GS Võ Tòng Xuân: Thủy điện Trung Quốc làm hạn chế dòng chảy, buộc phải sử dụng nước thông minh

Khánh Nguyên Chủ nhật, ngày 14/02/2021 10:31 AM (GMT+7)
Theo Ủy hội sông Mekong (MRC), hiện mực nước sông Mekong đang thấp ở mức “đáng lo ngại”, một phần nguyên nhân do hạn chế dòng chảy từ các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn. Theo GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, trong bối cảnh này, Đồng bằng sông Cửu Long cần sử dụng nước thông minh hơn.
Bình luận 0

Mực nước sông Mekong xuống thấp, năm 2020 Thái Lan thiệt hại 30% diện tích lúa

Thưa giáo sư, ngày 12/2, hãng tin Reuters dẫn lời Ủy hội sông Mekong (MRC) cho biết, mực nước sông Mekong đang ở mức đáng lo ngại, một phần vì hạn chế dòng chảy từ các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn. MRC cũng kêu gọi Bắc Kinh chia sẻ tất cả các dữ liệu về dòng chảy. Là người gắn bó với Đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều năm qua, giáo sư có thể cho biết, biến đổi khí hậu và việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong đã tác động đến vùng hạ lưu, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long như thế nào?

- Hiện, tác động của biến đổi khí hậu và quá trình phát triển các đập thủy điện ở thượng nguồn ngày càng hiện hữu, không chỉ ở Đồng bằng sông Cửu Long mà còn ở các nước sử dụng chung dòng Mekong.

Thực tế, nếu so sánh, Thái Lan còn chịu tác động của biến đổi khí hậu và những thay đổi dòng chảy của sông Mekong do quá trình xây dựng các đập thủy điện ở phía thượng nguồn của Trung Quốc còn khắc nghiệt và hiện hữu hơn so với Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ năm 2019, Thái Lan đã ghi nhận những thiệt hại đáng kể ở các vùng sản xuất lúa, trồng mía do xâm nhập mặn lấn sâu.

Năm 2020, Thái Lan thiệt hại tới 30% diện tích lúa, khiến lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, nước này phải hạ mục tiêu xuất khẩu gạo.

GS Võ Tòng Xuân: Thủy điện Trung Quốc làm hạn chế dòng chảy, buộc phải sử dụng nước thông minh - Ảnh 1.

Theo GS Võ Tòng Xuân, mực nước sông Mekong xuống thấp là một thực tế khó cưỡng, do vậy cần có kế hoạch sử dụng nước thông minh ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong khi đó, ở Đồng bằng sông Cửu Long, do thực hiện linh hoạt lịch thời vụ, chủ động xuống giống sớm để né hạn mặn nên chúng ta chỉ bị thiệt hại khoảng 5% diện tích lúa vùng ngọt hóa ven biển, còn diện tích lúa phía trong vẫn phát triển tốt và cho năng suất cao.

Hiện nay, khi MRC cho biết mực nước sông Mekong đang ở mức thấp "đáng lo ngại" thì Đồng bằng sông Cửu Long đã thấy những tác động chưa, thưa giáo sư?

- Theo dự báo, xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 - 2021 không khắc nghiệt như vụ đông xuân 2019 - 2020, năm vượt cả kỷ lục xâm nhập mặn của vụ đông xuân 2015 - 2016. 

Tuy nhiên, hiện nay, do mực nước sông Mekong xuống thấp nên tại ĐBSCL đã thấy có dấu hiệu đường xâm nhập mặn đi vào trong Bến Tre, Sóc Trăng, rất may mắn là hiện tại chưa tác động tiêu cực đến diện tích lúa.

Thực tế, nhiều năm qua, Bộ NNPTNT cũng đã có những chỉ đạo sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và hạn mặn xâm nhập, bước đầu thu được những kết quả khả quan.

Theo đó, Bộ NNPTNT đưa ra khuyến cáo, nông dân tích cực kiểm soát hạn mặn, không nên mở rộng diện tích lúa vụ đông xuân ở những vùng có nguy cơ bị xâm nhập mặn, nhất là ở vùng ven biển.

Điều này sẽ giúp tiết kiệm được nước ngọt ở phía trong để tưới cho lúa thuộc vùng an toàn lương thực. Vùng này dọc theo biên giới Campuchia, một phần của tỉnh Kiên Giang, qua An Giang, Đồng Tháp, Long An...

Nếu không sử dụng nước ngọt cho sản xuất lúa ở vùng có nguy cơ bị xâm nhập mặn thì nước sẽ được giữ lại ở những vùng an toàn cho sản xuất lúa, sẽ giảm thiểu đáng kể thiệt hại do tác động của xâm nhập mặn. 

Sử dụng nước thông minh khi mực nước sông Mekong xuống thấp

Theo giáo sư, mô hình sản xuất nào ở Đồng bằng sông Cửu Long là thích hợp nhất trong bối cảnh xâm nhập mặn ngày càng phức tạp do mực nước sông Mekong liên tục biến đổi do tác động từ phía thủy điện thượng nguồn và biến đổi khí hậu?

- Phải thừa nhận một thực tế, xâm nhập mặn là một thực tế đã và đang diễn ra ngày càng gay gắt do biến đổi khí hậu và tác động từ phía thượng nguồn.

Nếu không có quyền bắt Trung Quốc phải xả nước vì thực tế họ cũng phải lo cho sản xuất và sinh hoạt thì phải biết sử dụng nước ngọt một cách thông minh hơn, giữ ổn định diện tích đất lúa, không mở rộng sản xuất lúa ở những vùng có nguy cơ bị hạn mặn xâm nhập.

Ngoài ra, hiện nay có một số loại phân bón vi sinh hữu cơ có hợp chất khắc chế được natri, nông dân Bến Tre, Trà Vinh đã áp dụng và cho hiệu quả cao. 

Tôi tin, qua thực tế sản xuất, ngành chức năng, chính quyền địa phương và người dân các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tìm ra lời giải cho bài toán hạn mặn. Thắng lợi của vụ đông xuân 2019 - 2020 đã chứng minh điều đó.

Mực nước sông Mekong xuống thấp, kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu dòng chảy

Ngày 12/2, hãng tin Reuters dẫn lời Ủy hội sông Mekong (MRC) cho biết mực nước sông Mekong đang thấp ở mức “đáng lo ngại”, một phần vì hạn chế dòng chảy từ các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn. 

MRC cũng kêu gọi Bắc Kinh chia sẻ tất cả các dữ liệu về dòng chảy.

Theo MRC, sở dĩ tại sao có nhận định mực nước sông Mekong đang ở mức thấp "đáng lo ngại" là do màu nước sông Mekong dọc biên giới Lào và Thái Lan đã chuyển từ màu nâu sang màu xanh lam, màu nước báo hiệu mực nước nông và phù sa thấp, một phần vì hạn chế dòng chảy từ đập Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Mực nước sông Mekong thấp "đáng lo ngại", Đồng bằng sông Cửu Long có bị ảnh hưởng nhiều không? - Ảnh 1.

Mực nước sông Mekong xuống thấp đáng lo ngại. Ảnh: Paritta Wangkiat/AFP FORUM

Không chỉ tác động của thủy điện ở thượng nguồn, theo MRC, lượng mưa thấp cũng góp phần làm giảm mực nước sông Mekong.

Giám đốc Bộ phận Hỗ trợ Kỹ thuật của Ban Thư ký MRC Winai Wongpimool cho biết, những biến động như vậy sẽ ảnh hưởng tới việc di cư của các loài cá, nông nghiệp và giao thông vận tải của gần 70 triệu người với sinh kế và an ninh lương thực phụ thuộc vào dòng sông này.

“Để giúp các quốc gia vùng hạ lưu sông Mekong quản lý các rủi ro một cách hiệu quả, chúng tôi kêu gọi Trung Quốc và chính các nước vùng hạ lưu sông Mekong chia sẻ kế hoạch xả nước với chúng tôi” - ông Wongpimool cho biết.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản bác thông tin trên và nói rằng còn nhiều nguyên nhân khác gây ra tình trạng hạn hán vùng hạ lưu.

Năm ngoái, Trung Quốc đã cam kết chia sẻ dữ liệu từ các con đập với các nước thành viên MRC bao gồm Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Vào tháng 1, Trung Quốc thông báo cho các nước láng giềng về việc chứa nước cho các con đập tới ngày 25-1.

Theo MRC, lượng nước xả của đập Cảnh Hồng là 785 mét khối/giây vào đầu tháng 1 trước khi tăng lên 1400 mét khối/giây vào giữa tháng 1. Đến ngày 11-2, lượng nước xả lại giảm còn 800 mét khối/giây.

Đến nay, Trung Quốc đã xây dựng 11 đập thủy điện lớn trên sông Mekong. Những con đập này không chỉ khiến mực nước ở đây thay đổi thất thường mà còn làm giảm dòng phù sa, giảm luồng cá xuống hạ nguồn và làm mất đi tính đa dạng sinh thái của con sông.

Vào cuối tháng 12/2020, Trung Quốc đã giảm lượng nước xả từ đập Cảnh Hồng trên sông Mekong từ 1.904 m3/giây xuống 1.000 m3/giây, tức giảm đến 47% lưu lượng nước so với bình thường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem