Doanh nghiệp vận tải than trời vì chi phí test Covid-19

Quang Phương Chủ nhật, ngày 26/09/2021 14:00 PM (GMT+7)
Giới tài xế và doanh nghiệp vận tải đang “than trời” vì quy định buộc tài xế phải test Covid-19 3 ngày/lần.
Bình luận 0

Tài xế ngao ngán vì "chọc mũi" liên tục

Anh Võ Thành Cơ (quê Bình Định), tài xế xe container chia sẻ với phóng viên Dân Việt: "Tôi chạy xe đường dài, địa phương quy định 3 ngày tài xế test một lần nhưng tôi thì cứ 2 ngày phải test một lần. Tôi test để chuẩn bị kết quả theo kiểu "gối đầu". Mũi bị chọt liên tục nên ngán luôn rồi. Mà không test thì không lái xe đường dài được. Vì mưu sinh thôi, chứ test liên tục phát ngán rồi".

Doanh nghiệp vận tải “than trời” vì chi phí test Covid-19 cho tài xế - Ảnh 1.

Tài xế Phạm Văn Tình (trái) trò chuyện cùng Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn tại một cây xăng trên Quốc lộ 53 trưa 24/9. Ảnh: Quang Phương.

Tại một cây xăng trên Quốc lộ 53 ở huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre), tài xế Phạm Văn Tình, lái xe tải biển số 63C 127.24 trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ngày 24/9 cho biết, cứ 2-3 ngày là anh phải test Covid-19 một lần. 

"Tôi test nhanh, mỗi lần test tốn 230.000 đồng (test ở Bến Tre - PV), tiền test chủ xe chịu. Lái xe mùa dịch cũng không đáng ngại nhưng phải test, chọc mũi liên tục ngán quá, ê hết cả lỗ mũi", anh Tình nói.

Cũng theo phản ánh của giới tài xế, tại nhiều tỉnh, thành việc sử dụng kết quả test Covid-19 không thống nhất nhau: Nơi cho phép tài xế sử dụng kết quả test nhanh, nơi bắt phải kết quả test PCR. Chính sự thiếu đồng nhất này nên nhiều tài xế không chỉ "chọc mũi" 3 ngày/lần mà nhiều khi phải làm hàng ngày để có được kết quả test Covid-19 theo yêu cầu của từng địa phương khi xe đi qua.

Doanh nghiệp khóc ròng vì chi phí test Covid-19

Trong khi giới tài xế ngao ngán vì bị "chọc mũi" thì các chủ doanh nghiệp vận tải lại "khóc ròng" về chi phí để tài xế test Covid-19 theo quy định. Bà Trương Thị Hồng Tuân, Giám đốc Công ty TNHH TM&DV Hàng hóa Phương Nam (tỉnh Bình Dương), chia sẻ: Công ty hiện có hơn 50 tài xế đang hoạt động và họ phải thực hiện test Covid-19 với tần suất 3 ngày/lần. Mỗi lần test nhanh Covid-19 mất 350.000 đồng/người, còn test PCR thì cao gấp 2, gấp 3. Tổng cộng mỗi đợt test như vậy công ty tốn gần 20 triệu đồng. Mỗi tháng tài xế phải test Covid-19  10 lần, tổng số tiền test lên đến khoảng 200 triệu đồng/tháng.

Doanh nghiệp vận tải “than trời” vì chi phí test Covid-19 cho tài xế - Ảnh 3.

Một xe tải được dán niêm phong ở cabin trong quá trình di chuyển liên tỉnh. Ảnh chụp trưa 24/5 trên Quốc lộ 53, đoạn đường tại chốt kiểm soát dịch ở cầu Cổ Chiên phía Trà Vinh. Ảnh: Quang Phương.

"Tất cả chi phí này doanh nghiệp tự bỏ tiền test cho tài xế. Đây là 1 khoản lớn, ảnh hưởng nhiều đến doanh thu của doanh nghiệp. Chúng tôi mong cơ quan chức năng có thể giãn bớt thời gian hoặc nếu được miễn luôn việc test Covid-19 đối với các tài xế đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19. Tài xế họ than phiền nhiều lắm, test liên tục như vậy "hư" mũi hết!", bà Tuân nói.

Đối với những doanh nghiệp có lượng tài xế đang hoạt động càng lớn thì số tiền test Covid-19 càng nhiều. Ông Lê Đức Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thành Bưởi cho biết, gánh nặng chi phí test Covid-19 quá lớn, thực hiện trong thời gian dài vừa qua khiến doanh nghiệp không chịu đựng nổi. "Doanh nghiệp chúng tôi hết tiền để test luôn rồi", ông Thành lo lắng.

Doanh nghiệp vận tải “than trời” vì chi phí test Covid-19 cho tài xế - Ảnh 4.

Hàng loạt xe tải nối đuôi nhau trên Quốc lộ 53, tại chốt kiểm soát dịch ở cầu Cổ Chiên phía Trà Vinh để chờ khai báo y tế trước khi di chuyển vào tỉnh Trà Vình vào trưa ngày 24/9. Ảnh: Quang Phương.

Được biết, trong thời gian vừa qua, để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, các hiệp hội vận tải đã có những kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và các đơn vị liên quan. 

Cụ thể, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã đề nghị xem xét miễn thực hiện quy định test Covid-19 cho giới tài xế nhằm tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa, tiết giảm nguồn lực kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước đang gánh rất nhiều trọng trách khác về phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn về chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp vận tải. 

Tương tự, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng kiến nghị cần phải đồng bộ trong việc thực hiện những quy định, tránh tình trạng như vừa qua Bộ Y tế đã có quy định đối với lái xe thì giấy chứng nhận xét nghiệm theo phương pháp test nhanh hay PCR đều được chấp nhận, nhưng một số địa phương vẫn chỉ chấp nhận kết quả xét nghiệm PCR.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem