Gõ cửa tìm cơ chế cho "đội đặc nhiệm" tuyến đầu chống thiên tai
Gõ cửa tìm cơ chế cho "đội đặc nhiệm" tuyến đầu phòng chống thiên tai
Thanh Xuân
Thứ tư, ngày 18/03/2020 11:17 AM (GMT+7)
Mỗi năm, Việt Nam phải hứng chịu hàng chục cơn bão, áp thấp, chưa kể các loại hình thiên tai khác, nên phương châm "4 tại chỗ" được coi là "bảo bối" để đương đầu với mưa bão. Một trong những "tại chỗ" có vai trò then chốt và quan trọng đã được ra đời thời gian gần đây, đó là "Đội xung kích phòng chống thiên tai" - một mô hình được coi là "đội đặc nhiệm" ở tuyến đầu phòng chống thiên tai ở nhiều địa phương.
Nhiều người sẵn sàng tham gia "đội đặc nhiệm" này, nhưng cơ chế nào, chính sách nào cho những con người đó, vẫn còn là điều bỏ ngỏ. PV Dân Việt đã tới nhiều địa phương để tìm hiểu mô hình này cùng những trăn trở của người trong cuộc.
Bài 1: Tiên phong nơi tuyến đầu phòng chống thiên tai
Nam Định là một trong những địa bàn thường chịu ảnh hưởng bởi nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới , cũng bởi thế, "đội đặc nhiệm" phòng chống thiên tai (PCTT) ở đây được ra đời sớm hơn cả. Lúc những cơn bão ập đến, trong khi lực lượng chuyên nghiệp chưa kịp tới, họ đã có mặt ở tuyến đầu để đương đầu với bão dữ.
Những "vết sẹo" ven biển
Ông Trần Ngọc Thành – Đội trưởng Đội Xung kích PCTT xã Hải Hòa, huyện Hải Hậu (Nam Định) dẫn chúng tôi cùng đi kiểm tra tuyến đê có chiều dài 4.400 m của xã. Ông Thành chỉ cho chúng tôi thấy những “vết sẹo” sau mỗi lần bão đổ bộ về mảnh đất này.
"Bình thường có những hôm sóng đánh nước tung cao lên 2-3 m, nhưng bão về có khi ngọn sóng cao hàng chục mét. Đê biển qua địa bàn xã Hải Hòa cũng chỉ chịu được cấp 9 đến cấp 10, nếu bão cấp 11 -12 đổ về dù đã được gia cố bằng kè đá rồi, đê cũng không chịu nổi" - ông Thành nói.
Đội trưởng Đội xung kích Phòng chống thiên tai xã Hải Hòa tiếp lời: “Nhiều người đi trên đê bị sóng đánh bay, một số cán bộ của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão cũng bị sóng đánh làm cho bị thương. Cả một dự án trồng phi lao chắn biển cũng đã bị cơn bão số 10 năm 2017 cuốn phăng.
Hàng chục ha nuôi trồng thủy sản của người dân ở khu vực ngoài đê cũng đã bị bão cuốn đi hết. Giờ Nhà nước đang đầu tư dự án chắn sóng bằng các cọc bê tông với các khối nặng hơn 2 tạ nhưng khi có bão, đê thấp vẫn bị nước tràn qua”.
Dọc bãi không thiếu những khu đất hoang tàn với hàng trăm các “vết sẹo” của gió và sóng biển gây ra tại khu ao nuôi trồng hải sản. Chỉ tay vào một bãi đất hoang, ông Thành cho biết, đây là khu vực đầu tư của hộ gia đình ông Nguyễn Minh Hiển. Cơn bão năm 2017 đã cuốn phăng tài sản giá trị hơn 2 tỷ đồng của gia đình ông Hiển.
Ông Hiển không còn đủ lực để vực lại nghề "kiếm cơm" của gia đình. Giờ đây, các ao nuôi trồng thủy sản chỉ còn là bãi hoang, với những vết sẹo trên nền bê tông do thiên tai gây ra.
Ngay cạnh đó là các ao nuôi trồng thủy sản đã và đang được khắc phục của hộ gia đình ông Vũ Hồng Sơn. Cùng hoàn cảnh như nhiều hộ nuôi trồng thủy sản khác, gia đình ông Sơn năm 2017 bị bão cuốn đi hơn 2 tỷ đồng.
Phía trong đê, chúng tôi đã nhìn thấy mầu xanh của lạc, đậu tương và các cây rau mầu của người dân đang dần “hồi sinh” từ cánh đồng muối không hiệu quả phải phá bỏ.
Người dân sống dọc hơn 4km đê biển của xã Hải Hòa xác định "sống chung" với bão, lũ, sóng biển. Hàng năm, dù bão đổ bộ vào các tỉnh miền Trung nhưng xã Hải Hòa và các xã ven biển của huyện Hải Hậu vẫn chịu ảnh hưởng ít nhiều.
"Thiên tai, bão lũ luôn rình rập đem rủi ro cho sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân. Thiệt hại về tài sản của bão lũ rất khó tránh khỏi nhưng rất may mắn là trên địa bàn xã đến nay chưa có thiệt hại về người do bão, lũ. Công tác chủ động phòng chống thiên tai không thể chủ quan, lơ là được", ông Trần Ngọc Thành – Đội trưởng Đội Xung kích Phòng chống thiên tai xã Hải Hòa chia sẻ.
"Đội đặc nhiệm" dựa trên tinh thần xung phong
Ông Phạm Thanh Sơn – Chủ tịch UBND xã Hải Hòa, huyện Hải Hậu kể: “Tôi sinh ra và lớn lên ở trên mảnh đất này nên thiên tai, bão lũ đến tuổi này cũng được nếm trải đủ cả. Do là một trong 6 xã ven biển, dù tâm bão không đi qua mà chỉ cần bão đổ bộ vào Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa... chúng tôi cũng bị ảnh hưởng ít nhiều”.
Năm 1971 là xã Hải Hòa bị vỡ đê biển, nước biển và sóng biển tràn vào gây thiệt hại lớn cho người dân. Đến năm 2005 cơn bão số 7 cũng đã nhấn chìm cả xã trong biển nước, nơi sâu nhất ngập tới 1,5m.
Tiếp đến, năm 2017 người dân lại chứng kiến cơn bão số 10, sóng đánh tung nước cao hàng chục mét, làm hư hỏng hết cả một đoạn đê dài, có chỗ sóng khoét sâu hết cả nửa thân đê. Nhiều lực lượng hộ đê cũng đã bị sóng cuốn, may chỉ có người bị thương.
Ông Sơn cũng cho biết, để ứng phó với thiên tai, đặc biệt là ở địa phương thường xuyên xảy ra bão lũ rất cần một lực lượng với tinh thần xung phong ra tuyến đầu mỗi khi phải ứng phó với sự cố khẩn cấp.
Với sự hướng dẫn của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão, ngày 3/6/2019, UBND xã Hải Hòa đã có Quyết định số 41 thành lập Đội Xung kích phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn với thành phần có 50 người. Lực lượng nòng cốt của đội là quân sự xã, dân quân tự vệ, công an xã, y tế xã,…
“Đội Xung kích được xác định sẽ là lực lượng ra tuyến đầu khi ứng phó với sự cố thiên tai bão lũ trên địa bàn xã. Các thành viên của Đội Xung kích sẽ hỗ trợ kiểm tra các tuyến đê xung yếu để có thông tin chính xác, thông báo, từ đó có phương án xử lý kịp thời.
Ngoài ra, khi xảy ra bão Đội Xung kích cũng hỗ trợ người dân đưa tàu thuyền, của cải, vật chất về nơi an toàn, giúp người dân chằng, chống nhà cửa… Khi bão đổ bộ, nếu xảy ra sự cố lực lượng xung kích cũng sẽ ra tuyến đầu để hộ đê. Bão đi qua, chính lực lượng xung kích này lại giúp bà con dựng lại nhà cửa, vệ sinh môi trường… giải quyết các hậu quả sau bão”, ông Sơn cho biết.
Cũng theo ông Sơn, việc thành lập Đội Xung kích là tất yếu với xã thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ như Hải Hòa. Tuy nhiên, hiện Đội Xung kích vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm tự có, trang thiết bị cũng thô sơ, chưa đủ kinh phí để trang bị cũng như bồi dưỡng, tập huấn đào tạo cho các thành viên của đội.
“Đa phần vẫn dựa vào tinh thần xung phong của các thành viên tham gia đội, khi có thiên tai chúng tôi trích ngân sách của xã ra để hỗ trợ các thành viên với số tiền 200.000 đồng/người/ngày. Đó là việc hết sức cố gắng của xã rồi. Nhưng thật tình cũng chưa bằng một ngày công họ đi làm thuê, nên hiện tại vẫn dựa vào tinh thần nhiệt tình, xung phong của các thành viên là chính, để động viên họ tham gia”, ông Sơn nói.
Một trong những thành viên tích cực của Đội xung kích Phòng chống thiên tai là ông Hoàng Văn Thắng. Sau khi hết nghĩa vụ quân sự năm 1997, ông Thắng đã trở về địa phương làm kinh tế và hiện là Phó Đội trưởng Đội Xung kích.
Ông Thắng chia sẻ: “Thời điểm khi xảy ra thiên tai bão, lũ bản thân mỗi người dân cũng cần phải xử lý các sự cố, bảo vệ an toàn cho gia đình và tài sản của họ trước. Nên để huy động được lực lượng ra tuyến đầu cho công tác hộ đê, cứu người, tài sản không hề đơn giản.
Hiện tại, do chưa có cơ chế rõ ràng nên vẫn dựa vào tinh thần xung phong, sự nhiệt tình của mọi người. Đội Xung kích cũng chính là tên gọi rất phù hợp để huy động được lực lượng theo tinh thần đó”.
Theo thống kê của Văn Phòng thường trực Ban Chỉ huy về Phòng chống thiên tai Trung ương, hiện Nam Định là một trong số 41 tỉnh trên cả nước có tỉ lệ hơn 90% các xã đã thành lập được Đội Xung kích Phòng chống thiên tai.
Tuy nhiên, các quy định về chế độ hoạt động, quyền hạn, nhiệm vụ, nguồn kinh phí duy trì hoạt động và các chính sách liên quan đến Đội Xung kích Phòng chống thiên tai vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Lực lượng xung kích ở các địa phương hiện tại vẫn đang chủ động hoạt động theo tinh thần "xung phong" hay nói một cách khác, vẫn đang "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng".
Theo ông Achim Fock - Giám đốc Điều phối danh mục của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ cao nhất ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đối với hạn hán, bão, lũ lụt và được xếp thứ 7 trong những quốc gia có nguy cơ dễ bị thiên tai nhất trên thế giới.
Trong 20 năm qua, thiên tai tại Việt Nam đã làm hơn 13.000 người chết, gây thiệt hại tài sản lên tới trên 6,4 tỉ USD và rủi ro thiên tai tại Việt Nam được dự báo sẽ ngày càng gia tăng.
Thiệt hại về kinh tế từ thiên tai ở Việt Nam lên tới 1,5% GDP và có thể lên tới hơn 4% GDP trong trường hợp xảy ra thảm họa thiên tai lớn. Dự báo trong 50 năm tới, Việt Nam có 40% nguy cơ có thể xảy ra thiên tai, thiệt hại về kinh tế trên 6,7 tỉ USD.
Đón đọc Bài 2: Đội xung kích phòng chống thiên tai, những "chiến sỹ" thầm lặng cứu người
Vui lòng nhập nội dung bình luận.