Buổi lễ có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường; Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền; Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Thế Kỷ; Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng T.Ư Trần Thị Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hà Hùng cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội T.Ư, Hà Nội như Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường; Y tế; Giáo dục và Đào tạo... đại diện lãnh đạo Hội ND 63 tỉnh, thành phố; nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ; các doanh nghiệp...
Những bông hoa đẹp trong vườn hoa
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường nhiệt liệt chúc mừng 63 nông dân được tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014”. Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường khẳng định: Những nông dân được vinh danh trong buổi tối ngày hôm nay chính là những bông hoa đẹp đang đóng góp công sức, trí tuệ cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới…
Trong không khí trang trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường đã trao vòng nguyệt quế và biểu trưng chứng nhận danh hiệu cho 63 nông dân xuất sắc năm 2014.
Thay mặt 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014, anh Nguyễn Hoàng Phong-nông dân trẻ tuổi nhất đến từ đất mũi Cà Mau đã phát biểu về niềm tự hào, vinh dự của những nông dân xuất sắc, đồng thời chia sẻ trách nhiệm của bản thân trong việc tiếp tục đầu tư phát triển mô hình nông nghiệp theo hướng hiện đại, tạo thêm việc làm, đóng góp nhiều hơn cho quê hương, đất nước…
Tri ân nhà nông - anh hùng
Phát biểu tại buổi lễ, với trách nhiệm là doanh nghiệp đồng hành, sát cánh cùng nông dân trên con đường phát triển và là nhà tài trợ chính của Chương trình bình chọn và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” - ông Lê Quốc Phong- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền khẳng định: “Có nông dân thì doanh nghiệp chúng tôi mới tồn tại được. Nông dân có công lớn đối với những bước phát triển của Công ty. Nông dân tạo cho mình sự bền vững thì Bình Điền cũng có trách nhiệm giúp nông dân sản xuất bền vững, giàu có. Bà con nông dân giàu mạnh thì Bình Điền mới phát triển”.
Có mặt tại buổi lễ, em Nguyễn Đức Chính, sinh viên năm thứ 3 Khoa Công nghệ sinh học (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) chia sẻ: “Từ nhỏ em đã gắn bó với nông thôn. Em muốn tạo ra các giống mới, phương pháp canh tác hiệu quả để giúp người nông dân phát triển nông nghiệp…”.
Hội trường đã dành những tràng pháo tay trước những chia sẻ, suy ngẫm của nhà văn Chu Lai về người nông dân trên “mặt trận nông nghiệp”. Theo nhà văn Chu Lai, đối với văn nghệ sĩ, trong chiến tranh thì hình tượng người lính là trung tâm, nhưng ở thời bình thì doanh nhân, nông dân là hình tượng trung tâm... “63 nông dân xuất sắc trên sân khấu hôm nay là 63 chiến sĩ, 63 anh hùng trên mặt trận phát triển kinh tế. Trên mặt trận khốc liệt đó, 63 nông dân xuất sắc chính là những anh hùng mãnh liệt, uy nghi…” - nhà văn Chu Lai xúc động nói. Nhà văn Chu Lai cho rằng, trong thời kỳ hội nhập, bên cạnh những giọt mồ hôi, nông dân cần phải có những “giọt trí tuệ” để chữa căn bệnh “chán đất” đã và đang diễn ra ở nông thôn…
Trong khuôn khổ lễ trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014”, các đại biểu tại Hội trường Bộ Quốc phòng và khán giả truyền hình trong cả nước đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc có chủ đề “Tự hào Nông dân Việt Nam”, với sự tham gia của các giọng ca nổi tiếng như Trọng Tấn, Anh Thơ, Phương Thảo... và các nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam.
Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014” do Báo Nông Thôn Ngày Nay; Công ty Hợp tác phát triển Quốc tế-IDCC; Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền; Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức thực hiện dưới sự chỉ đạo của T.Ư Hội NDVN, Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương nhân kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Hội NDVN (14.10.1930-14.10.2014).
