Giữ nghề truyền thống, giúp người dân xứ Mường làm giàu

Thuần Việt Thứ năm, ngày 28/09/2023 20:36 PM (GMT+7)
Du khách đến với đất Mường (Hòa Bình) đều vô cùng ấn tượng trước sản phẩm thổ cẩm do bà con người Thái, người Mường làm ra. Qua đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ đất Mường đã tạo nên sản phẩm độc đáo. Ở mỗi làng nghề đã có cách làm sáng tạo để duy trì và phát triển nghề truyền thống.
Bình luận 0

Đầu những năm 2000, hàng loạt làng nghề truyền thống ở đất Mường đứng trước nguy cơ mai một do những sản phẩm họ làm ra không còn phù hợp với nhu cầu của thị trường. Nghề dệt thổ cẩm cũng theo đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ở bản cao, bản thấp, đâu cũng thấy cảnh khung cửi bị bỏ bê. Phụ nữ cũng rời bản đi nơi khác kiếm việc làm. Trong cơn bĩ cực của làng nghề vẫn còn có những con người tràn đầy tâm huyết khôi phục lại nghề dệt truyền thống của cha ông. Trong những năm vừa qua, chính quyền tỉnh Hòa Bình cũng có nhiều chính sách thiết thực nhằm giúp bà con duy trì và khôi phục làng nghề truyền thống.

Giữ nghề

Giữ nghề truyền thống, giúp người dân xứ Mường làm giàu - Ảnh 1.

Nghề làm giấy dó gắn với phát triển du lịch của bà con người Mông ở xã Hang Kia, huyện Mai Châu. Ảnh: T.V

"Những sản phẩm song mây của chúng tôi được khách hàng đánh giá cao. Thu nhập từ nghề chưa phải là khá giả, nhưng chúng tôi đã giữ được nghề là thành công lớn. Tôi tin, trong những năm tới, nhu cầu sử dụng sản phẩm từ tự nhiên sẽ tăng cao hơn, bà con xóm Bùi sẽ có thu nhập tốt hơn".

Chị Quách Thị Dung - Giám đốc HTX Mây tre đan xóm Bùi (xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn)

Chị Dương Thị Bin - Giám đốc HTX Lục Nghiệp Thành (xóm Lục, xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn) đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm từ thuở nhỏ. Người phụ nữ đất Mường cũng dành tâm huyết cả đời cho nghề dệt. Chị Bin kể, ngày trước, các bé gái người Mường lên 8, lên 10 tuổi đã được các mế Mường dạy thêu, dạy sử dụng khung cửi. Do vậy phụ nữ ở xóm Lục ai cũng thạo nghề. Những sản phẩm như gối, áo, mũ… qua đôi bàn tay khéo léo của chị em mà chúng trở lên có hồn. Hơn nữa, các sản phẩm dệt của phụ nữ Mường đều sử dụng nguyên liệu từ thiên nhiên, nên khách hàng rất thích, đặc biệt là khách nước ngoài.

Nghề dệt ở xóm Lục trải qua bao thăng trầm. Có những giai đoạn hầu như không còn ai theo nghề dệt. Trước sự mai một của làng nghề, chị Bin vẫn nỗ lực tìm cách xoay xở để duy trì làng nghề. Chị đi khắp nơi tìm đối tác để bán hàng thổ cẩm. "Nghề không mang lại cơm ăn, áo mặc cho chị em, nên họ đành bỏ khung cửi. Nhìn cơ nghiệp của cha ông để lại đang lụi tàn, tôi xót lắm. Tôi đã phải đi khắp nơi tiếp thị sản phẩm, tìm đối tác với hy vọng khôi phục được làng nghề" - chị Bin chia sẻ.

Ngoài việc tìm nơi tiêu thụ, bản thân chị Bin cũng thay đổi cách sản xuất. Thay vì sản xuất những sản phẩm truyền thống, chị đã cải tiến mẫu mã, chuyển sang sản xuất các mặt hàng mới như túi xách, ga trải giường, thảm lót ghế ngồi… Sự thay đổi này của chị Bin đã mang lại hiệu quả. Sau mỗi năm, đơn đặt hàng đến với HTX ngày một nhiều hơn. Phụ nữ trong xóm dần trở lại với nghề truyền thống với một tư thế khác. Thu nhập từ nghề dệt chưa được cao, nhưng sau mỗi năm đã dần được cải thiện. Chị em có việc làm và có thể sống ổn nhờ nghề truyền thống của cha ông. Hiện HTX tạo việc làm thường xuyên cho cả trăm lao động với mức thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng.

Giữ nghề truyền thống, giúp người dân xứ Mường làm giàu - Ảnh 3.

Giữ nghề truyền thống, giúp người dân xứ Mường làm giàu - Ảnh 4.

Chị Quách Thị Dung - Giám đốc HTX Mây tre đan xóm Bùi (xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn) cũng là một điển hình trong việc dành tâm huyết để phát triển nghề truyền thống. Nghề đan lát đã gắn bó với bao thế hệ người Mường. Ngày trước hầu hết các đồ đạc trong nhà như "ổ" đựng quần áo, đến các dụng cụ như rổ, rá… đều được làm từ song mây. Mỗi sản phẩm hoàn thành là bao tâm huyết của người thợ gửi vào đó. Nắm được lợi thế sản phẩm quê mình, chị Dung cũng không ngần ngại đi khắp nơi tìm kiếm bạn hàng. Sau bao nỗ lực gây dựng, chị đã vực dậy cả một làng nghề. Đến nay, HTX đã sản xuất ra cả trăm mặt hàng khác nhau và tạo việc làm thường xuyên cho 200 lao động.

Phát triển làng nghề gắn với du lịch

Giữ nghề truyền thống, giúp người dân xứ Mường làm giàu - Ảnh 5.

Sản phẩm thổ cẩm của HTX dệt thổ cẩm Chiềng Châu, huyện Mai Châu. Ảnh: T.V

Khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống luôn được các cấp chính quyền của tỉnh Hòa Bình quan tâm. Trong những năm vừa qua, ngoài việc kết nối, giúp các làng nghề tiêu thụ sản phẩm, tỉnh Hòa Bình cũng có những chính sách cụ thể để hỗ trợ các làng nghề phát triển.

Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền, những người làm nghề cũng luôn nỗ lực tìm hướng đi mới cho làng nghề phát triển. Chị Vì Thị Oanh - Giám đốc HTX dệt thổ cẩm du lịch Chiềng Châu (huyện Mai Châu) đã có cách làm sáng tạo vừa phát triển nghề gắn với du lịch. HTX được thành lập từ năm 2013, với số vốn 500 triệu đồng. Sau 10 năm, HTX đã phát triển vượt bậc, với trăm khung dệt và sản xuất cả vạn sản phẩm mỗi năm. "Mai Châu là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Chúng tôi đã có sự thay đổi từ khâu thiết kế sản phẩm đến việc sản xuất cho phù hợp với nhu cầu thị hiếu của du khách. Phát triển nghề, gắn với du lịch đã mang lại sự thành công cho HTX. Khách đến mua sản phẩm lại được trải nghiệm làm nghề. Đây là hướng đi phát triển bền vững cho làng nghề" - chị Oanh cho biết.

Cũng giống như chị Oanh, người làm nghề giấy dó của bà con người Mông ở xã Pà Cò và xã Hang Kia (huyện Mai Châu) đã duy trì và phát triển được nghề. Theo anh Phàng A Páo - thành viên của Hội Nghề nghiệp xã Pà Cò, du khách đến với Pà Cò lại được trải nghiệm quy trình làm giấy dó, họ rất thích, đặc biệt là khách nước ngoài. Hầu như đoàn khách nào đến Pà Cò được tham gia làm giấy dó, họ có được trải nghiệm vô cùng thú vị.

Theo ông Trần Đức Thắng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình, để khắc phục những khó khăn trong phát triển làng nghề, ngành NNPTNT tỉnh sẽ đẩy mạnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển ngành nghề, làng nghề truyền thống ở nông thôn. Nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, xã hội và lao động nông thôn về vai trò của việc phát triển các cơ sở nghề. Thực hiện phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trong thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP): triển khai xây dựng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn, xếp hạng cao, có thế mạnh để có thể phát triển không chỉ trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu như dệt thổ cẩm, mây tre đan. Cùng với đó, thực hiện chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Tập trung đào tạo nghề, truyền nghề và bảo tồn cho các làng nghề.

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình) hiện toàn tỉnh có 11 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Trong đó có 2 làng nghề thuộc nhóm ngành nghề sản xuất chế biến (2 làng nghề nấu rượu); 7 làng nghề thuộc nhóm ngành nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt may (1 làng nghề mây tre đan và 6 làng nghề dệt thổ cẩm); 2 làng nghề nhóm ngành nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (1 làng nghề chế tác đá cảnh, 1 làng nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh). Sự phát triển của làng nghề gắn với phát triển của một số điểm du lịch như: Bản Lác - Mai Châu, động Tiên - Lạc Thủy, hồ Hòa Bình… Phát triển làng nghề gắn với du lịch tạo điều kiện thuận lợi để làng nghề tiếp cận với khách hàng quảng bá sản phẩm. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem