thơ làm quà”.

Ông Út Mẫn và giống mít quý hiếm.
Ông Út Mẫn và giống mít quý hiếm.

“Mang về Cần Thơ được 5 ngày mít bắt đầu chín. Điều đặc biệt, khi mít chín hoàn toàn không có mùi thơm nồng như các giống mít thông thường mà thơm dịu nhẹ. Một điều lạ nữa là khi xẻ mít ra hoàn toàn không có mủ; múi không có hạt và xơ có màu vàng, cơm dày rất ráo, ít xơ và vị ngọt lịm, khi chín vỏ trái lại có màu xanh. Mọi người ăn đều tấm tắc khen ngon” – ông Út Mẫn kể.

Thế là, trong đầu ông lóe lên, phải nhân rộng giống mít lạ này để phát triển kinh tế. Và ông quay lại nhà ông bạn ở Tiền Giang. Sau 3 tháng, ông ghép được 100 gốc thì cây mẹ bắt đầu lụi tàn chết hẳn. “Khi đem 100 gốc mít về tới Cần Thơ tôi mừng còn hơn bắt được vàng. 100 gốc mít tôi trồng xen canh với vườn sầu riêng. Đến năm 2010, cây bắt đầu cho trái, năm đó thu hoạch được khoảng 2 tấn mít với giá bán từ 25.000-30.000 đồng/kg, mà cung không đủ cầu” - ông Út Mẫn phấn khởi nói.

Cuối tháng 5.2010, ông đem sản phẩm có một không hai của mình lên TP.Hồ Chí Minh dự Hội thi “Trái ngon – An toàn Nam Bộ lần II”. Tại Hội thi, sản phẩm của ông đạt được giải “lạ, hiếm”: Mít không hạt. Sau hội thi, nhiều công ty đến tận nhà ông bao tiêu sản phẩm với giá 25.000 đồng/kg.

Lợi nhuận từ mít đem lại, ông quyết định tập trung đầu tư để nhân rộng mô hình trồng mít không hạt. Năm 2011, thu hoạch 6 tấn mít, lãi trên 120 triệu đồng. Năm 2012 - 2013 ông bắt đầu thu lợi từ cây giống.

Nổi tiếng khắp vùng

Ông Út Mẫn cho biết thêm: Năm 2010, sau khi đoạt giải tại hội thi trái ngon, ông được Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát mời dùng cơm. Trong bữa cơm, bộ trưởng hỏi thăm ông nguồn gốc, xuất xứ giống mít quý hiếm; đồng thời khuyên ông nên đặt tên riêng cho giống mít lạ này. Trước lời khuyên của bộ trưởng, không đắn đo, ông Út Mẫn lấy ngay tên của địa phương mình đang ở để đặt cho giống mít lạ là “Mít không hạt Ba Láng”

Nhiều năm liền ông Út Mẫn được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp thành phố. Với vai trò là chi hội phó chi hội ND khu vực, ông luôn giúp đỡ hội viên vươn lên làm giàu.


Từ đó, ông đi học kỹ thuật ghép mắt về bán cây giống cho bà con. Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, ông chia sẻ: “Lúc quấn mắt ghép phải khéo léo và nhanh tay mới thành công. Điều quan trọng phải lựa nhánh khỏe và cân đối với gốc”.

Tiếng lành đồn xa, từ năm 2010 đến nay ông đã ghép hơn 50.000 cây giống để xuất bán đi khắp các tỉnh miền Tây, miền Trung, miền Đông và ra đến tận Hà Nội. “Giá mỗi cây giống hiện nay là 30.000 đồng, nhưng cung không đủ cầu. Ưu điểm của giống mít này là rất dễ trồng, cây ít sâu bệnh, trồng 2 năm là cho trái”- ông Út Mẫn chia sẻ.

Giống mít của ông đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KHCN cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền.

Đức Khánh (Đức Khánh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem