“Hà Nội có thể cho phép phòng gym, rạp chiếu phim được mở trở lại”

Gia Khiêm Chủ nhật, ngày 24/10/2021 10:02 AM (GMT+7)
Đó là đề xuất của PGS TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khi chia sẻ với PV Dân Việt sáng ngày 24/10. Ông cho rằng, Hà Nội có thể tính đến nới lỏng các hoạt động này, song sẽ phải kèm theo một số điều kiện bắt buộc.
Bình luận 0

Những ngày qua, tại Hà Nội đã xuất hiện một số ca dương tính từ những người từ vùng có dịch trở về. Mặc dù vậy, dịch bệnh tại thủ đô đã cơ bản được kiểm soát. Với tình hình dịch như hiện nay, nhiều người đặt câu hỏi đến bao giờ các dịch vụ tập gym, rạp chiếu phim, quán bar, karaoke… được mở cửa trở lại? 

PGS TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đã có những trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này.

"Hà Nội nên cho phép phòng gym, rạp chiếu phim được mở trở lại" - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho rằng, Hà Nội nên cho phép phòng gym, rạp chiếu phim được mở trở lại. Ảnh: Bộ Y tế

Thưa ông, sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế về việc áp dụng Nghị quyết 128 của Chính phủ, một số tỉnh thành ở vùng xanh bắt đầu cho phép rạp chiếu phim, phòng gym, karaoke, quán bar… mở cửa trở lại. Tuy nhiên, UBND Hà Nội vẫn chưa có thêm động thái nới lỏng các loại hình dịch vụ này dù địa phương đang đáp ứng điều kiện cấp 1 (vùng xanh). Với tình hình dịch như hiện nay, Hà Nội đã nên mở những dịch vụ này chưa?

Với lộ trình mở cửa từng bước, thận trọng, đây là lúc Hà Nội nên cho phép phòng gym, rạp chiếu phim được mở trở lại. Tập gym cũng có nguy cơ khi không gian phòng kín, người tập đào thải nhiều mồ hôi khi vận động, hệ hô hấp làm việc nhiều cũng khiến nguy cơ cao hơn so với các dịch vụ khác nhưng thực tế đây là nhu cầu thiết yếu, giúp người dân nâng cao sức khoẻ. 

"Hà Nội nên cho phép phòng gym, rạp chiếu phim được mở trở lại" - Ảnh 2.

Người dân Hà Nội tập gym hồi tháng 4/2020. Ảnh: Phạm Hưng

Do vậy, nếu được mở cửa trở lại lại cố gắng tạo môi trường thông thoáng, hạn chế dùng điều hòa, dụng cụ, phòng tập phải được khử khuẩn thường xuyên. Bên cạnh đó, thành phố có thể đặt điều kiện người muốn đi tập gym phải được tiêm ít nhất một mũi vaccine.

Thứ 2, theo tôi, dịch vụ chiếu phim nên mở cửa trở lại vì vừa đáp ứng nhu cầu, giải trí vừa có tính chất giáo dục. Tuy nhiên, việc mở hai hoạt động này cũng phải chấp nhận nguy cơ, cần có phương án phòng bệnh như thực hiện nghiêm chỉnh 5K. 

"Hà Nội nên cho phép phòng gym, rạp chiếu phim được mở trở lại" - Ảnh 3.

Rạp chiếu phim trên cả nước rơi vào khó khăn khi dịch bệnh kéo dài. Ảnh: CGV

Rạp phim có thể phải đáp ứng các điều kiện như khử khuẩn toàn bộ rạp sau mỗi ca chiếu, khách phải đeo khẩu trang và có thể giảm công suất phục vụ tối đa xuống còn 50%. Việc khai báo y tế rất cần thiết bởi nếu có ca F0 sẽ truy vết được ngay. Bên cạnh đó cũng nên quy định nhân viên phục vụ cửa hàng, rạp chiếu phim và những người đến đây phải được tiêm 2 mũi vaccine.

Về dịch vụ bar, karaoke, vũ trường tại Hà Nội, tôi cho rằng chưa nên mở vội trong lúc này. Tôi cũng phải thông cảm cho những người kinh doanh những dịch vụ này nhưng thực sự chưa phải thật thiết yếu cho người dân.

Vừa qua, một số tỉnh thành phố mở lại dịch vụ karaoke rất khó quản lý, nhiều người di chuyển từ điểm này sang điểm kia… Đặc biệt những người đi từ vùng có nguy cơ cao, vùng dịch miền nam trong thời gian quy định không được đến những nơi này. Thời gian qua, tại Hà Nội nhiều trường hợp đi từ TP.HCM, Bình Dương… về nguy cơ rất cao nhưng không tự cách ly tại nhà mà đi làm đầu, làm tóc, di chuyển nhiều nơi dẫn đến lây nhiễm cho người khác.

