Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, quy định khống chế mức chi phí quảng cáo khuyến mại trong các chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) có từ 15 năm nay. Đây là quy định "trói tay", hạn chế năng lực cạnh tranh của DN cũng như của cả nền kinh tế. Do đó, việc dỡ bỏ mức khống chế chi phí quảng cáo khuyến mại nhằm dành cho DN quyền chủ động và tự do kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN.
Ngày 18.11, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức hội thảo "Đầu tư phát triển thương hiệu và chi phí quảng cáo của DN". Tại hội thảo, bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký VCCI cũng cho rằng, nếu dỡ trần quảng cáo sẽ khuyến khích DN phát triển sản xuất- kinh doanh, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm mới, DN mới trên thị trường trong nước cũng như quốc tế, khuyến khích khả năng sáng tạo, kinh doanh của DN. "Nếu cho rằng dỡ trần quảng cáo sẽ có sự chèn ép giữa DN trong nước và các DN nước ngoài, DN lớn với DN bé, đã có các quy định pháp luật các khống chế"- bà Hằng cho hay.
Ở góc độ DN, ông Hà Quang Tuấn - Tổng giám đốc Công ty CP sữa Hà Nội (Hanoi Milk) cho hay, đã có nhiều DN, đặc biệt doanh nghiệp FDI thường lợi dụng, đưa quảng cáo, tiếp thị vào chi phí để làm giảm thuế thu nhập DN, chúng ta cần có biện pháp, công cụ để kiểm soát. Chúng ta nên có quy định ngăn cản việc lợi dụng sự thông thoáng của việc dỡ bỏ trần quảng cáo. Ngoài ra, cũng cần quy định hạch toán chi phí quảng cáo không nhất thiết phải đưa vào 1 năm mà có thể phân bổ ra nhiều năm như 1 chi phí đầu tư dài hạn (quy định hiện hành coi là chi phí phát sinh và phải hạch toán ngay). Điều đó khiến các DN, giá trị cổ phiếu bị ảnh hưởng...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.