Chị Y Bắp (dân tộc Xê Đăng) - nông dân xuất sắc tỉnh Kon Tum Chuyến đi thật bổ ích
Khi biết được bình chọn là ND xuất sắc, sẽ ra Hà Nội để dự lễ vinh danh, mình lo lắm. Vì từ nhỏ đến lớn mình chỉ quanh quẩn ở bản làng, chưa đi đâu xa bao giờ nên mình nhất quyết không đi. Đích thân Chủ tịch Hội ND huyện Tu Mơ Rông xuống thuyết phục, rồi chị Ngô Thị Cúc – Trưởng ban Kinh tế Hội ND tỉnh về tận nhà mình (làng Đăk Viên, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) dẫn mình ra Hà Nội. Lúc này, mình mới an tâm. Ra đến Hà Nội, mình ngồi trên xe nhìn thấy phố phường Hà Nội thật đẹp, nhất là về đêm. Chuyến đi này thật bổ ích và ý nghĩa với mình. Được gặp nhiều ND xuất sắc, mình học hỏi được nhiều kinh nghiệm làm ăn của họ. Về nhà, mình sẽ tiếp tục chăm sóc đàn bò 30 con, 10ha bời lời và 0,1ha sâm ngọc linh.
Ông Điểu Yơm – nông dân xuất sắc tỉnh Đắk Nông: Ba tuần vợ con lo trang phục
Đắk Wer quê tôi là xã miền núi nghèo, nên ND chúng tôi vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả lắm. Tôi có đề xuất nho nhỏ thế này: Đảng, Nhà nước, Hội ND các cấp tiếp tục quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân thiết thực hơn nữa như tiếp tục chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế, đẩy mạnh việc liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp để giải quyết khó khăn đầu ra cho sản phẩm, không còn cảnh nông dân “được mùa mất giá”.
Bộ trang phục dân tộc tôi mặc ra Hà Nội này là vợ và con gái tôi dệt vải rồi may đấy. Mất 2 tuần để dệt vải và 1 tuần khâu tay mới hoàn thành bộ trang phục này.
Ông Kim Đình Úp – nông dân xuất sắc tỉnh Vĩnh Phúc: Tạo điều kiện cho nông dân làm ăn lớn
Gần 20 năm kiên trì bám trụ với trang trại, tôi mới có được thành công như hôm nay. Qua Báo NTNN, tôi xin đề xuất các mô hình trang trại của ND được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT, các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước nên tạo 3 điều kiện sau:
Cho thuê thời hạn sử dụng đất lâu dài, ổn định để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất; tăng cường vốn vay hỗ trợ ưu đãi, Quỹ Hỗ trợ nông dân nên cho vay tầm 50 triệu đồng/hộ; tiếp tục mở các lớp tập huấn, dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến cho chúng tôi.
Anh Trần Bá Khánh – nông dân xuất sắc tỉnh Sơn La: Sẽ Nam tiến
“tầm sư học đạo”
Hơn 2 ngày gặp gỡ, trò chuyện với các nông dân xuất sắc, tôi “vỡ” ra nhiều điều. Sau chuyến đi này, ngoài phát triển cây na dai trên đất Mai Sơn, tôi sẽ nghiên cứu thêm 2 giống cây mới là cam Canh và bưởi da xanh. Tôi cũng đã quyết định sẽ “Nam tiến” để “tầm sư” học kinh nghiệm của các anh chị nông dân xuất sắc.
Chị Quan Thị Giang – nông dân xuất sắc tỉnh Bắc Kạn: Học được nhiều bí quyết làm ăn
Hơn 3 ngày ở Thủ đô, tôi đã làm quen được với rất nhiều anh chị nông dân xuất sắc. Tôi đã hỏi rất kỹ kinh nghiệm trồng quýt hồng và cam xoàn. Đợt này về, cùng với chăm sóc, phát triển đàn ngựa bạch và 1,6ha đất trồng cây ăn quả lâu năm vốn có, tôi sẽ thử nghiệm trồng thêm giống quýt hồng và cam xoàn.
Thu Hà (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.