Những ngày vừa qua, tại Hà Nội khi mở cửa bình thường mới đã xuất hiện một số ca từ vùng dịch trở về, đặc biệt có một số ca thứ phát trong cộng đồng. Điều này có đáng lo ngại không, thưa ông?

Tôi đã từng nói rất rõ, dịch bệnh tại Hà Nội vẫn còn nguy cơ rất cao. Khi đã nới lỏng những người từ vùng dịch đặc biệt người từ một số tỉnh miền nam đã nhiễm sâu trong cộng đồng. Họ đi máy bay, tàu hoả, đường bộ… có thể khi xét nghiệm không dương tính nhưng khi về xét nghiệm lại nhiễm Covid-19. Đặc biệt, người dân đi đường bộ rất khó kiểm soát. Phương án quan trọng nhất đó là người dân phải tự phòng bệnh, đảm bảo an toàn cho chính mình và người thân của mình.

Vừa qua chúng ta cũng đã biết, tình hình các ca nhiễm trong cộng đồng tại Hà Nội đã tạm ổn, nhưng những ca xâm nhập từ các tỉnh về thành phố tăng lên. Chính vì vậy, việc bình thường mới phải có phương án linh hoạt, phòng bệnh thì mới làm được. Nếu thành phố buông lỏng dịch bùng lên rất nguy hiểm. Đặc biệt sắp tới những người từ tỉnh ngoài về chưa tiêm vaccine, trẻ em chưa được tiêm phải có phương án cẩn thận.

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề xuất cho học sinh một số quận, huyện đi học trở lại từ ngày 25/10. Tuy nhiên, ngay sau đó đơn vị này đã rút lại đề xuất này. Việc trẻ em được đi học lại rất được phụ huynh quan tâm, theo ông Hà Nội nên có phương án cụ thể nào?

Thời gian vừa qua dịch bệnh kéo dài khiến trẻ em ở nhà quá lâu, trẻ không chỉ khiếm khuyết về kiến thức mà còn bị ảnh hưởng tới phát triển thể chất và tinh thần như dễ bị stress, trầm cảm, nghiện game… Với tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát như hiện nay, theo tôi trẻ nên được đến trường. 

Đồng nghĩa với đó thành phố phải chấp nhận rủi ro. Bởi khi mở lại trường học có thể có rủi ro nhưng ở lớp nào phải kiểm soát lớp đó, không cho các lớp tiếp xúc với nhau. Khi dịch bùng lên cả trường cũng nguy hiểm. Trẻ em ở nhà mà bố mẹ không kiểm soát kỹ cũng có thể lây nhiễm chứ không riêng gì đến trường.

Nhà trường phải phối hợp với ngành y tế và gia đình có biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc trẻ đi học và ở nhà. Nếu gia đình hoặc học sinh nào có biểu hiện ho sốt cần khai báo ngay để y tế có biện pháp kiểm tra để có biện pháp ngăn chặn sớm.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa có hướng dẫn tạm thời cho các hoạt động du lịch, văn hóa, giải trí và thể thao, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ.

Theo đó, hoạt động của thư viện, rạp chiếu phim, địa điểm văn hóa nghệ thuật giảm 50% số lượng khách đối với địa bàn có dịch cấp độ 2 và giảm 70% số lượng khách đối với địa bàn có dịch cấp độ 3. Riêng địa bàn dịch cấp độ 1 có thể hoạt động 100%.

Với hoạt động tập luyện trong nhà như phòng gym, người tham gia phải tiêm ít nhất một mũi vaccine đủ 14 ngày trở lên hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng hoặc có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 theo quy định của sở y tế.

Trong đó, địa bàn có dịch cấp độ 2 phải giảm quy mô phòng tập đến tối đa 70% công suất và cơ sở phải thực hiện vệ sinh sát khuẩn. Địa bàn có dịch cấp độ 3 quy định hạn chế số lượng người tập, công suất sử dụng phòng tập tối đa là 30%.

Theo tổng hợp cấp độ dịch tại các địa phương của Bộ Y tế cập nhật tới sáng 22/10, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã thực hiện đánh giá theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế.

Cụ thể, 26 tỉnh, thành phố đạt cấp 1 (vùng xanh). 37 địa phương còn lại được xếp vào cấp độ 2 (vùng vàng). Trong khi đó, Việt Nam không còn tỉnh, thành phố nào thuộc cấp 3 (vùng cam) hay cấp 4 (vùng đỏ).

Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ có Hà Nội và Hải Phòng được đánh giá đạt cấp độ 1. TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ hiện vẫn thuộc "vùng vàng" (cấp độ 2).

Hôm 15/10, Đà Nẵng là một trong những địa phương có dịch đầu tiên cho phép các rạp chiếu phim được phép mở cửa phục vụ khách trở lại không quá 50% công suất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem