Trước đây tôi làm nhân viên cho một công ty tổ chức sự kiện tại Hà Nội, thường xuyên được sếp rủ đi công tác cùng. Những lần như vậy sếp thường xuyên rủ tôi đi chơi cá nhân khiến tôi rất mệt mỏi, khó chịu. Mặc dù tôi đã từ chối nhiều lần, nhưng sếp vẫn đeo bám, kết quả tôi phải tự nguyện xin nghỉ việc. Chuyển sang nơi làm việc mới, tôi cũng thường xuyên bị QRTD. Các đồng nghiệp nam ở phòng tôi thường xuyên xem tranh ảnh gợi dục, rồi soi mói các chị em làm tôi không tập trung làm việc được. Chính vì vậy, tôi rất mong công ty đưa Bộ quy tắc ứng xử về QRTD nơi làm việc vào nội quy.
Chị Nguyễn Thu Loan (Hải Châu, Đà Nẵng)
Hành vi QRTD tại nơi làm việc xảy ra rất nhiều, nhưng khó xử lý những người có hành vi đó (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
Theo tôi, Bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc cần định nghĩa cụ thể về nơi làm việc, mở rộng đối tượng phạm vi áp dụng. Cụ thể, bộ quy tắc mới chỉ quy định hành vi QRTD ở đối tượng giới nam và giới nữ, vậy còn đồng giới thì sao? Ngoài ra, tôi cũng đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng quy tắc ra cả những nơi công cộng như sự kiện ngoài trời, trên xe bus… cũng là nơi thường xảy ra các hành vi QRTD.
Bà Lê Quỳnh Lan -Quản lý Plan vùng Hà Nội (Tổ chức Plan tại Việt Nam)
l Hành vi QRTD tại nơi làm việc rõ ràng là có, thậm chí có rất nhiều, nhưng lại khó xử lý. Bởi hành vi QRTD chưa đến mức xử hình sự nên các nhà quản lý cũng chưa đưa ra được tiêu chí cụ thể để xử phạt. Hiện nay, chúng tôi đang chủ trì sửa đổi Nghị định 95 về xử lý hành chính trong lĩnh vực lao động việc làm, cũng muốn đưa vào một số hành vi QRTD để xử phạt hành chính nhưng chưa có đủ căn cứ xử lý như thiếu cán bộ thanh tra, là lĩnh vực nhạy cảm… Vì thế chỉ có thể công bố bộ quy tắc và khuyến nghị các doanh nghiệp, chủ sử dụng đưa bộ quy tắc vào nội quy làm việc tại đơn vị mà thôi.
Hà Đình Bốn – Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ LĐTBXH)
l Các quy tắc đưa ra theo tôi không thể áp dụng được trong thực tiễn, bởi lẽ: Ai có thể theo dõi, phát hiện, rồi đứng ra làm chứng những hành vi QRTD như trong Bộ quy tắc đã nêu? Mà giả sử phát hiện hoặc có chứng cứ rõ ràng rằng một người có hành vi “nhận xét về trang phục, cơ thể của người khác” thì cũng chẳng thể quy kết, xử lý được họ. Việc nhận xét đó là quyền cá nhân của con người, ai cấm được, chẳng có quy định nào của pháp luật xử lý việc này. Do đó một quy định mà không có tính khả thi thì tốt nhất là không nên đưa ra.
Võ Hoàng Trung (Hàn Thuyên, TP.Nam Định)
l Những người làm ra Bộ quy tắc ứng xử QRTD tại nơi làm việc có ý tốt là mong muốn ngăn chặn nạn QRTD. Nhưng tôi không hiểu họ nghĩ thế nào mà lại công bố bộ quy tắc này, khi mà hàng loạt vấn đề nêu ra rất mơ hồ. Đơn cử như trong các hình thức QRTD mà bộ quy tắc nêu ra có “biểu hiện không đứng đắn, cái nhìn gợi tình…”. Thế nào là “không đứng đắn”? “nhìn gợi tình”? Anh bảo “không đứng đắn” nhưng tôi bảo “đứng đắn”, Bao Công sống dậy cũng không xử được.
Trần Xuân Trường (Mường La, Sơn La)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.