|
Di tích thành cổ Cổ Loa. |
Kinh đô người Việt cổ
Cách trung tâm Hà Nội 17km, thuộc huyện Đông Anh, khu di tích Cổ Loa có diện tích bảo tồn gần 500ha, được coi là địa chỉ văn hóa đặc biệt của Thủ đô và cả nước. Nơi đây từng là kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời kỳ An Dương Vương (thế kỷ III TCN) và của nước Đại Việt thời Ngô Quyền (thế kỷ X). ?
Do những đặc điểm kiến trúc đặc biệt và độc đáo, công trình được gọi là Cổ Loa. Tương truyền thành gồm 9 vòng xoáy trôn ốc, nhưng căn cứ trên dấu tích hiện còn, các nhà khoa học nhận thấy thành có 3 vòng, trong đó vòng thành nội rất có thể được làm về sau, thời Ngô Quyền.
Cụ Chu Văn Trinh là người đã có 40 năm làm công tác bảo tồn ở đây, kể: Trước Cách mạng Tháng Tám, Cổ Loa thành được bảo vệ khá nghiêm ngặt. Cả vùng có 12 xóm, mỗi xóm được phân công phụ trách một khu vực của Loa thành. Lý trưởng của xóm Nhồi khi ấy phân công rõ ràng, 30 suất đinh được cử ra để chuyên đi tuần bảo vệ thành. Nếu bắt được những trường hợp phá thành, ăn trộm đất sét thì phạt rất nặng.
Chu vi ngoài của thành là 8km, vòng giữa 6,5km, vòng trong 1,6km, diện tích trung tâm lên tới 2km2². Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu lũy xây đến đó.
Khu di tích Loa thành có cảnh quan thiên nhiên khoáng đạt của làng quê Việt với hào nước, sông ngòi, gò đống. Khu vực thành nội có nhiều di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật như khu đền Thượng thờ An Dương Vương, đình Ngự Triều, am thờ Mỵ Châu và chùa Bảo Sơn. Loa thành là di sản văn hóa, là bằng chứng về sự sáng tạo và trình độ của người Việt lúc bấy giờ.
Đối với người dân nơi đây, ngày nay Cổ Loa vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và sinh hoạt văn hóa.
Làm gì để giãn dân và hút khách?
Tuy nhiên, ngoài dịp lễ hội, những ngày khác khu di tích này thường vắng lặng một cách đáng buồn. Chị Chu Minh Nương - cán bộ thuyết minh của Trung tâm Bảo tồn Khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội cho biết, đến Cổ Loa chủ yếu là khách trong nước.
Các tour du lịch cũng thường chỉ ghé qua trong thời gian rất ngắn nên các dịch vụ ăn uống tại đây chưa phong phú, dịch vụ nghỉ qua đêm chưa có. Theo chị Nương, khách đến tham quan Cổ Loa cần phải có thời gian lắng nghe thuyết minh, quan sát và đi thực địa kết hợp với sự hình dung thì mới có thể thưởng ngoạn được hết toàn bộ Di tích thành Cổ Loa cũng như ý nghĩa lịch sử của thành cổ. Nhưng do thời gian ghé thăm ít ỏi nên điều này khó đạt được.
Theo lời của nhiều bậc cao niên ở địa phương thì so với ngày xưa, thành đã xuống cấp nhiều do thời gian và do bom đạn chiến tranh. Toàn bộ hệ thống thành cũ (vòng nội thành) đã mai một gần hết, vòng 2 còn đủ nhưng vòng 3 đã mất 1,5km. Các di tích còn lại như đền, đình Cổ Loa đã được bảo tồn, trùng tu và phục chế.
Tuy nhiên, sau nhiều năm, vẫn chưa có một chính sách duy trì và bảo tồn xứng đáng. Hiện khu di tích đã được UBND TP.Hà Nội đầu tư phục vụ công tác bảo tồn. Tuy nhiên yêu cầu cấp bách là di dời hàng trăm hộ dân đang ở xâm lấn, xen kẽ trong thành vẫn chưa được giải quyết. Hiện tại, thành nội đang "bao bọc" trọn vẹn dân xóm Chùa và xóm Chợ, còn ở thành ngoại thì cũng san sát nhà cửa...
Nên chăng đặt Cổ Loa trong tuyến du lịch lịch sử hướng về tâm điểm đô thị cổ nối với trung tâm Ba Đình trên trục xuyên không gian mặt nước của sông Hồng- Hồ Tây? Và như thế, về lâu dài cần có một dự án tương xứng, còn trước mắt, phải nhanh chóng di dời các hộ dân để "cứu" thành cổ!
Thiên Việt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.