Hà Nội cấm xe máy năm 2030: Chuyên gia lo vì thời gian còn quá ít

Thành An Thứ bảy, ngày 24/06/2017 09:25 AM (GMT+7)
Ðưa ra lộ trình cấm xe máy đi trong nội đô vào năm 2030, các cơ quan chức năng của TP.Hà Nội đã “gây bão” trong dư luận. Nhiều chuyên gia đã đưa ra ý kiến trước sự việc này.
Bình luận 0

Hà Nội cấm xe máy từ 2030 là “nóng vội”

Xoay quanh lộ trình cấm xe máy đi vào nội đô, nhiều chuyên gia và người dân bày tỏ ý kiến băn khoăn. Một số chuyên gia đặt câu hỏi: Ðâu là căn cứ pháp lý để Hà Nội đưa ra lộ trình đến năm 2030 cấm xe máy hoạt động tại khu vực các quận nội thành?

img

Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, đến năm 2030 mạng lưới xe buýt sẽ bao phủ, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân…

Bà Trần Thị Kim Ðăng, Trường Đại học GTVT Hà Nội cho rằng, việc cấm xe máy hoạt động ở khu vực nội đô là cần thiết nhưng sẽ rất khó thực hiện. Theo bà, xét về mặt lý thuyết, cấm xe máy phải có giao thông công cộng thay thế. Tuy nhiên, hiện nay phương tiện công cộng còn hạn chế, các điểm nút giao thông công cộng, nhà chờ xe buýt phân bố rất xa nơi dân ở. Trong khi đó, người dân cũng chưa có thói quen đi bộ với khoảng cách xa.

Ông Ngô Tuấn Anh - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội nhận định, đây là việc quá “nóng vội”. Theo ông, việc dừng hoạt động xe máy tại nội thành không thể gắn với một năm cụ thể mà phải gắn với sự phát triển của giao thông công cộng đến mức nào, gắn với kết quả đạt được về hạ tầng giao thông.

“Gắn với thời hạn 2030 là không có căn cứ”, ông Tuấn nói và đề nghị nội dung cấm xe máy tại nội đô nên xây dựng một đề án riêng để "nghiên cứu thật kỹ càng", trong đó có phải trả lời được câu hỏi “cấm xe máy thì người dân đi phương tiện gì?”.

Chia sẻ về lộ trình dừng hoạt động xe máy tại nội thành Hà Nội vào năm 2030, GS.TS Nguyễn Viết Trung - ĐH Giao thông Vận tải cho rằng, chỉ tiêu đến năm 2030 cấm xe máy là không thể đạt được vì chỉ còn 13 năm nữa, lộ trình này cần phải dài thêm có thể đến năm 2040 và cũng chỉ là hạn chế ở mức nào đó. Ông đưa ra đề xuất thành phố tổ chức dịch vụ xe đạp công cộng cho người có nhà ở cách xa bến xe buýt.

Hà Nội có đủ căn cứ để hạn chế xe máy

img

Hà Nội đang gấp rút xây dựng hạ tầng giao thông công cộng. Trong ảnh: Công trình đường sắt trên cao Ga Hà Nội - Nhổn đang trong quá trình thi công.

Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định, Hà Nội có đầy đủ căn cứ pháp lý để triển khai hạn chế xe máy.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Hà Nội phải có biện pháp quản lý phương tiện giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, HÐND thành phố cũng đã có Nghị quyết 06/2015/NQ-HÐND ban hành ngày 1.12.2015 về chương trình mục tiêu nhằm giảm ùn tắc giao thông đến năm 2020. Dự kiến, trong kỳ họp HÐND thành phố vào tháng 7 tới, Hà Nội sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề về quản lý phương tiện giao thông.

Theo ông Viện, từ nay đến năm 2030, với việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải công cộng khối lượng lớn, như đường sắt đô thị, các tuyến đường BRT, nâng cao chất lượng vận tải khách công cộng, Hà Nội sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực nội thành, cũng như bảo đảm kết nối các tỉnh, thành phố khác, qua đó hạn chế phương tiện cá nhân.

Trước lo ngại lộ trình cấm xe máy hoàn toàn có thể bị phá sản khi thời gian qua hạ tầng giao thông công cộng, đặc biệt là các tuyến đường sắt đô thị liên tục bị chậm tiến độ, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội bày tỏ quan điểm, các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội vẫn đang triển khai theo quy hoạch, một số tuyến có thể chậm hơn so với thời điểm đưa vào nhưng tổng thể đến năm 2030 về cơ bản vẫn đúng theo lộ trình.

Lý giải về việc cấm xe máy, người dân sẽ đi lại bằng gì, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, vận tải khách công cộng trên địa bàn Hà Nội hiện mới đáp ứng được 14 - 15% nhu cầu đi lại của người dân, tuy nhiên, theo quy hoạch, đến năm 2030, loại hình này sẽ đáp ứng được 50-55%, đặc biệt tại khu vực nội thành, mạng lưới xe buýt sẽ bao phủ, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, để tương ứng việc giảm phương tiện giao thông cá nhân…

Trước thông tin Hà Nội chuẩn bị mở thêm nhiều tuyến phố đi bộ để xóa bỏ thói quen đi xe máy, chia sẻ với PV,  ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, đề xuất này là hợp lý và hoàn toàn khả thi.

“Vấn đề hạn chế xe máy và ùn tắc giao thông đã được bàn bạc, thảo luận mấy năm nay rồi nên không có gì là mới mẻ. Điều cần thiết bây giờ là đưa ra được phương án hiệu quả và lộ trình thích hợp. Cái khó khăn lớn nhất bây giờ là việc sử dụng xe máy đã ăn sâu vào ý thức của người dân Việt Nam. Theo cá nhân tôi, phương án mở thêm nhiều tuyến phố đi bộ là hợp lý và có tính khả thi cao” - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem