Hồng Phúc
Chủ nhật, ngày 26/09/2021 06:31 AM (GMT+7)
Được phép mở lại, nhưng phải thực hiện nhiều quy định nghiêm ngặt, hàng hóa lưu thông chưa được thuận lợi; chủ hàng loạt tiệm cơm tấm, bún bò đến nhà hàng lớn, vẫn khó tìm đường trở lại...
Hơn nửa tháng, kể từ ngày UBND TP.HCM cho phép dịch vụ ăn uống được bán mang đi qua các ứng dụng công nghệ. Nhưng đến nay, số lượng cửa hàng hoạt động trở lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Khó đáp ứng nổi các quy định
Các cung đường tập trung nhiều cửa hàng, quán ăn bậc nhất TP.HCM như: Hoàng Sa, Trường Sa, Phan Xích Long, Nguyễn Gia Trí, Sư Vạn Hạnh, Cao Thắng… Những ngày này vẫn hẩm hiu và yên ắng hơn bao giờ hết. Có nơi dài hàng cây số, trước nay tấp nập; thậm chí tranh nhau từng mặt bằng, nhưng giờ đây đều đóng cửa im ỉm, chỉ một vài quán phở, hủ tiếu, chè mở cửa.
Quán bún bò của chị Thanh Mai trên đường Trường Sa (quận 3) rất nổi tiếng. Bán hơn cả chục năm, từ trước đến nay, hiếm khi nào đóng cửa vì sợ mất khách. Vậy mà, từ khi được cho bán lại, nhiều khách quen nhắn tin hỏi thăm để "ăn bún bò", nhưng chị Mai vẫn chần chừ, chưa dám bán lại.
"Mở cửa bán bây giờ khó lắm. Với những quán nhỏ, kiểu gia đình như tôi thì vẫn có thể đảm bảo được việc xét nghiệm. Nhưng khâu vận chuyển, từ mua nguyên liệu đến giao hàng... rất trần ai. Hiện thịt bò các loại, rau, bún đều khó tìm mà giá tăng, mỗi thứ tăng một ít. Phí "ship" tăng gấp rưỡi, tính ra tô bún bò đến tay người mua tăng gấp đôi, cả trăm nghìn thì rất khó bán" - chị Mai nói.
Đó là chưa kể con đường Hoàng Sa và một số ngõ hẻm nhỏ xung quanh nhà chị bị căng dây bít bùng, muốn giao cho shipper, mỗi đơn như vậy lại phải chạy ra chốt, nên chị quyết định nghỉ tiếp, chờ khi nào TP.HCM "mở cửa" hẳn.
Thực tế, nhiều cửa hàng, quán ăn hiện nay đều đang gặp khó bởi UBND TP.HCM cho phép quán ăn mở lại, nhưng chợ truyền thống vẫn chưa. Do đi lại khó khăn vì dịch, khó tiếp cận nhà cung cấp quen, mà mua online thì giá tăng gấp đôi, nên hầu hết hộ kinh doanh chưa bán lại.
Theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, TP hiện có hơn 10.000 hộ kinh doanh các dịch vụ ăn uống. Hoạt động này trước dịch luôn tấp nập cả ngày lẫn đêm. Nhưng giờ đây đang trở nên bất động. Ngay cả "vùng xanh" quận 7, được nới nhiều điều kiện, nhưng cũng "đỏ mắt" mới tìm được một vài nơi tái hoạt động.
Dù được cấp chứng nhận "hộ kinh doanh xanh", nhưng chị Thùy Linh - chủ quán cơm tấm trên đường Võ Thị Sáu (quận 3), cho biết vẫn rất áp lực. Nguyên nhân là điều kiện được mở lại hộ kinh doanh phải tuân thủ nguyên tắc "4 tự" và "3 tại chỗ". Với "4 tự", chị phải: Tự xây dựng kế hoạch, tự thực hiện, tự xét nghiệm 3 ngày/lần và tự kiểm tra đối với nhân viên của mình.
"Nhân viên của chúng tôi ăn ngủ tại quán, test 3 ngày/lần và cập nhật kết quả xét nghiệm cho phường. Chúng tôi cũng chủ động gắn luôn màn chắn bên ngoài để không tiếp xúc với các shipper. Chi phí để hoạt động hiện nay cao lắm, test Covid-19 là đau đầu nhất, vì phải làm liên tục, còn mở cửa là còn test" - chị Linh nói.
Đóng cửa liên tiếp 3-4 tháng qua, đều phải trả tiền mặt bằng đắt đỏ, nhưng hoạt động lại thì chi phí rất cao. Chị Linh cho hay, có thể sau 1 tháng, sẽ tính toán lại mọi chi phí để cân nhắc và quyết định tiếp.
Chuỗi F&B thận trọng
Nhiều chuỗi F&B lớn cũng đang hết sức thận trọng và dè dặt trong việc mở cửa trở lại. Đến nay, chỉ mới có các chuỗi cà phê, trà sữa như: Phúc Long, Gong Cha, Highlands Coffee, The Coffee House và các chuỗi thức ăn nhanh như KFC, Lotteria, McDonald's rục rịch bán lại trên các ứng dụng công nghệ.
Tuy nhiên, không phải tất cả chi nhánh của các thương hiệu này đều mở cửa. The Coffee House, Highlands Coffee, KFC, Lotteria... chỉ khôi phục vài cửa hàng. Chuỗi Phúc Long nhiều hơn, tính đến nay, đã có gần 20 cửa hàng lớn nhỏ bán trở lại lại.
Dù TP.HCM được xem là "mảnh đất hứa" với các chuỗi F&B lớn, nhưng làn sóng Covid-19 lần thứ tư đã tác động nặng nề và khiến các doanh nghiệp đau đầu hơn bao giờ hết. Nhóm nhà hàng chủ yếu phục vụ tại chỗ như các thương hiệu:Gogi, Kichi Kichi, King BQQ, Hotspot, iSushi của Golden Gate và Red Sun đến nay vẫn đang đóng cửa và chưa có tín hiệu sẽ bán trở lại.
Theo các "ông lớn" này, kinh doanh chuỗi ẩm thực, nhà hàng, cà phê đang gặp khó khăn vì Covid-19 cũng như các quy định đảm bảo an toàn phòng dịch. Đại diện Gong Cha cho biết đây là lần đầu tiên doanh nghiệp tiếp cận "3 tại chỗ", tức nhân viên phải ăn ngủ nghỉ và làm việc tại cửa hàng. Mô hình này đang được các doanh nghiệp sản xuất áp dụng, trong khi với diện tích và thiết kế của một cửa hàng F&B thì khó đáp ứng.
Mới đây, các doanh nghiệp trong lĩnh vực ăn uống, mô hình chuỗi cửa hàng, nhà hàng với nhiều thương hiệu như Golden Gate, KFC, Pizza Hut, Starbucks, Jollibee, Loterria, Red Wok, QSR Management, Lê Kiên, Mesa… đã gửi đơn tập thể đến lãnh đạo TP.HCM. Các doanh nghiệp cho biết khó có thể mở cửa trở lại dù đã được TP cho phép.
Ông Dominic Vũ - nhà sáng lập Dom Capital (đại diện các doanh nghiệp kiến nghị với lãnh đạo TP) - cho rằng: Ngoài điều kiện phải "3 tại chỗ", các doanh nghiệp chỉ ra quy định nhân viên phải xét nghiệm nhanh âm tính với Covid-19 trong 2-3 ngày/lần, với mức phí doanh nghiệp tự chi trả sẽ khiến chi phí hoạt động tăng mạnh.
Hiện nhân viên các chuỗi đã về quê hơn một nửa, nguyên vật liệu trở nên khan hiếm vì tỉnh, thành khác không cho lưu thông, còn lượng khách và doanh thu trong thời gian này lại chưa nhiều.
Ông Vũ kiến nghị: Có thể ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người lao động trong lĩnh vực, người đã được tiêm ít nhất 1 mũi có thể trở lại làm việc. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm kiểm tra sức khỏe cho nhân viên, đảm bảo tuân thủ 5K nghiêm ngặt. Đây cũng có thể xem là giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tái phục hồi, sau 3-4 tháng "đóng băng" vừa qua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.