Giữ “sổ đỏ” cho vùng đất máu thịt

Chủ nhật, ngày 22/01/2012 07:04 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ông Đặng Lên, 71 tuổi, quê thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) là người từng giữ “sổ đỏ” cho Hoàng Sa. Ông đã trao “sổ đỏ” này cho Bộ Ngoại giao Việt Nam cách đây 2 năm.
Bình luận 0

Sử cổ triều Nguyễn đã dành rất nhiều trang để đề cập đến việc nhiều vị vua Việt đã sai phái người ra Hoàng Sa hằng năm nhưng mãi cho đến khi phát hiện ra “tờ lệnh” tại Lý Sơn thì những điều ghi trong chính sử mới được xác tín hoàn toàn.

img
Ông Đặng Lên trao “tờ lệnh” cho nhà nước.

Chẳng hạn như nhân vật Võ Văn Hùng được đề cập rất nhiều trong sử triều Nguyễn khi nhắc đến việc điều binh ra Hoàng Sa nhưng không biết quê quán của ông ở đâu. Mãi đến khi đọc danh sách binh phu ra Hoàng Sa được ghi trong “tờ lệnh” thì các nhà nghiên cứu lịch sử mới vỡ lẽ ra rằng Võ Văn Hùng, người vẫn thường xuyên giong buồm đưa lính ra Hoàng Sa vào mỗi dịp tháng 2, tháng 3 âm lịch hằng năm chính là người ở đảo Lý Sơn.

Điều động binh phu ra Hoàng Sa được diễn ra hàng trăm năm với hàng trăm “tờ lệnh”, nhưng những binh lửa can qua, những thiên tai lũ bão liên tục giáng xuống vùng đất khắc nghiệt này khiến cho những “bằng chứng” ấy thất lạc gần hết. May mắn thay, dòng họ Đặng ở Lý Sơn vẫn giữ nguyên vẹn báu vật này.

Trên hương lộ từ huyện lý Lý Sơn đi về hướng Chùa Hang- một di tích khá độc đáo được xếp hạng quốc gia, khi gần tiếp giáp với biển, rẽ trái theo con đường đất một quãng chừng 50m là sẽ gặp ngôi nhà thờ của dòng họ Đặng- nơi cất giữ “tờ lệnh” suốt 175 năm.

Kể từ khi người anh trai Đặng Tôn, trưởng nam dòng họ Đặng qua đời năm 2003, toàn bộ thư tịch, chiếu chỉ có từ thời xa xưa được giao cho ông Đặng Lên coi giữ. Ông Lên đặc biệt chú ý đến chiếc rương màu bánh mật vì theo ông, phải 20 năm mới được mở khóa chiếc rương ấy một lần nhân giỗ họ. Người mở khóa phải là con trai trưởng của tộc họ nên lúc ông Đặng Tôn còn sống, người em Đặng Lên không có cơ hội để thực hiện việc thiêng liêng này.

Theo quy ước của họ Đặng, 20 năm mới được mở rương một lần, đó là vào các năm mà ông Lên biết: 1939, 1959, 1979, 1999. Lẽ ra phải đến năm 2019 thì mới đến lượt nhưng mới đúng 10 năm (2009), ông Lên nghe rộ lên chuyện chủ quyền Hoàng Sa, dù không biết chữ Hán nhưng linh cảm mách bảo cho ông hiểu rằng, tài liệu trong chiếc rương màu bánh mật kia có thể có “họ hàng” với Hoàng Sa. Ông bàn với con cháu trong tộc họ, quyết định mở rương, mang vô Quảng Ngãi photo một bản, gửi Sở Văn hóa -Thể thao- Du lịch để họ xem thử. Đúng như linh cảm ông Lên, tài liệu mà dòng họ ông giữ gìn ấy chính là “tờ lệnh” điều binh ra Hoàng Sa.

Hỏi vì sao mà suốt 175 năm, “tờ lệnh” không bị mối mọt? Ông Lên phân tích: Ngoài việc gia tộc giữ gìn cẩn thận còn có việc chiếc rương đựng tài liệu ấy được làm bằng loại gỗ của cây tra bể, một loại cây quý, thường mọc ở đảo nhưng rất ít. Gỗ cây tra bể gần như “khắc tinh” với các loại mối mọt.

Hôm giao “tờ lệnh” cho Bộ Ngoại giao, họ Đặng làm một bữa giỗ để “xin” ông bà hiến cho Nhà nước. Công an đã điều động một tiểu đội cảnh sát cơ động ra đảo để “rước” báu vật ấy vào đất liền. Không chỉ họ Đặng mà cả dân Lý Sơn hôm ấy rưng rưng nhìn theo báu vật cho đến khi con tàu đã khuất tầm nhìn. Với dân Lý Sơn, đây không chỉ đơn thuần là “tờ lệnh” mà còn là xương máu mấy trăm năm giữ đất của cha ông họ nữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem