Giữ cho di sản “sống” mãi

Chủ nhật, ngày 05/06/2011 16:29 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dự án "Công bố và phổ biến tài sản văn hoá văn nghệ dân gian các dân tộc VN" do Hội Văn nghệ dân gian VN thực hiện đã cho ra đời nhiều công trình có giá trị.
Bình luận 0
img
GS Tô Ngọc Thanh

NTNN đã có cuộc gặp GS - TSKH Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội.

GS Tô Ngọc Thanh nói: Từ sau khi được Chính phủ phê duyệt đến nay, chúng tôi đã khai thác từ kho lưu trữ bản thảo hội viên của Hội. Đến nay đã xuất bản được 350 công trình sưu tầm, nghiên cứu. Theo kế hoạch, giai đoạn 1: 2008-2012 sẽ hoàn thành 1.000 công trình. Như vậy từ nay đến hết 2012, chúng tôi sẽ phải "tăng tốc". Giai đoạn 2 của dự án 2013-2018 cũng dự định sẽ in 1.000 công trình.

Thưa GS, bản thảo từ đâu mà nhiều đến vậy?

- Kho lưu trữ trong nhiều năm đã có tới 4.500 bản thảo. Nhiều bản thảo hơn 100 trang A4 trở lên. Bộ bản thảo như của cụ Bùi Thiện người Mường lên đến 5.000 trang, gần như có thể tìm được tất cả về dân tộc Mường. Tiếc là cụ đã ra đi, không kịp nhìn thấy sách của mình. Hay bản thảo của PGS Ninh Viết Giao, người có số sách chồng lên đã cao quá đầu… Chúng tôi có những hội viên, những bản thảo quý giá như thế và đã mong chờ in ấn, công bố đã nhiều năm.

Vì sách tài trợ, không bán nên những ai là người được nhận?

- Danh sách này đã được Bộ Tài chính duyệt, gồm Ban Tuyên giáo T.Ư và các tỉnh thành, các thư viện từ T.Ư đến huyện, các trường ĐH - trong đó không chỉ riêng hệ thống trường về KHXHNV, các viện nghiên cứu, tất cả các trường dân tộc nội trú, các Hội VHNT địa phương - đây là cơ sở dữ liệu tốt để anh em tham khảo, sáng tác...

Vậy dự án đã phát huy hiệu quả như thế nào?

- Tác giả được in sách, có nhuận bút theo chế độ. Cái đó đương nhiên rồi! Theo phản hồi, nhiều địa chỉ nhận sách rất quý, nhất là các trường, các viện… Nhưng tôi muốn nói tới 3 cái lợi lớn nữa của Hội.

Thứ nhất là qua việc in sách, có thể tổng kiểm kê di sản các dân tộc: Còn, mất, phát hiện thêm những gì để có hướng đề xuất sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn.

GS Tô Ngọc Thanh: Có thể nói, bộ sách là bách khoa thư di sản văn hoá dân gian của 54 dân tộc với tác giả của các tác phẩm được sưu tầm, nghiên cứu chủ yếu là nông dân mà trước Cách mạng Tháng 8, nông dân chiếm tới 90% dân số.

Thứ hai: Tôn vinh được các nghệ nhân, đến nay Hội đã phong tặng danh hiệu cho hơn 300 cụ và đang tiếp tục.

Thứ ba là góp phần khôi phục một số di sản văn hoá và giữ chúng ở dạng "sống" như hát Dô, chèo Tàu… ở Hà Nội. Những cái đó ngược lại, làm đầy thêm dự án và chúng tôi luôn có bản thảo "tươi".

Xin GS giải thích rõ thêm về sự "tươi" này?

- Tức là trên cơ sở hàng mấy ngàn bản thảo, với các công tác của Hội như trên, với sự góp sức của hơn 1.200 hội viên rải khắp 84 chi hội cả nước, chúng tôi luôn có được sự bổ sung, hoàn chỉnh văn bản. Trong đó có các anh em cán bộ sưu tầm là người dân tộc thiểu số, công tác ở tỉnh, ở cơ sở, các anh em có trình độ, tay nghề cao hơn cũng ở tỉnh thành, và các GS, TS, nhà nghiên cứu chuyên môn ở các viện. Hàng năm chúng tôi tổ chức khoảng 10 lớp tập huấn nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho anh em. Thế nên bản thảo luôn dồi dào.

Xin cảm ơn GS!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem