GS Trương Nguyện Thành "cứu vớt" nam sinh lượm ve chai, khiến người mẹ phải rưng rưng

Tào Nga Thứ bảy, ngày 10/04/2021 13:05 PM (GMT+7)
Cùng có hoàn cảnh tương tự nhau nhưng mỗi người lại chọn cho mình cách làm thêm khác nhau. Sau khi nói chuyện với GS Trương Nguyện Thành, 1 sinh viên đã phải vỡ lẽ vì mình đã chọn sai.
Bình luận 0

GS Trương Nguyện Thành có gần 40 năm tu nghiệp, nghiên cứu và giảng dạy ở Mỹ. Ông là tiến sĩ khoa học ngành Hóa và tính toán, Đại học Minnesota, Mỹ, tiến sĩ ngành Mô phỏng cơ cấu sinh lý và trở thành giáo sư chính môn Hóa lượng tử tại Đại học Utah, Mỹ vào năm 1992.

GS Thành từng là Phó hiệu trưởng trường Đại học Văn Lang, Đại học Hoa Sen tại TP.HCM. Ông nổi tiếng trên MXH với hình ảnh mặc quần soóc ca-rô, áo thun đứng giảng bài và qua các bài chia sẻ về tư tưởng giáo dục mới, lời khuyên bổ ích cho sinh viên trước ngưỡng cửa tương lai. Hiện tại ông là GS tại trường Đại học Utah.

GS Trương Nguyện Thành và chuyện đáng đọc về 2 sinh viên kiếm tiền bằng 2 cách khác nhau  - Ảnh 1.

GS Trương Nguyện Thành.

Mới đây, trên trang cá nhân của mình, GS Trương Nguyện Thành đã chia sẻ bài viết về "Giới hạn của cha mẹ khi định hướng cho con". Cùng có hoàn cảnh tương tự nhau nhưng mỗi người lại chọn cho mình cách làm thêm khác nhau. Câu chuyện như sau:

"Cũng khoản thời gian này vào năm 2017, một bài báo đã đăng bài về hoàn cảnh sống của một học sinh lớp 12 tên Huy (tên đã thay đổi để bảo vệ quyền riêng tư của bạn ấy). Huy và mẹ sống trong một căn phòng nhỏ chật hẹp từ khi Huy còn rất nhỏ. Tuy mẹ lượm ve chai để lo cho cuộc sống của hai mẹ con từ nhiều năm, nhưng Huy học khá giỏi. 

Lúc bấy giờ tôi đang là Hiệu Phó điều hành của Đại học Hoa Sen. Sau khi đọc bài báo, tôi gọi cô Bích Thủy, phòng truyền thông liên hệ với báo để có thể liên hệ với mẹ con Huy và đến thăm nhà để xác nhận thông tin. Sau đó tôi mời hai mẹ con đến văn phòng tôi và hôm đó tôi quyết định đặc cách cấp cho Huy một xuất học bổng toàn phần từ Chương trình Tinh Hoa. Sau khi ra trường THPT, Huy vào ĐH Hoa Sen học ngành ngôn ngữ Anh.

Bốn năm sau, cũng tháng 4, năm 2021, tôi có dịp đi bộ với Huy chiều thứ sáu tuần vừa rồi. Huy giờ đã là sinh viên năm 4 sắp ra trường. Tôi bắt đầu câu chuyện: Cuộc sống của hai mẹ con lúc này thế nào rồi?

Huy đáp: Dạ, mẹ và em đã dời qua một nơi mới để sống. Tiền mướn phòng đắt hơn nhưng cuộc sống cũng tốt hơn tí nhờ em có đi dạy tiếng Anh thêm ở trung tâm cũng như dạy kèm gia sư.

Tôi tiếp: Thế việc học của em thế nào?

Huy: Em đang học học kỳ cuối và sắp ra trường. Em cũng có việc làm là dạy tiếng Anh ở một trung tâm nhỏ...

Bỗng nhiên Huy dừng lại một hơi, trầm ngâm rồi nói "Học kỳ trước em bị rớt mấy môn học chuyên ngành".

Tôi nhìn Huy ngạc nhiên: Ủa, tiếng Anh đối với em thường không khó... thế sao em lại rớt môn?

Huy: Dạ, em không có thời gian để học bài, theo không kịp với lớp, nên em bỏ luôn.

Tôi ngạc nhiên và thắc mắc: Em không có thời gian để học? Thế lịch sinh hoạt hàng ngày của em như thế nào?

Huy: Dạ, trong tuần thì sáng em thường có lớp. Đến trưa thì em thường chịu hết nổi rồi và phải ngủ. Đến chiều thì em đi dạy trung tâm hay gia sư, nếu có thời gian thì học bài một tí. Sau đó em đi lượm ve chai với mẹ đến 3 giờ sáng. Khi về đến nhà thì em học bài tí rồi chuẩn bị đi học.

GS Trương Nguyện Thành và chuyện đáng đọc về 2 sinh viên kiếm tiền bằng 2 cách khác nhau  - Ảnh 2.

"Trong tay Huy đang cầm một cái cần câu và một con cá nhỏ. Muốn câu cá lớn thì phải dùng cá nhỏ làm mồi. Nhưng nếu không dùng cá nhỏ làm mồi thì làm sao Huy có thể bắt con cá lớn" - GS Trương Nguyện Thành (Ảnh minh họa)

Tôi khá bị sốc khi biết lịch sinh hoạt của Huy và hỏi một loạt câu hỏi: Em đi dạy thêm rồi em còn đi lượm ve chai? Tại sao thế? Một giờ em dạy thêm tiếng Anh em được trả bao nhiêu tiền và một đêm đi lượm ve chai em kiếm được bao nhiêu tiền? Em có biết tính hơn thiệt như thế nào không? Em có biết cuộc đời em là một chuỗi sự lựa chọn và em phải trả cái giá cho những lựa chọn đó không?

Huy: Dạ, em hiểu chứ. Mỗi đêm em lượm ve chai kiếm cao nhất là 200.000 đồng. Còn dạy thêm vì em chưa có bằng đại học nên trung bình khoảng 100.000 đồng/giờ. Nếu có bằng đại học thì thu nhập cao hơn và có thạc sĩ thì đến khoảng 200.000 đồng/giờ. Em dự định sẽ học lên thạc sĩ.

Tôi hỏi: Đại học mà em còn rớt môn thì em nghĩ rằng em học lên được sao? Em có biết là nếu em đi dạy thêm 2 giờ mỗi ngày thì em có thể bù lại 8 giờ hàng đêm đi lượm ve chai và như thế em có 6 giờ để ngủ. Em có tính như thế chưa?

Duy: Dạ, em hiểu và có giải thích với mẹ. Nhưng mẹ nghĩ vì tính ổn định trong thu nhập của việc lượm ve chai nên muốn em vẫn đi lượm. Em có nói nhưng cuộc sống chỉ có hai mẹ con, em không muốn cãi lời mẹ.

Tôi ngậm ngùi: Tuần sau em đưa mẹ đến nói chuyện với thầy.

Hôm qua tôi ngồi nói chuyện với mẹ Huy. Tôi giải thích cho mẹ Huy về việc để Huy đi lượm ve chai hàng đêm sẽ đánh mất biết bao nhiêu cơ hội phát triển tương lai cho Huy, nào là Huy phải ngủ vào buổi chiều lúc mà Huy có thể đi thực tập học hỏi thêm kinh nghiệm ở công ty, dạy thêm... Nào là chỉ cần dạy thêm 2 giờ cũng bù lại thu nhập từ việc lượm ve chai hàng đêm, rồi đến cơ hội học hỏi cách giao tiếp, cư xử từ việc đi làm ở môi trường công việc chuyên nghiệp đến thu nhập từ lao động trí tuệ so với lao động tay chân... 

