“Giữ hồn” cho đình Chu Quyến

Thứ tư, ngày 10/11/2010 15:39 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khoảng 400 năm tuổi, đình Chu Quyến (xã Chu Minh, Ba Vì, Hà Nội) từng xuống cấp nặng, vừa được tu bổ thành công.
Bình luận 0
img
Đình Chu Quyến sau trùng tu.

Không bị “biến tấu”

Trước khi trùng tu (từ tháng 4-2007), khảo sát của Viện Bảo tồn di tích cho thấy tất cả 48 cột của ngôi đình đều tiêu tâm và hư hỏng ở nhiều mức độ, có cột cái đã mục ruỗng gần hết, mái đình lợp đến 51 loại ngói khác nhau và gỗ bị 17 loài nấm gây hại…

Suốt mấy năm qua, quanh đình được che kín, không nhiệm vụ miễn vào, nay thấy "ngôi nhà chung của làng" được dựng trở lại, vẫn bề thế như trước, thêm phần vững chãi, sáng sủa, người dân Chu Minh rất mừng.

Ngày khánh thành công trình tu bổ (7-11) vừa qua, rất đông người ra sân đình tham dự. Ông Nguyễn Quang Nghĩa, 76 tuổi, thành viên đội nhạc lễ của địa phương tấm tắc: Đình được làm lại rất chắc chắn! Cột kèo, các bức chạm không suy chuyển gì. Sàn trước kia bị lỗ, mục, võng cả xuống, giờ thay gỗ tốt cả, mà lan can vẫn nguyên vẹn!

Ông Nguyễn Danh Mi - Hội Người cao tuổi của thôn nói: Trước kia đình xuống cấp, ọp ẹp lắm, cái kẻ đằng sau sắp rơi đến nơi, phải chống tạm, chúng tôi mong được sửa mãi. Nay làm xong, không có gì “biến tấu”, người dân rất vui! Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền - người đã từng phê phán không thương tiếc nhiều dự án trùng tu làm hỏng, làm mới di tích, cũng cho rằng: Thực tế, đã trùng tu thì không thể hoàn toàn như cũ, được 70% là quý lắm! Nhưng với đình Chu Quyến thì được hơn thế. Đó là điều đáng ghi nhận.

Trong thực tế công tác tu bổ di tích còn lộn xộn và thiếu sót rất nhiều như hiện nay, việc trùng tu thành công đình Chu Quyến đã được ghi nhận. Vừa qua, Hiệp hội Kiến trúc sư quốc tế (UIA) đã trao giải thưởng lớn 2010 khu vực châu Á và châu Đại Dương cho dự án thực nghiệm tu bổ, tôn tạo ngôi đình.

Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trùng tu

Đình Chu Quyến (còn gọi là đình Chàng), có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XVII. Đình Chu Quyến không chỉ là một di sản với đặc điểm kiến trúc độc đáo, mà còn là nơi tập trung cả nghệ thuật điêu khắc đặc sắc, tinh tế. Với tổng kinh phí hơn 17 tỷ đồng, các hạng mục đã được tu bổ bao gồm tòa Đại đình, cải tạo nhà khách, xây dựng nghi môn và hệ thống hạ tầng kỹ thuật...

Coi việc tu bổ đình như một thí điểm cho việc xây dựng quy trình, nguyên tắc chuẩn nhằm áp dụng rộng rãi cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích gỗ, có lẽ chủ đầu tư là Cục Di sản văn hoá cũng nâng cao ý thức hơn trong việc quản lý, giám sát suốt quá trình thi công. Quy trình mà viện đã thực hiện cho thấy, người ta đã sử dụng các kỹ thuật, công nghệ truyền thống để phục chế vật liệu thay thế và chế tác các thành phần kiến trúc cần thiết.

Ngoài ra, các kết quả nghiên cứu khoa học chuyên ngành cũng được ứng dụng để gia cố, tu bổ cấu kiện. Như việc dùng công nghệ vi sinh diệt và phòng chống mối, loại ngói bổ sung tương đồng với ngói cũ được sản xuất đúng chất đất và nung bằng rơm, có cột cái ruỗng 90% từng được đổ bê tông trong lõi, khi trùng tu được gia cố lại bằng lõi gỗ, đảm bảo vững chắc và giữ được phần vỏ bên ngoài đã có khoảng 400 năm…

Ông Trần Lâm Biền "bật mí": Trong tu bổ cũng đã có quá trình "đấu tranh" cẩn thận để làm sao cho đúng, như loại ngói khác đưa đến bị bỏ ngay, gỗ không tốt cũng bị loại…

Như vậy, việc trùng tu đình Chu Quyến đặt ra một bài học chung cho các dự án tu bổ di tích, đó là nhất thiết phải có lực lượng chuyên ngành đảm nhiệm và thực hiện theo những quy trình, kỹ thuật chuyên ngành một cách nghiêm ngặt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem