Thiệt hại nghiêm trọng
Ngày 7.5, chủ rừng Công ty TNHH MTV Trầm Hương đã báo cáo về việc rừng thuộc quản lý của công ty, nằm giáp ranh huyện MDrăk (tỉnh Đăk Lăk) bị chặt phá trái phép. Ngày 14.5, Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa đã thành lập đoàn kiểm tra, xác định cụ thể diện tích bị phá, thiệt hại lâm sản…
|
Rừng phòng hộ bị phá tan hoang. |
Cả đoàn bất ngờ trước cảnh tan hoang của hàng chục ha rừng đầu nguồn nguyên sinh. Tại tiểu khu 105 thuộc lâm phần của Công ty Trầm Hương, vùng giáp xã Cư San (MDrăk, Đăk Lăk), có tổng cộng 25,3ha rừng phòng hộ đầu nguồn bị chặt trắng, trong đó có 19ha rừng trạng thái IIIA3 (rừng giàu, có trữ lượng gỗ từ 200 – 600m3/ha). Toàn bộ cây rừng to nhỏ lớn bé đều bị cưa sát đất, cây gỗ dài cả chục mét, đường kính có cây lên đến hơn 1m nằm la liệt. Lân cận, vùng rừng thuộc địa phận giáp ranh thuộc huyện MDrăk cũng bị phá trắng hàng chục ha.
Ước tính sơ bộ ban đầu, tại vùng rừng của Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương đã bị phá trắng này, có 19ha vùng rừng giàu thiệt hại bình quân 300m3/ha, số còn lại thiệt hại khoảng 90m3/ha. Tính theo thời giá hiện nay thì thiệt hại nhiều tỷ đồng, chưa kể thiệt hại về môi trường của rừng phòng hộ trọng yếu.
Lỗi chủ rừng ở đâu?
Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, việc hạ phá hàng chục ha rừng ở đây đã được thực hiện một cách bài bản, có sự chuẩn bị và thực hiện trong thời gian dài. Tại hiện trường, có một lán trại lợp mái tôn, nghi là của lực lượng phá rừng, trong lán có tới 6 khẩu súng tự chế. “Nhiều gốc cây đã nảy mầm, nhiều vùng cây gỗ đã khô, cháy chứng tỏ vùng rừng này đã bị phá lâu rồi. Vậy mà, tại sao đơn vị được giao quản lý rừng là Công ty TNHH MTV Trầm Hương không hề hay biết?” – một cán bộ trong đoàn kiểm tra bức xúc.
Chủ rừng có trách nhiệm bảo vệ rừng của mình; xây dựng và thực hiện phương án, biện pháp bảo vệ hệ sinh thái rừng; phòng, chống chặt phá rừng; phòng, chống săn, bắt, bẫy động vật rừng trái phép; phòng cháy, chữa cháy rừng...
(Trích Điều 37, Luật Bảo vệ và phát triển rừng)
Theo nhận định của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa thì đây là vụ phá rừng trái phép rất nghiêm trọng, vượt qua mức xử phạt hành chính và phải bị xử lý theo khoản 3 Điều 189 của Bộ luật Hình sự. Chi cục Kiểm lâm đã có văn bản báo cáo lên Sở NNPTNT tỉnh Khánh Hòa từ cuối tháng 5, sau đó Sở cũng đã báo cáo lên UBND tỉnh Khánh Hòa. Chi cục cũng đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh hoàn chỉnh hồ sơ trưng cầu giám định, khởi tố vụ án để chuyển giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra xử lý. Tuy nhiên, trong các văn bản báo cáo sự vụ lên UBND tỉnh Khánh Hòa không hề nhắc đến trách nhiệm của chủ rừng khi để xảy ra vụ phá rừng đầu nguồn nghiêm trọng này trên lâm phần của mình.
Chiều 25.6, ông Đào Công Thiên – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Khánh Hòa cho biết: Sở đã báo cáo (UBND tỉnh - PV) rồi, bây giờ Sở đang mời giám định viên lâm nghiệp tiến hành giám định, xác định thiệt hại để căn cứ khởi tố vụ án. Trong vụ này, chủ rừng đã phát hiện và báo cáo sự vụ lên kiểm lâm nhưng đương nhiên về mặt pháp luật, chủ rừng phải chịu trách nhiệm. Khi khởi tố vụ án, điều tra sự vụ mới nói đến trách nhiệm...
Mai Khuê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.