Từ trước năm 2008, khi Hà Nội chưa được mở rộng, nhiều chuyên gia quy hoạch đã dự báo rằng, chỉ trong vòng 10 năm tới, đô thị Hà Nội sẽ phải đối mặt với tình trạng tắc đường và quá tải cục bộ tại nhiều khu vực. Đặc biệt, với việc quy hoạch dồn nén các khu đô thị “chỉ để ở” phía Tây và Nam Hà Nội, sẽ khiến nhiều tuyến đường xuyên tâm của Thủ đô trở thành những “điểm đen” vào mỗi sáng sớm hay lúc chiều xuống.
Tình trạng ùn tắc giao thông ở nhiều tuyến đường hướng tâm phía Tây Thủ đô đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân.
Và đến nay, khi nhìn lại 10 năm phát triển đô thị hóa mạnh mẽ, Hà Nội đang phải đối mặt với vấn đề ùn tắc giao thông mà còn hàng loạt vấn đề "nóng" khác như: gia tăng dân số, ô nhiễm nguồn nước, ngập úng, quá tải hạ tầng kỹ thuật, thiếu trường học, thiếu không gian công cộng…
Đơn cử như, tình trạng ùn tắc giao thông liên tục xảy ra ở các tuyến đường Tố Hữu – Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Xuân Thủy – Cầu Giấy, đường vành đai 3 đoạn Phạm Hùng – Nguyễn Xiển...
Bên cạnh đó, nhiều khu chung cư trên địa bàn phường Hoàng Liệt, Linh Đàm (Hoàng Mai), Vạn Phúc (Hà Đông), xã An Khánh (Hoài Đức)… đang thiếu trường học, dẫn tới học sinh phải học nhờ, học tạm... Hay, tình trạng ngập úng cũng xảy ra tại các khu đô thị mới ở Hà Nội đang là nỗi lo lớn của các cư dân hiện đại.
Những tòa nhà chung cư cao tầng mọc dày đặc trên tuyến đường Lê Văn Lương.
Điều này một lần nữa minh chứng cho việc nóng vội trong các quy hoạch, thiếu kiểm soát trong thực hiện các quy hoạch, chưa có trách nhiệm trong việc xây dựng và hoàn thiện các hạ tầng xã hội.
Nghị quyết số 16 ngày 31.7.2008 của Chính phủ đưa ra yêu cầu "từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM", nhưng sau 10 năm trôi qua, nhiều nội dung của nghị quyết không được thực hiện, thậm chí còn... trái ngược nếu so với tình hình thực tế. Tình trạng ùn tắc giao thông đã trở nên cấp bách.
|
Để tháo gỡ những hệ lụy trong quản lý quy hoạch, một trong những giải pháp Hà Nội đã và đang nỗ lực là di dời bộ, ngành các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm cùng với bệnh viện, trường học ra khỏi vùng lõi. Tuy nhiên, những khó khăn, trở ngại về đất đai, chuyển đổi công nghệ… khiến kế hoạch luôn chậm.
Đơn cử như, nhiều đơn vị bộ, ngành đã di chuyển đến địa điểm mới, nhưng chưa bàn giao quỹ đất cũ cho thành phố mà sử dụng làm cơ sở 2. Do đó, việc đề xuất bổ sung hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của thành phố chưa thực hiện được.
Hay, việc di dời các cơ sở công nghiệp đã khó nhưng sử dụng đất sau di dời lại còn khó hơn. Bởi trước việc Hà Nội cần nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng hạ tầng, những khu “đất vàng” lại được chủ đầu tư “hô biến” các khu đất này thành trung tâm thương mại kết hợp với nhà ở. Tức là vẫn chưa tránh khỏi cái vòng luẩn quẩn "nhồi" chung cư vào nội thành.
Dự án Thanh Xuân Complex tại Lê Văn Thiêm, quận Thanh Xuân được chuyển đổi từ đất của công ty Cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân.
Ngoài ra, việc Hà Nội thực hiện chủ trương giãn dân khu vực nội đô trong thời gian qua cũng còn hạn chế và chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội về công tác quy hoạch xây dựng đô thị và quản lý quy hoạch xây dựng trong năm 2017, đại biểu Quốc Hội Nguyễn Văn Chiến cho biết, từ lâu chúng ta thực hiện chủ trương giãn dân nội đô để nội đô văn minh sạch đẹp và giải quyết nhiều vấn đề liên quan môi trường ô nhiễm, giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, thực tế hiện nay công việc này chưa có kết quả.
Hiện nay rất nhiều chung cư cao tầng “mọc” lên ở nội đô Hà Nội. Thậm chí các cơ quan chức năng phê duyệt cho chủ đầu tư xây dựng căn hộ diện tích nhỏ rồi bán cho người dân đua nhau vào trong nội đô để ở. “Câu hỏi đặt ra bây giờ chủ trương giãn dân sẽ được giải quyết như nào? Với việc quy hoạch như vậy thì Hà Nội đang gom dân hay giãn dân nội đô”, đại biểu Chiến nêu vấn đề.
Ngõ 102 Trường Chinh (Đống Đa) có 2 dự án chung cư với hàng nghìn căn hộ được đưa vào hoạt động.
Đánh giá về chất lượng quy hoạch Hà Nội, KTS Trần Huy Ánh thẳng thắn cho rằng, quy hoạch của Hà Nội hiện nay luôn luôn bị phá dỡ, luôn luôn bị điều chỉnh theo hướng phục vụ dự án bất động sản.
“Chúng ta đã nhầm lẫn việc phát triển bất động sản và phát triển đô thị. Phát triển bất động sản là bằng mọi con đường, mọi sức ép, mọi phương thức để thay đổi quy hoạch, điều chỉnh chính sách để có được lợi nhuận tốt nhất trong các dự án phát triển. Việc cấp phép xây dựng nhà cao tầng rất đơn giản. Đây là lỗ hổng trong quản lý”, KTS Trần Huy Ánh.
Sau cổ phần hóa, diện tích đất của Công ty CP Dệt Mùa Đông tại 47 Nguyễn Tuân đã hình thành dự án chung cư Goldseason.
Bày tỏ thêm quan điểm của mình, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, trong việc quản lý quy hoạch, chúng ta không thể lấy công cụ hành chính được mà phải lấy công cụ tài chính. “Nếu anh xây dựng nhiều nhà cao tầng thì anh phải chia sẻ những tiện ích đó cho xã hội, hay ngân sách công để dùng cái tài chính đó vào việc xây dựng hạ tầng, làm giàu các khu đô thị thì nó mới cân bằng lợi ích”, KTS Trần Huy Ánh chia sẻ.
Cũng theo KTS Trần Huy Ánh, để hạn chế những thay đổi, phá vỡ trong quy hoạch thì công cụ tài chính phải đủ mạnh. Nếu cứ thỏa thuận miệng với nhau, nâng cao chỉ số thì rất là mơ hồ. Nhà cao tầng tiếp tục mọc lên, lợi nhuận kinh tế nó mạnh hơn bất cứ mệnh lệnh hành chính bây giờ./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.