Hà Giang: Phấn đấu đến 2025 sẽ có 100 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên

An Nhiên Thứ bảy, ngày 23/09/2023 19:00 PM (GMT+7)
Với mục tiêu khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh Hà Giang phấn đầu đến 2025 sẽ có 100 sản phẩm OCOP với 30% chủ thể OCOP là HTX; 20% là Doanh nghiệp vừa và nhỏ; 10% làng nghề có sản phẩm OCOP góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương.
Bình luận 0

Phát huy tiềm năng, lợi thế và truyền thống của địa phương

Xác định Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, UBND tỉnh Hà Giang ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2025.

Theo đó, tỉnh Hà Giang phấn đầu đến 2025 sẽ có 100 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng từ 3 sao trở lên. Ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ, phấn đấu có ít nhất 30% chủ thể OCOP là HTX; 20% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia Chương trình.

Hà Giang phấn đấu đến 2025 sẽ có 100 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên - Ảnh 1.

Chè bà cụ của HTX chè Phìn Hồ, huyện Hoàng Su Phì – sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh Hà Giang

Đồng thời tiếp tục duy trì mỗi huyện, thành phố có 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế.

Ông Nguyễn Quang Trường – Chi cục trưởng, chi cục phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang chia sẻ: Sau 5 năm triển khai chương trình OCOP, đến nay tỉnh Hà Giang đã phân hạng được 278 sản phẩm OCOP, trong đó có 231 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và 45 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã có 2 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp Quốc gia là trà xanh hộp bà cụ 100 gam và hồng trà 100 gam của Hợp tác xã chè Phìn Hồ, huyện Hoàng Su Phì.

Các sản phẩm OCOP của Hà Giang đã phát huy tiềm năng, lợi thế và truyền thống của địa phương để có giá trị cao về kinh tế và văn hóa; phát huy được sức và giá trị cộng đồng trong sản xuất và hình thành các sản phẩm, tạo thành chuỗi liên kết theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng lực sản xuất và phát triển bền vững các sản phẩm hàng hóa.

Cũng theo ông Trường, sản phẩm tham gia chương trình OCOP Hà Giang bao gồm các sản phẩm đặc trưng, chủ lực; các làng, điểm du lịch của tỉnh có giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương; đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa.

Nhiều giải pháp để đưa sản phẩm OCOP Hà Giang lên tầm cao mới

Để hoàn thành mục tiêu, tỉnh Hà Giang đã ra nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ để nâng cao giá trị cho các sản phẩm OCOP như kiện toàn lại hệ thống quản lý, điều hành; tổ chức sản xuất vắn với phát triển vùng nguyên liệu; chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường; Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho các chủ thể OCOP…

Hà Giang phấn đấu đến 2025 sẽ có 100 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên - Ảnh 2.

Sản phẩm OCOP của tỉnh Hà Giang luôn được người tiêu dùng ưa thích.

Đặc biệt, Hà Giang rất chú trọng tới công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên gắn với văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp vùng, địa phương và quốc tế và tăng cường chuyển đổi số trong Chương trình OCOP.

Đồng thời, để nâng cao chất lượng sản phẩm, Hà Giang cũng sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến quy mô nhỏ và vừa, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt sao.

Tăng cường chuyển giao ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin; khoa học xã hội và nhân văn trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa.

Bên cạnh đó, việc phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP cũng là một trong những giải pháp mà tỉnh Hà Giang đặt ra từ nay đến 2025. Trong đó, đẩy mạnh giám sát của cộng đồng về sản phẩm, chất lượng sản phẩm, phát triển vùng nguyên liệu; duy trì sự đặc sắc, nét văn hóa của các sản phẩm địa phương; phát triển vùng sản xuất nguyên liệu, sử dụng lao động địa phương là nhiệm vụ trọng tâm.

Ông Hoàng Gia Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Trong những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực theo hướng hàng hóa. Để phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng hàng hóa thì yếu tố chất lượng phải được được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc của sản phẩm có vai trò quan trọng để giúp sản phẩm có những bước phát triển bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem