Hạ cánh, cả đội bay của VNA mới tá hỏa vì "không biết lốp rơi ở đâu"

Thứ ba, ngày 22/10/2013 10:38 AM (GMT+7)
"Sau 4 phút hạ cánh, cài phanh, nhân viên kỹ thuật đóng chèn lốp, mới tả hỏa không thấy một chiếc lốp đi đâu mất. Tất nhiên, hành khách cũng không biết sự việc", cơ trưởng Khánh kể.
Bình luận 0

Câu chuyện hy hữu trong lịch sử hàng không thế giới (lốp rơi khi máy bay đang trên trời) vừa diễn ra với chuyến bay ATR 72 hành trình Hải Phòng-Đà Nẵng chiều 21.10. Lạ lùng nhất khi nghe chuyện từ những người phục vụ trên chuyến bay.

Chiếc ATR 72 mang số hiệu VN 1673 cất cánh bình thường, mang cả thợ máy từ sân bay Đà Nẵng ra Cát Bi (Hải Phòng) như bao lần để đón khách cho chặng bay ngược lại. Theo cơ trưởng Vũ Tiến Khánh (sinh năm 1979, có kinh nghiệm 6 năm lái ATR 72), quy định của ngành, trước chuyến bay, thợ máy kiểm tra nghiêm ngặt các bộ phận và báo cáo mọi thứ "bình thường".

Tiếp đến, cơ phó Trịnh Linh Thơ (sinh năm 1985) kiểm tra bằng mắt thường thêm và cũng báo cáo "bình thường". Cuối cùng, đích thân cơ trưởng Khánh thực hiện trước khi máy bay cất cánh. Mọi thứ đủ điều kiện bay.

Một trong 2 chiếc lốp càng trước (bên trái) của máy bay ATR 72 bị rơi lúc nào (ảnh to). Ảnh: TP.
Một trong 2 chiếc lốp càng trước (bên trái) của máy bay ATR 72 bị rơi lúc nào (ảnh to). Ảnh: TP..

Chuyến bay VN 1673 lúc đó có 41 khách (trong tổng số 68 ghế ngồi). "Tiếp viên trưởng Huỳnh Kim Bảo Ngân (có kinh nghiệm 17 năm) báo cáo khách đã lên đủ và đóng cửa. Tôi xin huấn lệnh nổ máy từ kiểm soát viên không lưu. Rồi máy bay cất cánh nhẹ nhàng", cơ trưởng Khánh nói.

Điều lạ lùng, ngay cả tiếp viên trưởng, tiếp viên phó trên chuyến bay cũng không nhận thấy điều gì khác biệt.

Không giống như các dòng máy bay Airbus hay Boeing, chỉ cần áp suất lốp căng quá hay giảm đi, hệ thống máy tính thông minh sẽ phát cảnh báo. Trường hợp với dòng máy bay ATR 72, không có hệ thống cảnh báo trên. Do đó, khó xác định được một chiếc lốp mũi (trong 2 chiếc nằm sát nhau phía trước máy bay) bị rơi ở đâu, lúc nào.

Cơ trưởng Khánh cho biết, trước khi máy bay hạ cánh sân bay Đà Nẵng, trời lúc đó rất đẹp, chỉ có gió cạnh ngang hơi phức tạp một chút buộc cơ trưởng phải trực tiếp điều khiển (nếu gió đẹp hơn, cơ phó có thể làm việc này-PV). Một pha tiếp đất êm, "đến nỗi, sau này, tôi có hỏi nhân viên kỹ thuật ngồi cùng trong buồng lái là có cảm nhận gì khác không. Anh ấy nói không thấy gì".

Tuy nhiên, lúc hạ cánh xong, khi lăn máy bay vào chỗ đỗ, cơ trưởng Khánh mới cảm giác máy bay di chuyển hơi ì ạch nên phải tăng công suất.

"Sau 4 phút hạ cánh, cài phanh, nhân viên kỹ thuật đóng chèn lốp, mới tả hỏa không thấy một chiếc lốp đi đâu mất. Tất nhiên, hành khách cũng không biết sự việc", cơ trưởng Khánh kể.

Theo đó, trong lịch sử hàng không thế giới ghi nhận đây là một ca hy hữu. Như ở Ấn Độ, cũng chỉ có trường hợp máy bay ATR hạ cánh xuống đường băng, bị gập càng do va phải chó hoặc động vật hoang dã lao vào.

Vậy pha tiếp đất vừa rồi là do may mắn?

"Phi công của VNA mỗi năm được huấn luyện 2 lần và phải thực hiện được cả những tình huống phức tạp. Tôi lo lắng nhất là không biết chiếc lốp kia có rơi vào người nào dưới mặt đất hay không", phi công Khánh nói.

Sau vụ việc trên, những người liên quan phải làm giải trình với cơ quan chức năng.

Tiền phong (Theo Tiền phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem