Giữa thế kỷ XX, đất nước chúng ta từng có trên 43% đất đai được rừng che phủ, miền đất hứa của muông thú và cây cỏ. Nhưng sang thế kỷ XXI, chỉ cần nhìn bằng mắt thường, từ trên máy bay, chúng ta cũng thấy được núi sông không còn như trước đây nữa.
Đơn cử, ngay cửa ngõ vườn quốc gia Cát Tiên, 328ha đất rừng Cát Lộc, sau 5 năm giao đất cho dân nay chỉ còn khoảng 10-20ha có thể gọi là rừng, phần còn lại chỉ là đất vườn hay rẫy trồng cây công nghiệp! Mà Cát Tiên là vú sữa nuôi dưỡng sông Đồng Nai, sông Sài Gòn!
Qua cửa sổ máy bay tuyến Hà Nội - Điện Biên, núi rừng Tây Bắc là những dãy đồi đỏ hỏn. Từ 13 triệu ha rừng nguyên sinh, liệu hôm nay còn được 1/5? Mỗi năm, người ta vẫn thống kê có hàng triệu ha rừng được trồng mới. Nhưng "cây lâm nghiệp" vẫn được so sánh hài hước với "cá dưới ao".
Vì sao vậy? Một đội ngũ kiểm lâm rất chính quy nhưng hàng chục năm nay vẫn luôn được coi là quá "mỏng", khoảng một người canh giữ 1.000ha. Thiết bị trinh sát, báo động và vũ khí để tự vệ hay bảo vệ rừng thì yếu và lạc hậu hơn cả lâm tặc.
Những chiến sĩ kiểm lâm thừa dũng cảm nhưng hơn một lần phải tháo chạy hay trốn lên núi trước lũ cướp rừng ngày càng hung bạo. Lệnh đóng rừng ban ra nhiều năm nay nhưng mỗi ngày xem TV, chúng ta vẫn thấy những hội trường, những phòng tiếp khách lộng lẫy gỗ với những dãy ghế có ngai.
Chưa ai nghĩ tới, kể cả Quốc hội ban luật hạn chế hoặc quy định nghiêm ngặt tiêu chuẩn sử dụng gỗ quý. Mà gỗ quý chính là rừng!
Hàng trăm nhà máy thủy điện nhỏ ra đời có nghĩa là hàng trăm ngàn ha rừng bị chìm ngập. Đập thủy lợi điều tiết lũ và hạn hán, nhưng đập thủy điện chỉ làm ra điện và lợi nhuận của giới đầu tư, của những nhóm lợi ích bí ẩn.
Lũ ư? Hạn ư? Hãy đợi đấy! Nạn tham nhũng núp dưới cái ô đất đai là sở hữu toàn dân, biến không ít rừng đầu nguồn thành trang trại, đồn điền kiểu mới. Rồi di cư tự do, áp lực của cơm áo với nông dân nghèo. Dân vào Tây Nguyên và Đồng Nai, lên Tây Bắc cần lương thực để sống.
Thay vì thâm canh trên miếng đất dành cho mình, người ta quảng canh và đương nhiên phải xâm phạm rừng xanh. Chống lại lòng tham của một số cán bộ cũng như những cái bụng đói của dân nghèo là vô cùng khó khăn.
Nói bảo vệ rừng rất nhiều, nhưng làm để bảo vệ rừng chưa được tương xứng. Rừng vẫn mất mà ngày càng mất nhanh hơn. Vậy mà rừng chính là Đất nước, là Quốc gia, là sự tồn vong của giang sơn. "Sơn hà thiên cổ vững âu vàng", cái âu vàng của Đại Việt xưa, của Việt Nam ngày nay cũng chính là rừng.
Nguyễn Quang Thân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.