Tôi cố gắng thuyết phục bằng nhiều cách nhìn nhiều yếu tố. Sau gần 45 phút thì mẹ Huy nói "Cảm ơn thầy đã giải thích rõ hơn về những cân nhắc. Tôi nghĩ tôi sẽ cho Huy đi lượm ve chai về sớm hơn để có thời gian ngủ...".

Tôi như muốn đập đầu mình vào tường đấy... Tôi đoán trước điều này có thể xảy ra vì "Người ta không biết điều mình không biết. Chỉ hiểu điều mình có thể hiểu và thấy điều mình thấy".

Tôi không trách mẹ Huy vì mẹ Huy sống mấy chục năm nay, cuộc sống chỉ về đêm đi lượm ve chai và chưa hề biết môi trường công việc nào khác hơn cũng như cơ hội và yêu cầu của nó. Do đó, đối với mẹ Huy thì việc lượm ve chai là ổn định thu nhập nên làm gì thì làm cũng phải đi lượm ve chai.

Vì đoán trước nên tôi đã chuẩn bị một cách thuyết phục khác hơn. Tôi có nói một sinh viên khác trong chương trình Tinh Hoa cũng học ngành Ngôn ngữ Anh và biết Huy đến gặp tôi lúc đó. 

Tôi giới thiệu với mẹ Huy: "Đây là bạn học của Huy, học cùng chuyên ngành, cùng năm, và có cùng học bổng. Cô là người dân tộc Tày, sống ở miền sâu miền xa, hoàn cảnh gia đình không mấy tốt hơn gia đình chị. Cô vào Sài gòn học phải tự lo bươn chải cho cuộc sống như đi dạy thêm như Huy. Cô ấy cũng sắp ra trường đại học như Huy. Học lực cũng khá như Huy. Nói chung về mọi mặt thì cô ấy khá giống Huy. Chỉ có một cái khác đó là cô chuẩn bị mở công ty vì thời gian rảnh cô học hỏi khởi nghiệp và trong một hai năm nữa cô sẽ vượt xa Huy nếu Huy cứ hàng đêm chỉ lo đi lượm ve chai.

Bấy giờ mẹ Huy bắt đầu dao động. Tôi tiếp: "Trong tay Huy đang cầm một cái cần câu và một con cá nhỏ. Muốn câu cá lớn thì phải dùng cá nhỏ làm mồi. Nhưng chị sợ mất con cá nhỏ vì nghĩ rằng dù sao mình có con cá nhỏ còn hơn không. Nhưng nếu không dùng cá nhỏ làm mồi thì làm sao Huy có thể bắt con cá lớn. Muốn có cá lớn thì phải bỏ con cá nhỏ chị ạ".

Tôi ngó sang cô sinh viên người Tày rồi tiếp: "Sự khác biệt giữa cô này và Huy và lý do tại sao tương lai của cô ấy sẽ sáng rạng hơn so với Huy là ở chỗ cô ấy hoàn toàn có khả năng quyết định mình làm gì trong thời gian này, còn với Huy thì còn hạn chế bởi Huy phải nghe lời mẹ".

Mẹ Huy lúc bấy giờ rưng rưng nước mắt: "Cảm ơn thầy. Tôi nghĩ là tôi không nên để Huy đi lượm ve chai nữa và để con đầu tư vào tương lai. Nhờ có thầy mà Huy có được ngày hôm nay và một lần nữa nhờ có thầy mà tôi hiểu hơn về vấn đề".

Hy vọng bốn năm sau, mẹ con Huy sẽ có khác và không còn lượm ve chai để sống nữa.

Qua câu chuyện trên, làm cha mẹ làm sao bạn hiểu được hạn chế trong sự hiểu biết của mình, về xã hội trong tương lai và những thay đổi trong môi trường sống trong tương lai khi "định hướng cho con"? Thật sự chỉ có nhà thông thái mới biết giới hạn của mình còn đa số chúng ta, bạn cũng như tôi đều không biết điều mình không biết".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem