Góc nhìn pháp lý vụ triệt phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh tại 32 tỉnh, thành

Phi Long Thứ sáu, ngày 30/08/2024 06:39 AM (GMT+7)
Công an TP.Hồ Chí Minh đã lần ra đường dây mua bán trẻ sơ sinh quy mô lớn, liên quan đến 32 tỉnh, thành phố. Luật sư Hoàng Anh Sơn đã phân tích dưới góc độ pháp lý về vụ việc này.
Bình luận 0

Ngày 28/8, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo thông tin về quá trình triệt phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh núp bóng dưới hình thức cho nhận con nuôi, hoạt động tại 32 tỉnh, thành trên cả nước.

Triệt phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh

Trước đó, từ thông tin, tài liệu thu thập được, Công an TP Hồ Chí Minh xác định đối tượng Nguyễn Thị Ánh Đào (SN 1989, quê Nghệ An) đang nuôi giữ một trẻ sơ sinh nam (3 ngày tuổi) tại một khách sạn trên địa bàn Phường 2, quận Tân Bình. 

Sau khi làm việc, bước đầu đối tượng Đào thừa nhận đã dùng thủ đoạn gian dối tìm nhận con nuôi do hoàn cảnh hiếm muộn. Theo đó, đối tượng Đào đã liên lạc, nhận nuôi trẻ sơ sinh từ chị T.T.T.N (cư trú tại tỉnh Đắk Lắk, mẹ ruột đứa trẻ) nhưng thực chất là để lại cho 1 cặp vợ chồng ở tại TP Hồ Chí Minh, thu lợi bất chính 40 triệu đồng. 

Khẩn trương đấu tranh, mở rộng chuyên án, Công an Thành phố đã xác định đường dây tội phạm mua bán trẻ sơ sinh dưới hình thức cho nhận con nuôi, hoạt động với quy mô lớn tại 32 tỉnh, thành; được điều hành bởi các đối tượng Nguyễn Thị Ánh Đào, Hoàng Thị Nhung (SN 1982, ngụ tỉnh Đồng Nai), Đỗ Thị Thúy Ngân (SN 1994, ở TP.Hà Nội), Cao Thị Thu Phương (SN 1983, ngụ thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Đường dây có với sự tham gia, giúp sức của 6 đối tượng môi giới.

Từ đầu năm 2024 đến nay, đường dây tội phạm thông qua Hội nhóm kín trên mạng xã hội để liên hệ, kết nối với các phụ nữ mới sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng nuôi con để mua 16 đứa trẻ (có độ tuổi từ 3 ngày tuổi đến 3 tháng tuổi) với số tiền từ 10 - 23 triệu đồng/1 trẻ; sau đó, bán lại với số tiền từ 35 - 75 triệu đồng/trẻ, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.

Đáng chú ý, để hợp thức hóa việc mua bán trẻ sơ sinh dưới hình thức cho nhận con nuôi, các đối tượng đã móc nối với đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức do đối tượng Phan Phương Nam (SN 1989, quê tỉnh Đồng Nai) cầm đầu để đặt mua giấy chứng sinh giả nhằm hợp thức hóa thủ tục cho nhận con nuôi và đăng ký khai sinh cho các cháu bé bị mua bán.

Góc nhìn pháp lý vụ triệt phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh tại 32 tỉnh, thành- Ảnh 2.

Các đối tượng trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh bị bắt. Ảnh: CA.

Công an TP Hồ Chí Minh đã xác minh 84 trường hợp trẻ sơ sinh có dấu hiệu bị mua bán tại 32 tỉnh, thành trong cả nước. Qua đó, phát hiện giải cứu kịp thời các trường hợp trẻ em đã bị mua bán; tiến hành bàn giao, phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho các nạn nhân.

Đến nay, Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 16 đối tượng trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh tại 32 tỉnh, thành phố trong cả nước; tiếp tục điều tra, làm rõ về hành vi "Mua bán người dưới 16 tuổi" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Nhóm đối tượng mua bán trẻ em có thể phải chịu trách nhiệm hình sự

Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh cho biết, hành vi mua bán người, đặc biệt là trẻ em, trẻ sơ sinh là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, xã hội lên án gay gắt và được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.  

Điều 151 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội mua bán người dưới 16 tuổi, với khung hình phạt thấp nhất là 7 năm tù, cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Luật sư Hoàng Anh Sơn cũng cho biết thêm, ngoài ra, các đối tượng còn bị khởi tố về tội "Tội làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức", tội này được quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, với khung hình phạt thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 5 năm tù. 

Đối với các đối tượng có hành vi "Mua bán người dưới 16 tuổi" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" có thể sẽ phải chịu hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem