Hà Nội: Chia sẻ yêu thương tới người già neo đơn, trẻ em mồ côi

Thứ hai, ngày 10/02/2014 21:18 PM (GMT+7)
302 suất quà gồm bột dinh dưỡng, sữa, bánh kẹo và phong bao lì xì 100.000 đồng/người vừa được trao cho người già neo đơn và trẻ em mồ côi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 4 ở xã Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội.
Bình luận 0
Ngày 10.2, đoàn từ thiện của Báo NTNN, Phòng giao dịch Đông Đô, chi nhánh Ngân hàng Quân đội Mỹ Đình và các phật tử chùa Định Quán đã trao 302 suất quà gồm bột dinh dưỡng, sữa, bánh kẹo và phong bao lì xì 100.000 đồng/người cho người già neo đơn và trẻ em mồ côi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 4 ở xã Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội.

Những mảnh đời bất hạnh


Đón chúng tôi ở cổng, ông Nguyễn Văn Bằng, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội số 4 cho biết: “Trung tâm có 2 cơ sở, tính cả 2 cơ sở lúc nào cũng nuôi dưỡng khoảng 350 người già neo đơn, không nơi nương tựa và trên 50 cháu mồ côi. Mỗi người là một mảnh đời, một hoàn cảnh éo le khác nhau, nhưng lại đều có một điểm chung là không nơi nương tựa. Các em được đưa vào đây bị bố mẹ bỏ rơi ngay từ khi lọt lòng do bị sinh non, bị dị tật hay hoàn cảnh khó khăn, không ai nuôi dưỡng. Trung tâm cũng nuôi dưỡng rất nhiều người già, lang thang cơ nhỡ đến từ nội, ngoại thành Hà Nội, thậm chí còn có ở cả các vùng quê khác nhau cũng được đón nhận vào đây”.

img
Các nhà hảo tâm tặng quà cho trẻ em mồ côi ở trung tâm.

Ngồi lọt thỏm trên chiếc xe lăn, ông Bành Thân Toàn, 72 tuổi, vừa húng hắng ho vừa kể chuyện cuộc đời mình. Ông Toàn vào ở trong trung tâm bảo trợ này đã được 11 năm. Trước ông cũng có vợ, nhưng hai vợ chồng ly thân nhau, ông ốm yếu, các con nhà cũng không có điều kiện nên ông ra ngoài đi lang thang, rồi được đưa về trung tâm.

“Các con không đuổi tôi ra khỏi nhà đâu, nhưng nhìn chúng nó vất vả chạy vạy lo miếng ăn hằng ngày, mình lại chẳng làm được gì giúp nên tôi mới bỏ nhà đi. Ra ngoài đường vừa nhặt nhạnh ve chai, vừa sống qua ngày, nhưng đến lúc ốm một trận, liệt cả người, không đi lại được nữa thì tôi được đưa về trung tâm. Giờ ở đây, tôi cả ngày chỉ có nằm trên giường hoặc ngồi xe lăn, chẳng đi lại, sinh hoạt gì được. May được các anh chị cán bộ trong trung tâm quan tâm, giúp đỡ từng tí một, không thì không biết xoay xở thế nào”, ông Toàn tâm sự.

Có thâm niên ở trung tâm lâu nhất là bà Nguyễn Thị Ngọc Kim, ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Bà ở trung tâm cũng ngót nghét 16 năm. Bà có 3 đứa con, 2 đứa con gái đều lấy chồng xa ở Phú Yên, còn con trai út có vợ nhưng nhà khó khăn, bà lại bệnh tật nên không thể chăm sóc bà. Khi còn khỏe, bà lang thang hết khu chợ này tới chợ khác nhặt nhạnh ve chai kiếm sống qua ngày, nhưng những khi lên cơn thần kinh, bà cứ đi như người mất hồn hết nơi này sang nơi khác. Về trung tâm, thỉnh thoảng bà vẫn lên cơn, nhưng được ở chung với nhiều người, được chăm sóc, cơn bệnh của bà thỉnh thoảng mới tái phát.

Đáng thương hơn cả là trường hợp của hai chị em Nguyễn Thị Ngọc và Nguyễn Thị Thủy Tiên. Các em bị bỏ rơi ở gầm cầu Long Biên khi Ngọc mới 3 tuổi và Tiên mới 1 tuổi. Khi đón các em về, trong quá trình xác minh, trung tâm mới biết là mẹ các em đã mất, bố đi tù nên hai em không có nơi nương tựa.

“Khi đưa các em về, đứa nào cũng đã tím tái, khóc không ra nước mắt. Các cán bộ trong trung tâm chăm sóc cả tháng trời, hai em mới lại người và dần dần hòa nhập với cuộc sống ở trong trung tâm. Chúng tôi cũng tự đặt tên cho các em. Đến giờ thì Ngọc đã học lớp 5 và Tiên đã học lớp 3. Các em ngoan ngoãn, xinh xắn, học giỏi lắm”, ông Bằng cho hay.

Chia sẻ yêu thương


Với mỗi phong bì lì xì 100 nghìn cùng với phần quà là bánh kẹo, sữa, bột dinh dưỡng…, đoàn từ thiện đã đến tận từng phòng, trao tận tay đến cho từng cụ già, các cháu mồ côi. Ông Nguyễn Văn Bằng phấn khởi chia sẻ: “Ngân sách của thành phố dành cho cũng chỉ đủ để chi dùng hàng ngày nên mức sống không lấy gì làm dư dả. Thú thực, đôi khi để đảm bảo có một bữa ăn đầy đủ cho mọi người, anh em chúng tôi cũng phải “co kéo” đủ cách thì mới tạm ổn. Có các nhà hảo tâm giúp trung tâm thế này cũng là san sẻ bớt một phần gánh nặng, giúp cho những người có hoàn cảnh không may mắn có cuộc sống đỡ vất vả hơn”.

Bà Vũ Thị Kim Oanh, Trưởng phòng giao dịch Đông Đô, Ngân hàng Quân đội chi nhánh Mỹ Đình xúc động cho biết: “Đầu xuân, các cán bộ, công nhân viên trong ngân hàng đã cùng nhau đóng góp một phần nhỏ để chia sẻ với những người gặp hoàn cảnh không may. Tới đây, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn, đã trao tận tay những món quà tình nghĩa và chúng tôi cảm thấy rất xúc động trước số phận của những mảnh đời bất hạnh. Chúng tôi hy vọng có thể mang tới cho họ một chút ấm áp những ngày đầu xuân năm mới”.

Anh Trần Tuấn Anh, ở Đội Cấn, một phật tử chùa Định Quán cũng đưa cả gia đình đi theo đoàn làm từ thiện đầu năm. “Mỗi lần, chùa Định Quán có chương trình làm từ thiện, gia đình tôi đều rất nhiệt tình tham gia. Lần này, chúng tôi cũng muốn đóng góp một chút tấm lòng của mình, giúp cho những người có hoàn cảnh không may mắn có được một năm mới nhiều niềm vui, không còn cảm thấy tủi thân, tủi phận nữa”.
img Phật tử chùa Đình Quán tram quìa cho các cháu mồ côi.
img Anh chị em phòng giao dịch Đông Đô, chi nhánh Ngân hàng quân đội Mỹ Đình đến tận giường người già cô đón đang bị bệnh thăm hỏi, tặng quà.
img Ngoài suất quà là bột dinh dưỡng, phong bao lì xì, đại diện Báo NTNN tặng thêm tiền cho cháu bé 2 tháng tuổi mồ côi.
img Những người cô đơn được nhận quà và phong bao lì xì.
img Tặng quà cho người khuyết tật.
img Tặng quà cho trẻ em mồ côi.
img Trưởng phòng giao dịch Đông Đô, chi nhánh Ngân hàng Quân đội trao tiền mừng tuổi cho Giám đốc Trung tâm số 4 chuyển cho 110 cụ già cô đơn ở cơ sở số 2.
img Một số nhà hảo tâm chụp ảnh kỷ niệm với những người không nơi nương tựa.
Lê San (Lê San)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem