Hà biển là 'chìa khóa' giúp giải đáp bí ẩn về số phận chuyến bay MH370?
Hà biển là 'chìa khóa' giúp giải đáp bí ẩn về số phận chuyến bay MH370?
Thứ sáu, ngày 25/08/2023 18:06 PM (GMT+7)
Các nhà sinh vật học biển cho rằng những con hà biển bám vào các mảnh vỡ của máy bay MH370 có thể là manh mối giúp giải đáp bí ẩn về vụ mất tích của chiếc phi cơ Malaysia Airlines này.
Chiếc Boeing 777-200ER mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines cất cánh từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur ở Malaysia ngày 8/3/2014 (giờ địa phương) để tới Sân bay quốc tế Bắc Kinh (Trung Quốc). Có tổng cộng 239 hành khách và phi hành trên chuyến bay MH370. Nhưng kể từ phút thứ 37 sau khi MH370 khởi hành, trao đổi giữa buồng lái và trạm kiểm soát không lưu đã bị gián đoạn.
Nhà chức trách Malaysia cho biết theo dữ liệu vệ tinh, MH370 đã chệch khỏi đường bay đã định và hướng ra vùng biển phía Nam Ấn Độ Dương. Các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ quy mô lớn đã được triển khai ngay sau đó và các nỗ lực tìm kiếm còn kéo dài trong những năm tiếp theo, song đến nay chưa tìm được một bằng chứng chắc chắn nào. Vụ mất tích của MH370 được xem là một trong những bí ẩn lớn nhất của ngành hàng không hiện đại.
Các nhà sinh vật học biển nhận thấy có nhiều con hà bám vào các mảnh vỡ được cho là của máy bay MH370 dạt vào bờ hòn đảo Reunion ngoài khơi bờ biển châu Phi, 16 tháng sau khi MH370 mất tích trên Ấn Độ Dương.
Tờ Telegrah (Anh) đưa tin, qua nhiên nghiên cứu về những con hà này, các chuyên gia nhận định MH370 có thể đã trôi dạt xa hơn về phía Nam so với những gì các bên tìm kiếm tin tưởng.
Hà và các động vật biển có vỏ khác phát triển vỏ của chúng hàng ngày, tạo ra các lớp bên trong tương tự như các vòng thân cây. Tính chất hóa học của mỗi lớp chịu tác động bởi nhiệt độ nước tại thời điểm lớp vỏ đó được hình thành. Đặc điểm này có thể được sử dụng để xác định vị trí của sinh vật vào bất kỳ thời điểm nào.
Các chuyên gia nhận ra rằng những con hà có thể đóng vai trò như “nhật ký” về nơi các mảnh vỡ MH370 từng hiện diện, thậm chí có thể truy tìm trở lại địa điểm vụ tai nạn ban đầu. Nhưng cho đến nay, họ mới chỉ nghiên cứu được những con hà non bám trên mảnh vỡ. Qua đó, họ nắm được rằng mảnh vỡ máy bay có lẽ nằm ở phía Đông Nam đảo Reunion khoảng 5 tháng trước khi nó trôi dạt vào bờ biển.
Giờ đây, họ hy vọng thu thập được những con hà lớn hơn từ đống các mảnh vỡ để có thể chạy ngược thời gian xa hơn nữa. Giáo sư dự bị Gregor Herbert tại Đại học Nam Florida (Mỹ) phân tích: “Các mảnh vỡ có hà biển bám vào và ngay khi nhìn thấy điều đó, tôi lập tức gửi email cho các nhà điều tra vì tôi biết địa hóa học trên vỏ của chúng có thể cung cấp manh mối về vị trí vụ tai nạn”.
Ông Herbert bổ sung: “Thật đáng buồn, những con hà lớn và già nhất vẫn chưa được cung cấp để nghiên cứu. Nhưng chúng tôi đã chứng minh rằng phương pháp này có thể được áp dụng cho những con hà bám trên mảnh vỡ ngay sau vụ tai nạn để tái tạo lại quãng đường trôi dạt hoàn chỉnh về đến nguồn gốc vụ tai nạn”.
Cuộc tìm kiếm MH370 diễn ra dọc theo hành lang Bắc-Nam được coi là “Vòng cung thứ bảy” của Ấn Độ Dương, nơi các nhà điều tra tin rằng máy bay có thể đã trôi đến sau khi hết nhiên liệu. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới cho thấy máy bay có thể đã trôi dạt xa hơn về phía Nam Ấn Độ Dương, ở vùng nước ấm hơn khoảng 2 độ C.
Các nhà khoa học Pháp, những người đã thực hiện các thử nghiệm ban đầu trên mảnh vỡ MH370, đã báo cáo rằng một số con hà có thể đã bám vào mảnh vỡ ngay sau vụ tai nạn. Nhưng cho đến nay, họ vẫn từ chối chuyển giao vỏ của những con hà để phân tích thêm. Ông Herbert nói: “Không ai có thể thực hiện bất kỳ nghiên cứu nào trên những con hà lớn hơn cho đến khi người Pháp thay đổi quyết định”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.