Phạm Xuân Nguyên
Thứ sáu, ngày 11/06/2021 17:25 PM (GMT+7)
Chào bạn, chúng ta lại gặp nhau trong mục góc nhìn của tôi khi mùa Euro 2020 được khai mạc hôm nay như chúng ta đã từng bên nhau ở Euro 2012 và World Cup 2014. Đây là bài đầu tiên tôi gửi tới các bạn.
Kỳ Euro 2020 này là một kỳ đặc biệt. Nói là đặc biệt vì con Covid 19 đã gây thành đại dịch trên toàn thế giới suốt hai năm qua khiến mọi mặt cuộc sống của con người bị đảo lộn ghê gớm, trong đó có thể thao. Trong thể thao thì nhất là bóng đá. Vì sao? Bởi vì đóng đá là trò chơi quy tụ đông người nhất trong một không gian hùng vĩ nhất. Vậy mà suốt một thời gian dài vừa qua các sân cỏ thế giới vắng tanh vì để tránh dịch bệnh không trận đấu nào diễn ra. Đến khi các giải đấu trở lại thì trên sân chỉ có các cầu thủ đá với nhau trong một không gian trống vắng mênh mông không có khán giả. Ôi cái cảnh tượng một trận đấu bóng đá với những khán đài không một bóng người, không có tiếng hò la náo động, không có sự cộng cảm vui buồn giữa người đá và người xem nó mới thê lương, thảm thiết, buồn bã đến nhường nào. Chính vì thế nên những giải thể thao lớn như Thế vận hội Tokyo 2020, Giải vô địch bóng đá châu Âu Euro 2020 đã phải chuyển sang năm 2021 với hy vọng đại dịch suy yếu, các vận động viên và cổ động viên có thể đến sân chung bầu không khí náo nức, phấn khích của những trò chơi thể chất mang tính đối kháng cao. Đó là điều đặc biệt thứ nhất.
Năm 2021 đã bước vào nửa sau. Châu Âu tình hình dịch bệnh đã có phần giảm bớt nhờ tiêm chủng vaccine cho cộng đồng. Thế nên UEFA Euro 2020 theo kế hoạch sẽ được diễn ra. Thời gian thực tế là năm 2021 nhưng niên đại của giải vô địch bóng đá châu Âu vẫn tính là năm 2020 cho liên tục truyền thống. Theo thứ tự thì giải lần này là lần thứ 16. Nhưng đây sẽ là một giải đấu mà các khán đài chỉ lấp đầy non nửa, mà khán giả vào sân phải khử khuẩn và đeo khẩu trang suốt thời gian vào ra sân vận động. Đó là điều đặc biệt thứ hai.
Điều đặc biệt thứ ba đây là lần đầu tiên giải được tổ chức tại 11 thành phố ở 11 quốc gia châu Âu: London (Anh), Roma (Italia), Munich (Đức), Bacu (Azerbajan), Saint Petersburg (Nga), Budapest (Hungary), Sevilla (Tây Ban Nha), Bucharest (Rumani), Amsterdam (Hà Lan), Glasgow (Scotland), Copenhagen (Đan Mạch). Trước đây giải chỉ tổ chức ở một quốc gia. Từ năm 2000 lần đầu tiên giải được tổ chức ở hai quốc gia (Euro 11 ở Bỉ và Hà Lan). Tiếp đó năm 2008 Euro13 diễn ra ở Áo và Thụy Sĩ, năm 2012 Euro14 ở Ba Lan và Ucraina. Việc mở rộng các địa điểm thi đấu như vậy là một cách UEFA đưa bóng đá đến gần hơn với người dân trên khắp châu lục trong dịp kỷ niệm 60 năm giải đấu này lần đầu tiên được tổ chức (ý định ban đầu từ năm ngoái). Mười sáu đội tuyển quốc gia được chia thành 4 bảng sẽ tranh tài với nhau từ 11/6 đến 11/7/2021. Trận chung kết sẽ diễn ra ở sân Vận động Wembley (London, Anh). Đây cũng là giải đấu mà công nghệ VAR (Video Assistant Referee – Trọng tài video) lần đầu tiên được áp dụng.
Một điều đặc biệt nữa của Euro 2020 là cho đến sát giờ khai mạc nhiều đội tuyển vẫn lo có cầu thủ bị dương tính với Covid19 nên ban huấn luyện phải chuẩn bị sẵn phương án dự phòng, thậm chí trong trường hợp xấu có thể thay cả đội. Chắc trường hợp này khó xảy ra, nhưng thi đấu trong tâm trạng phấp phỏng đề phòng như vậy cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến khả năng và kết quả của từng trận đấu.
Chung lại các điều đặc biệt trên thì Euro 2020 này là đặc biệt nhất: giải đấu lớn cấp châu lục diễn ra trong hoàn cảnh đại dịch. Sau một năm tạm hoãn giờ đây cả cầu thủ và người xem đang nóng lòng hồi hộp chờ trái bóng lăn bắt đầu từ trận khai mạc giữa hai đội Thổ Nhĩ Kỳ và Italia trên sân vận động Olimpico (Roma - Italia) rạng sáng 12/6/2021 (giờ Việt Nam). Bóng đá trở lại trong những ngày này không chỉ là một cuộc chơi thể thao như thường lệ. Đó còn là sự khẳng định sức mạnh và ý chí của con người chiến thắng đại dịch, là niềm tin vào sức sống mãnh liệt của con người. Cả thế giới sẽ dõi theo trái bóng tròn trên 11 sân cỏ châu Âu trong một tháng để được tiếp thêm niềm vui và nghị lực chống chọi và đẩy lùi dịch bệnh Covid 19.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.