Giúp trò nghèo Yên Bái tự tin tới giảng đường

Thứ tư, ngày 23/05/2012 07:04 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhờ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), hàng nghìn học sinh nghèo của huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã có cơ hội bước vào giảng đường đại học, cao đẳng...
Bình luận 0

Phép màu kỳ diệu

Đến thôn Làng Trạng, xã Minh Tiến, chúng tôi đã được giới thiệu gặp một lão nông đã nuôi 4 con học đại học. Đó là gia đình ông Hoàng Trọng Anh, một hộ thuộc diện khó khăn, bởi cả 2 vợ chồng đều làm nông, thu nhập chính của gia đình chỉ trông vào vài sào lúa nước và con lợn, con gà.

img
Ông Hoàng Trọng Anh nuôi lợn, gà để thêm chi phí cho 4 người con học đại học.

Vốn đam mê đèn sách từ nhỏ, nhưng do gia đình khó khăn nên ông đành thôi học khi hết cấp III. Thấy cảnh làm nông lam lũ, cực nhọc mà quanh năm vẫn phải lo cái ăn, ông Anh luôn nghĩ sẽ quyết tâm bằng mọi cách phải nuôi các con ăn học đến nơi, đến chốn. Nhờ được cha quan tâm động viên, các con ông đã miệt mài đèn sách và đều thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng...

Người con trai cả Hoàng Minh Chuẩn đã thi đỗ Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, Hoàng Trung Uý và Hoàng Thu Sen thi đỗ Đại học Y Thái Nguyên, còn người con trai út Hoàng Tuấn Vũ theo học Học viện An ninh.

Khi người con cả chưa ra trường thì 3 anh em sau cùng dắt nhau vào đại học, khó khăn chồng chất khó khăn, nhớ lại ngày đó, ông Anh tâm sự: "Nuôi 3 đứa đi học, không tính thằng út học Học viện An ninh thì mỗi tháng tôi cũng phải lo cho chúng 4 triệu đồng. Vay mượn, nợ nần nhiều quá, sức cùng lực kiệt, có lúc tôi đã tính cho 1-2 đứa nghỉ học".

Thế nhưng như một phép màu kỳ diệu, năm 2007, Nhà nước có chính sách cho con em dân tộc, thuộc diện hộ nghèo vay vốn ưu đãi để đi học. Nghe tin, ông đã nhanh chóng tham gia đăng ký vay vốn. Ngày đó tính ra mỗi tháng các con ông được vay 800 nghìn đồng/người. Tuy số tiền ít ỏi, nhưng thương bố mẹ mà các con ông đã chi tiêu tằn tiện, nên số tiền đó cũng đủ để chúng ăn học.

Những khó khăn dần qua đi, anh con cả giờ đã có việc làm, còn 3 người em cũng chuẩn bị ra trường. Tuy còn rất nhiều khó khăn phía trước nhưng ông Anh vẫn tự tin: "Có vốn ưu đãi rồi, giờ có nuôi chục đứa con vào đại học cũng không còn lo ngại nữa. Ở nhà, mình nuôi thêm con lợn, con gà cũng đủ để mua quần áo, sách vở cho các con, chứ tiền ăn, tiền ở "Nhà nước" lo rồi" - ông Anh cười vui vẻ.

Tự tin đến trường

Gia đình ông Phòng Đình Nghĩa (ở thôn Trung Thành, xã Minh Tiến) cũng thuộc diện hộ nghèo. Tổng thu nhập mỗi năm của vợ chồng ông không quá 10 triệu đồng. Cuộc sống quá khó khăn nên trước đây ông không dám nghĩ đến việc cho con đi học đại học mà chỉ cố gắng làm sao cho chúng học hết cấp III. Năm 2007, có chính sách vay vốn học sinh, sinh viên nghèo, ông cũng đã mạnh dạn tham gia vay vốn và động viên cho 2 con học đại học.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng CSXH huyện Lục Yên, đến nay toàn huyện đã có 3.170 học sinh được vay vốn, tổng dư nợ là trên 47 tỷ đồng.

Nhờ có vốn ưu đãi nên nửa chặng đường dài khó khăn đã qua đi, người con trai cả học Đại học Nông nghiệp I Hà Nội sắp ra trường, người con út đang theo học năm thứ nhất Đại học Công nghiệp Thái Nguyên. Ông Nghĩa tâm sự: "Chưa bao giờ tôi dám nghĩ sẽ cho 2 đứa con đi học đại học. Nếu không có nguồn vốn ưu đãi thì giờ đây chắc chúng cũng chỉ biết ở nhà làm ruộng hay đi làm công nhân mà thôi".

Niềm vui không chỉ đến với gia đình ông Anh và ông Nghĩa, theo số liệu thống kê của Ngân hàng CSXH huyện Lục Yên, đến nay toàn huyện đã có 3.170 học sinh được vay vốn, tổng dư nợ là trên 47 tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Ngọc Giang - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Lục Yên cho biết: "Là một huyện miền núi, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số và kinh tế khó khăn. Việc cho vay đối với học sinh, sinh viên nghèo đã giúp cho số lượng con em đồng bào dân tộc đi học ngày càng tăng, không còn tình trạng học sinh thi đỗ mà phải bỏ học vì khó khăn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem