Giữ hàng nghìn tỷ của PVN, Oceanbank sẽ được bán cho nhà đầu tư ngoại?

Lê Thúy Thứ hai, ngày 20/05/2019 16:28 PM (GMT+7)
Hiện tại có hàng nghìn tỷ đồng tiền gửi của Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tại Oceanbank bị chậm luân chuyển do Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện kiểm soát trực tiếp. Oceanbank là ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng và sẽ bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài khi hoàn thiện phương án chuyển nhượng và cơ cấu lại.
Bình luận 0

Trong báo cáo gửi Quốc hội về thực hiện nghị quyết sau chất vấn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, cơ quan này đang tích cực triển khai các bước cơ cấu, xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc 0 đồng trước đây (Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Xây Dựng, Dầu khí Toàn cầu) và Ngân hàng Đông Á (DAB).

Phương án cơ cấu ngân hàng trên được thực hiện trên cơ sở kiểm toán độc lập đánh giá thực trạng tài chính, xác định giá trị thực của vốn điều lệ và quỹ dự trữ.

Đề cập trong báo cáo của NHNN, cơ quan này cho biết, phương án cơ cấu lại các Ngân hàng Xây dựng, Dầu khí Toàn Cầu, DAB đang được khẩn trương hoàn thiện để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.

img

Riêng với trường hợp của Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), trên cơ sở phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, NHNN đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phương án chuyển nhượng và cơ cấu lại OceanBank sau bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên danh tính ngân hàng ngoại mua lại OceanBank lại không được cơ quan quản lý tiền tệ tiết lộ.

Việc nhà đầu tư ngoại muốn mua lại OceanBank đã từng được đề cập hồi giữa năm 2017, hơn một năm sau khi ngân hàng này bị buộc mua lại giá 0 đồng để xử lý các tồn tại, yếu kém được đây. Ở thời điểm đó một đại diện của Ngân hàng Nhà nước cho biết có ngân hàng nước ngoài khu vực châu Á bày tỏ ý định "khá nghiêm túc khi muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu OceanBank" và các bên đang tiến hành các bước tiếp theo.

Vào đầu tháng 1.2018, ông Đỗ Thanh Sơn, Chủ tịch HĐTV OceanBank cho biết việc đàm phán với đối tác nước ngoài đã hoàn thành giai đoạn 1, sẵn sàng các bước chuẩn bị cho giai đoạn quan trọng tiếp theo của dự án.

Trong khi đó, tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ sẽ bán và chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém đã mua lại hoặc đang đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt như OceanBank, CBBank, GP Bank…

Đồng thời, Chính phủ rất hạn chế hoặc không cấp phép ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam nhưng sẽ mở cửa cho nước ngoài mua ngân hàng Việt Nam. Chính phủ đang lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất, với chính sách đặc thù trong Nghị quyết xử lý nợ xấu của Quốc hội sẽ là công cụ tốt cho Việt Nam thực hiện việc này.

Liên quan đến Oceanbank, trong báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 gửi tới Quốc hội của Kiểm toán Nhà nước, cơ quan này cho biết đã kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2017 của 253 doanh nghiệp thuộc 31 tập đoàn, tổng công ty và công ty; 1 chuyên đề và 8 dự án độc lập trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.

img

Đáng lưu ý, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, một số doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí (PVN) gửi tiền tại OceanBank bị chậm luân chuyển do Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện kiểm soát trực tiếp. Trong đó, số tiền gửi của công ty mẹ 5.026 tỷ đồng, 86.016.801 USD và 2.171 EUR; PTSC 229 tỷ đồng; PV Power là 21 tỷ đồng và 102 USD; Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau 333 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn 2.743 tỷ đồng; PVOIL 262 tỷ đồng, PV Trans 181 tỷ đồng; PVFCCo 284 tỷ đồng.

Đặc biệt, giai đoạn năm 2010-2015, Ban Quản lý Dự án công trình Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã gửi tiền tại 02 ngân hàng nhưng tiền lãi nhận được để ngoài hệ thống sổ sách kế toán, có dấu hiệu vi phạm pháp luật 22,1 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ.

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra một số doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính; sử dụng vốn vay không đúng mục đích, hệ số bảo toàn vốn thấp, chưa được góp đủ vốn điều lệ hoặc có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ được phê duyệt nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Ví dụ về sử dụng vốn không đúng mục đích như Sagri có 4 hợp đồng vay 11 triệu Euro và 150 tỷ đồng mục đích vay là bổ sung vốn lưu động nhưng Sagri chuyển tiền vào tài khoản tiền gửi có kỳ hạn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem