Tiến sĩ tại Mỹ giải đáp tranh cãi về Viện Harvard Yenching
Tiến sĩ Việt tốt nghiệp ở Mỹ giải đáp tranh cãi "Viện Harvard Yenching có liên quan gì đến ĐH Harvard"
Tào Nga
Thứ sáu, ngày 09/04/2021 21:46 PM (GMT+7)
Harvard Yenching Institute (HYI) không phải là một đơn vị do trường ĐH Harvard sở hữu. HYI có thể hiểu là một tổ chức thiện nguyện hoạt động độc lập, có ngân sách độc lập. Vậy HYI làm gì?
Chiều 8/4, cộng đồng mạng tranh cãi chủ đề "nóng bỏng tay" về khái học giả Harvard Yenching Institute (HYI) - Viện Harvard Yên Kinh. Đây là trường có thuộc ĐH Harvard không, nghiên cứu tại HYI có được xem là học tại Harvard hay không?
Liên quan đến vấn đề này, TS Trần Vinh Dự đã lý giải cặn kẽ để mọi người hình dung về Viện Harvard Yên Kinh trên trang cá nhân.
Từng được HYI cấp học bổng
TS Trần Vinh Dự cho biết: "Quay ngược kim đồng hồ lại thời điểm mùa hè năm 2000, cách đây đúng 21 năm. Lúc đó tôi mới 22 tuổi là giảng viên khoa Kinh tế, thuộc Đại học Quốc Gia HN. Thời điểm này tôi đã thi xong TOEFL (607 điểm) và GRE (2.040 điểm), chuẩn bị tìm trường để nộp hồ sơ xin đi học Ph.D. ở Mỹ.
TS Trần Vinh Dự nhận bằng cử nhân Kinh tế và Toán học từ ĐH Quốc gia Hà Nội. Anh học tiến sĩ tại ĐH Texas ở Austin (Mỹ). Hiện anh là Phó tổng giám đốc, lãnh đạo dịch vụ Chiến lược và Giao dịch Tài chính (SaT), Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam.
Nếu ai đã từng có ý định đi du học thì đều biết chi phí đắt thế nào. Lúc đó dĩ nhiên tôi chẳng có xu nào cả. Việc xin đi du học, vì thế, hoàn toàn dựa vào việc kiếm học bổng. Kiếm học bổng thì chủ yếu có hai nguồn, xin đi làm ở trường dưới dạng trợ giảng (TA) hoặc trợ lý nghiên cứu (RA), hoặc xin chỗ nào đó họ cho mình tiền.
Lúc đó, kiếm mãi cũng không ra lựa chọn số 2 nên tôi chỉ dựa vào lựa chọn số 1, tức là xin làm việc trực tiếp những trường tôi nộp hồ sơ. Dĩ nhiên tôi hiểu xin như thế thì cơ hội được các trường này nhận sẽ kém hơn. Nếu có chỗ khác cho tiền sẵn rồi thì sẽ xin học dễ hơn.
Thế nhưng một hôm đi làm thì tôi lại thấy có một thông báo dán trên tường về học bổng đào tạo sau đại học của Harvard Yenching Institute. Nghe thấy học bổng là mắt sáng lòa rồi nên HYI là gì nghiên cứu gấp để nộp thôi. Mà lúc đó, cũng đã chuẩn bị hết mọi thứ, nên nộp hồ sơ cái rụp. Nộp thì nộp vậy thôi chứ cũng không hy vọng lắm.
Thế nhưng mấy tháng sau, tôi nhận được thông tin từ HYI, nói đến ngày này, giờ này, sẽ lên văn phòng Đại học Quốc Gia HN để gặp đại diện của HYI phỏng vấn trực tiếp. Lúc đó là tim đã bắt đầu đập lung tung rồi. May mà khi đó tôi có dịp hàng tuần gặp Giáo sư Ngô Vĩnh Long trò truyện và tôi được Giáo sư dạy bảo nhiều, bao gồm cả chuẩn bị về mặt tinh thần cho các cuộc phỏng vấn kiểu này.
Người phỏng vấn tôi là giám đốc chương trình học bổng của HYI, một người Mỹ da trắng đứng tuổi. Ông ấy phỏng vấn tôi trong khoảng 1 giờ đồng hồ hoặc hơn. Câu chuyện khá lôi cuốn thành ra tôi không có cảm giác đó là một cuộc phỏng vấn. Khi hết giờ, ông ấy bắt tay mình và nói sẽ có kết luận sau mấy tháng.
Tua nhanh thời gian thêm một chút. Đến khoảng đầu tháng 4/2001, lúc này tôi đã nhận được thư của 5 trong số 6 trường tôi nộp hồ sơ. Có 4 trường này đồng ý cho học và cho làm thêm để có tiền, một trường là University of Rochester từ chối. Nhưng 4 trường đồng ý nhận đều là 4 trường tôi không hào hứng lắm. Còn lại mỗi một trường là Universtiy of Texas at Austin. Nhưng thấy họ chưa trả lời mà cũng trễ rồi nên nghĩ khả năng "tạch" cũng cao.
Đúng lúc đó thì tôi lại nhận được một cái thư tay của HYI. Mở ra thấy chữ "congratulation" cái là tôi vứt đó nhảy lên hét ầm ĩ rồi.
Từ chỗ có HYI cấp học bổng, tôi qua sự hỗ trợ của TS. Nguyễn Quốc Toàn (lúc đó đang là nghiên cứu sinh ở NYU) liên hệ với UT-Austin một cách đầy tự tin. Mấy ngày sau, UT-Austin đồng ý luôn.
Thế là tháng 8 năm ấy, tôi khăn gói lên đường. Từ đó đến giờ đã 20 năm, mà cứ nghĩ như mới có 2 năm".
HYI có liên quan gì đến ĐH Harvard?
TS Trần Vinh Dự viết tiếp: "Harvard Yenching Institute – Viện Harvard Yenching có khuôn viên tọa lạc trong trường ĐH Harvard, có Giám đốc đương nhiệm là Giáo sư Elizabeth J. Perry, giáo sư ngành chính trị của Đại Học Harvard. Hội đồng Quản trị của HYI bao gồm 9 thành viên, với 3 người đại diện trường ĐH Harvard, 3 người đại diện của United Board for Christian Higher Education in Asia (Hội đồng vì Giáo dục Sau phổ thông Công Giáo tại châu Á) – một tổ chức phi chính phủ ở New York, và 3 thành viên độc lập có hiểu biết sâu rộng về châu Á.
Harvard Yenching Institute không phải là một đơn vị do trường ĐH Harvard sở hữu. HYI có thể hiểu là một tổ chức thiện nguyện hoạt động độc lập, có ngân sách độc lập. Nhưng HYI là một phần không tách rời của cộng đồng Harvard. Hiểu nôm na, HYI là một dự án độc lập mà Harvard có tham gia với tư cách thành viên sáng lập.
Vậy HYI làm gì?
HYI không phải là một khoa hay là một viện đào tạo. HYI không có cấp bằng gì hết. Trong lịch sử, HYI làm nhiều việc như hỗ trợ thành lập Khoa nghiên cứu về ngôn ngữ và văn minh Á Đông của Đại học Harvard, thành lập thư viện Harvard Yenching Library của Đại học Harvard, thành lập tạp chí nghiên cứu Harvard Journal of Asiatic Studies etc, hỗ trợ trực tiếp cho nhiều trường ĐH ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Harvard Yenching Institute không phải là một đơn vị do trường ĐH Harvard sở hữu. HYI có thể hiểu là một tổ chức thiện nguyện hoạt động độc lập, có ngân sách độc lập. Nhưng HYI là một phần không tách rời của cộng đồng Harvard.
Tuy nhiên từ những năm 1950 trở lại đây thì HYI tập trung chính vào việc tài trợ học bổng cho các nghiên cứu sinh tiến sĩ và các giáo viên trẻ thuộc các trường Đại học hàng đầu ở Đông và Đông Nam Á ra nước ngoài nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn. Tới nay, hơn 1.200 giảng viên và hơn 600 nghiên cứu sinh đã được HYI hỗ trợ, trong đó 400 tiến sĩ và thạc sĩ đã tốt nghiệp dưới sự tài trợ của HYI.
Tôi không rõ chính xác có bao nhiêu trong số 400 này là tiến sĩ. Nhưng tôi là một người trong số đó. Một sản phẩm được đào tạo ra dưới sự chi trả của HYI. Không có HYI thì không có tôi như bây giờ.
Cần nói rõ là với các chương trình tài trợ này, HYI không có đào tạo gì hết mà là đơn vị cấp học bổng/ngân sách. Những người nhận tài trợ sẽ học tập và làm việc tại các cơ sở đào tạo khác nhau. Ví dụ, tôi học và tốt nghiệp từ UT-Austin, nhưng dưới sự tài trợ của HYI. Vì thế, sẽ rất bình thường nếu một người đi theo diện học giả do HYI tài trợ và làm việc trong thời gian này ở Harvard ghi vào hồ sơ là học giả tại Harvard. Bản thân trên website của HYI cũng ghi rất rõ là "chương trình này trao cơ hội cho các giảng viên trẻ trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có 10 tháng nghiên cứu độc lập tại đại học Harvard".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.