GS. Võ Tòng Xuân: Doanh nghiệp chưa tận dụng được các thế mạnh độc đáo của lúa gạo Việt Nam

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 09/01/2024 14:42 PM (GMT+7)
Ngành lúa gạo Việt Nam đang có nhiều lợi thế lớn từ các giống lúa chất lượng cao, và khả năng thích ứng biến đổi khí hậu. Đây là cơ hội để tổ chức lại ngành hàng lúa gạo, và để doanh nghiệp tự tin đưa gạo chất lượng, giá tốt ra thế giới.
Bình luận 0

GS. TS. Võ Tòng Xuân, Chuyên gia nông nghiệp Việt Nam chia sẻ như thế tại Tọa đàm Giải pháp đường dài cho xuất khẩu gạo do Báo Người Lao Động tổ chức tại TP.HCM, ngày 9/1.

Thế mạnh độc đáo của lúa gạo Việt Nam

Năm 2023, lúa gạo Việt Nam đạt thành tích ấn tượng, khi xuất khẩu khoảng 8,29 triệu tấn gạo, đưa về giá trị 4,78 tỷ USD; tăng 16,7% về lượng và tăng 38,4% về giá trị so với năm 2022. Thêm nữa, gạo ST25 của Việt Nam tiếp tục đoạt giải Gạo ngon nhất thế giới.

GS. TS. Võ Tòng Xuân chia sẻ về thế mạnh của lúa gạo Việt Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

GS. TS. Võ Tòng Xuân chia sẻ về thế mạnh của lúa gạo Việt Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo GS. Võ Tòng Xuân, trước đây, thương nhân thế giới phân chia ra 2 loại gạo để thu mua và lưu hành trên thị trường. Một là gạo lúa mùa, có chất lượng thơm, ngon nhưng mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ. Cũng vì thế họ mua của Thái Lan với giá cao. Thứ hai là loại gạo từ các giống lúa ngắn ngày nhưng giá thấp.

Khi Việt Nam có giống lúa chất lượng cao như ST25, thương lái quốc tế sắp xếp gạo này vào nhóm thứ 3, vừa có chất lượng thơm ngon lại có thể sản xuất số lượng lớn.

Giá gạo này nằm ở mức giữa, không cao như gạo Thái, nhưng cao hơn gạo trắng của phần lớn các nước đang sản xuất. "Đó là thế mạnh độc đáo của gạo Việt Nam mà Thái Lan, Ấn Độ không có". GS. Xuân khẳng định.

Thế mạnh thứ 2, vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo ĐBSCL nằm cuối nguồn hệ thống sông Cửu Long. Cùng với hệ thống thủy lợi và chính sách tái cơ cấu nông nghiệp, Việt Nam có thể bố trí các vùng lúa cao sản 3-4 vụ nhờ biết sống chung với biến đổi khí hậu.

Các đối thủ sản xuất gạo của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nhưng Việt Nam đã có giải pháp thích ứng.

Việt Nam đang sở hữu nhiều giống lúa gaojh chất lượng cao. Ảnh: Nguyên Vỹ

Việt Nam đang sở hữu nhiều giống lúa gaojh chất lượng cao. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thêm một cơ hội lớn khác là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải. Đây là cơ hội sắp xếp chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo từ giống, sản xuất, chế biến cho tới làm thương hiệu.

Chưa tận dụng được cơ hội lớn từ ngành hàng lúa gạo Việt Nam

Tuy nhiên, theo GS. Võ Tòng Xuân, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước chưa tận dụng được các cơ hội và thế mạnh này.

Không nước nào có được giống lúa chất lượng như của Việt Nam thì Việt Nam có thể kiểm soát giá. Thế nhưng, Việt Nam chưa đưa ra được mức giá chung do Nhà nước chưa công nhận giống ST25 là giống lúa quốc gia.

"Trong nước chưa có mức giá sàn để có thể làm cơ sở ấn định cho loại gạo thứ 3 này của thế giới", GS. Xuân nói.

Năm 2023, gạo ST25 tiếp tục đoạt giải Gạo ngon nhất thế giới. Ảnh: Nguyên Vỹ

Năm 2023, gạo ST25 tiếp tục đoạt giải Gạo ngon nhất thế giới. Ảnh: Nguyên Vỹ

Phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước không có vùng nguyên liệu. Các doanh nghiệp chủ yếu tìm kiếm, chờ đợi đơn hàng từ các khách hàng quốc tế, sau đó bắt đầu thu mua từ các nguồn khác nhau, trong đó có thương lái.

Thương lái ký hợp đồng với nông dân giá cao trong khi doanh nghiệp lại không thể ký hợp đồng với giá cao như thế. Nhiều doanh nghiệp phải mua theo giá thương lái ấn định.

Nhưng nhiều thương lái đưa ra nhiều mức giá khác nhau. Doanh nghiệp muốn bán hàng được buộc phải chấp nhận bán với mức giá thấp hơn để lấy đơn hàng từ khách hàng quốc tế.

Việc tranh mua tranh bán trong lúc chưa có giá sàn cho gạo Việt Nam đã đưa tới hụt hẫng là doanh nghiệp thì than lỗ hoặc nông dân không có lợi như ý muốn.

Để giải quyết bài toán này, GS. Võ Tòng Xuân khuyến cáo doanh nghiệp nên ký hợp đồng 1 năm hoặc nhiều năm, để có sự chuẩn bị. Từ đó, doanh nghiệp phối hợp chính quyền địa phương tổ chức sản xuất lại trong nước.

Ông Phạm Thái Bình – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cũng cho biết giảm phát thải khí nhà kính làm mục tiêu của thế giới.

Các lợi thế hiện có giúp Việt Nam có nhiều cơ hội tổ chức lại ngành hàng lúa gạo. Ảnh: Nguyên Vỹ

Các lợi thế hiện có giúp Việt Nam có nhiều cơ hội tổ chức lại ngành hàng lúa gạo. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nhưng các hội nghị từ COP21 đến nay là COP28, biến đổi khí hậu vẫn là thách thức lớn. Bối cảnh chung của thế giới đang thiếu gạo. Việt Nam cũng bị biến đổi khí hậu nhưng ít hơn, có thể tăng sản xuất.

Theo ông Bình, đây không chỉ là cơ hội "trời cho" và là cơ hội xuất phát từ sức mạnh nội tại. Giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan không phải do ăn may mà do có sự đầu tư bài bản, dài lâu.

Còn với nhiều ý kiến có lúc, giá lúa gạo tăng giúp nông dân có lợi, còn doanh nghiệp không, ông Bình cho rằng đó chị là cục bộ trong giai đoạn đầu tháng 8. Vì cuối năm 2023, các doanh nghiệp không còn lỗ nữa.

"Giải pháp đường dài chính là cánh đồng lớn, tức liên kết doanh nghiệp và nông dân để đôi bên cùng có lợi", ông Bình chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem