Góp ý dự thảo Điều lệ Hội NDVN: Nhất trí việc gọi Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội

Nhóm PV Thứ ba, ngày 26/12/2023 13:30 PM (GMT+7)
Trong khuôn khổ ngày làm việc thứ nhất, ngày 25/12 của Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến vào các văn kiện của Đại hội, trong đó có Dự thảo Điều lệ Hội NDVN sửa đổi.
Bình luận 0

Trình bày Dự thảo Điều lệ Hội NDVN sửa đổi trước phiên họp toàn thể, Phó Chủ tịch BCH TƯ Hội NDVN Đinh Khắc Đính cho biết, Điều lệ Hội NDVN khóa VII cơ bản vẫn phù hợp với tình hình hiện nay; tuy nhiên việc thực hiện một số quy định cụ thể của Điều lệ Hội khóa VII trong nhiệm kỳ có một số điểm cần được sửa đổi, bổ sung cho khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn và tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hội NDVN là tổ chức chính trị-xã hội

Phó Chủ tịch Đinh Khắc Đính nêu rõ những nội dung đề xuất sửa đổi quan trọng, cơ bản của Điều lệ. Theo đó, khái niệm Hội NDVN: sửa đổi thay cụm từ "đoàn thể chính trị - xã hội" bằng cụm từ "tổ chức chính trị - xã hội" để thống nhất khái niệm theo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và trong các văn bản của Đảng, Nhà nước.

Bổ sung nội dung theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, trong phần "mục đích của Hội" như sau: "Mục đích của Hội là tập hợp đoàn kết nông dân, xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng là lực lượng tin cậy trong khối liên minh vững chắc công, nông, trí, là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới."

Tiếp thu khái niệm "nông dân, cư dân nông thôn Việt Nam" theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, để khái niệm hội viên Hội NDVN không bị bó hẹp trong bối cảnh mở rộng và thu hút các đối tượng tham gia tổ chức Hội, đa số các ý kiến đều nhất trí với nội dung sửa đổi, bổ sung khái niệm này như sau:

"Hội viên Hội NDVN là nông dân và cư dân nông thôn Việt Nam, cư trú trên địa bàn dân cư có tổ chức Hội ND, từ 18 tuổi trở lên, tán thành Điều lệ Hội và tự nguyện tham gia tổ chức Hội; có tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc; chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước; nhiệt tình tham gia các phong trào của Hội; gắn bó mật thiết với nông dân, nông nghiệp, nông thôn…

Một trong những nội dung mới của Dự thảo Điều lệ Hội NDVN là đưa ra khái niệm: Hội viên danh dự.

Về quy định chia các chi hội thành tổ hội và chế độ sinh hoạt chi, tổ hội, dự thảo đề xuất với Đại hội sửa đổi, bổ sung điều 13 về Chi hội có phần nội dung như sau:

Chi hội đông hội viên được chia thành các tổ hội (theo địa bàn, đối tượng, nghề nghiệp...). Ban Chấp hành chi hội họp một tháng 1 lần. Chi hội định kỳ tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết. Chi hội không chia thành tổ hội sinh hoạt ba tháng 1 lần, khi cần thiết sinh hoạt bất thường. Chi hội tổ chức đại hội, trường hợp đặc biệt do Ban Thường vụ TƯ Hội NDVN quy định. Nhiệm kỳ của chi hội là 5 năm 1 lần…

Thảo luận sâu về hội viên danh dự, đại hội chi hội

Dự thảo Điều lệ Hội NDVN sửa đổi là nội dung nhận được nhiều góp ý, nêu ý kiến của các đại biểu tại 10 trung tâm thảo luận trong phiên họp chiều ngày 25/12 của Đại hội.

Góp ý dự thảo Điều lệ Hội NDVN: Nhất trí việc gọi Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội - Ảnh 1.

Góp ý dự thảo Điều lệ Hội NDVN: Nhất trí việc gọi Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội - Ảnh 2.

Góp ý dự thảo Điều lệ Hội NDVN: Nhất trí việc gọi Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội - Ảnh 3.

Góp ý dự thảo Điều lệ Hội NDVN: Nhất trí việc gọi Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội - Ảnh 4.

Một trong những nội dung, dự thảo văn kiện của Đại hội VIII Hội NDVN được nhiều đại biểu sôi nổi thảo luận, cho ý kiến là Dự thảo Điều lệ Hội NDVN (sửa đổi). Nhóm PV ảnh.

Ông Nguyễn Minh Sỹ, đại biểu tỉnh Cà Mau nêu ý kiến: Theo điều lệ, công dân từ 18 tuổi trở lên thì có thể tham gia Hội ND. Vậy đề xuất hạ tuổi tham gia được không, nếu bà con có nhu cầu vì ở nông thôn 16 tuổi là đã làm nông nghiệp rành. 

Ông Dương Hùng Dũng, đại biểu tỉnh Cao Bằng tỏ ý kiến còn băn khoăn với đề xuất: hội viên danh dự. "Chúng tôi hoàn toàn tán thành việc bổ sung hội viên danh dự trong Điều lệ. Tuy nhiên, cần bổ sung vấn đề về sinh hoạt đối với các hội viên danh dự như thế nào, cần nói rõ hơn trong Điều lệ…", ông Dũng nêu.

Cho ý kiến về vấn đề tổ chức Đại hội chi hội, nhiều đại biểu ở Trung tâm thảo luận số 8 cùng chung ý kiến: việc tổ chức Đại hội rất vất vả. 

Ông Lường Thế Quynh, đại biểu tỉnh Sơn La cho hay: Với một địa bàn nhiều chia cắt như miền núi, việc tổ chức Đại hội chi hội rất khó thực hiện. Chưa kể việc sinh hoạt chi hội thực tế nhiều nơi chưa thống nhất, và còn cồng kềnh. Liệu có thể xem xét đưa ra quy định sinh hoạt chi hội nên gọn nhẹ, 3 tháng/lần?".

Cùng chung quan điểm, ông Hồ Gấm, đại biểu Đắk Nông cho rằng: Đại hội chi hội cực kỳ vất vả. "Việc này liệu có giống như một số chỉ tiêu của nhiệm kỳ VII, khi chúng ta đề ra nhưng không thực hiện được, dễ trở thành bất cập, hạn chế của nhiệm kỳ…", ông Gấm bày tỏ.

Ông Hồ Gấm cũng kiến nghị việc thành lập Ủy ban Kiểm tra trong tổ chức Hội chỉ nên dừng lại ở cấp tỉnh, bởi triển khai xuống cấp thấp hơn rất khó thực hiện do thiếu người, thiếu chi phí, thiếu thời gian.

Vẫn về Điều lệ, ông Dương Trí Thức, đại biểu Hà Tĩnh nêu băn khoăn việc ban cháp hành chi hội phải 3 người, trong khi phụ cấp chi hội chỉ 300-360.000 đồng nên nhiều nơi chỉ để 1 thôi, Như tỉnh Hà Tĩnh kiếm thêm người thứ 3 là khó…"…

Tất cả các ý kiến thảo luận, ý kiến đóng góp của đại biểu vào các dự thảo văn kiện của Đại hội VIII Hội NDVN sẽ được tổng hợp, phân tích gửi tới Đại hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem