Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Có mặt tại con đường gốm sứ khu vực ngoài chợ Long Biên những ngày qua, dù đang là thời điểm những ngày đầu năm mới 2024 và giáp Tết Nguyên đán, nhưng đập vào mắt phóng viên là hình ảnh của không ít người thiếu ý thức, phớt lờ tấm bảng ghi "Cấm đái bậy" được dựng lên ở đây, mà phóng uế bừa bãi trên con đường này.
Con đường gốm sứ ô nhiễm, nhếch nhác vì rác thải dịp cận Tết. Video: Phạm Thứ
Không những vậy, bức tường gốm sứ khu vực hai bên cổng chợ đều bị cháy đen, hoen ố, bong tróc do người dân đốt rác tự phát. Khu vực vỉa hè ngay dưới chân bức tường bị cháy đen, nào là rác thải nilon cháy dở, nào là vỏ hoa quả, nào là xỉ than tổ ong, gạch đá lổm nhổm,… không khác nào bãi rác.
Thời tiết những ngày qua thường xuyên mưa phùn khiến con đường gốm sứ trở nên nhớt nhát, bốc mùi xú uế và cả mùi khai do đái bậy.
Cách đó không xa, tại gầm cầu đi bộ trên đường Trần Nhật Duật, tình trạng người qua đường "tiện" phóng uế vào con đường gốm sứ thường xuyên diễn ra. Khu vực này không có biển cấm, không nằm ở trước nhà dân và nằm dưới gầm "kín đáo" cầu nên trở thành "điểm vệ sinh" lý tưởng như nhà vệ sinh công cộng.
Mùi khai bốc lên từ bán kính khoảng 10m đã ngửi thấy, gây không ít khó chịu cho người đi bộ trên vỉa hè. Điều đáng nói, khu vực này có nhiều người qua lại, gần điểm dừng xe buýt và đối diện sau Trường Tiểu học Trần Nhật Duật. Nhiều em học sinh chia sẻ đã thấy "quen thuộc" với những hành động xấu, phản cảm này khi đợi phụ huynh tới đón.
Khi biết phóng viên quay lại cảnh mình đang phóng uế bừa bãi, một người thản nhiên đùa rằng: "Em thông cảm, trời mưa quá không tìm được chỗ nào khác. Mà ở đây nhiều người cũng vậy, bình thường mà".
Theo phản ánh từ nhiều người dân, không khó để bắt gặp tình trạng này ở bất cứ đâu tại con đường gốm sứ.
Ông Ngô Vy Công (62 tuổi, Hà Nội), người thường xuyên chạy xe ôm trên đoạn đường này chia sẻ: "Tôi nhìn cũng quen rồi. Nhiều khi họ đang đi đường tiện dừng lại rồi tiểu bậy, không phân biệt đây là công trình văn hóa nghệ thuật hay gì".
Ông Công chia sẻ, tình trạng này không phải mới xảy ra gần đây, thậm chí đã xuất hiện cả chục năm từ khi con đường vẫn còn rất đẹp.
Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: "Công tác duy trì vệ sinh môi trường trên tuyến phố dọc con đường gốm sứ được giao cho Urenco Hoàn Kiếm (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm) tổ chức thu gom vận chuyển rác 2 lượt vào ban ngày và 2 lượt vào ban đêm. Đồng thời, hàng ngày các lực lượng chức năng của quận, phường vẫn thường xuyên tuần ra, phát hiện và xử lý các vi phạm.
Ông Tùng cũng thừa nhận, các hiện tượng tiểu bậy, vứt rác thải, phế liệu xây dựng hay đốt rác tự phát gây ô nhiễm,… thường xảy ra vào ban đêm. Nhưng theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng phóng uế và vứt rác thải xuất hiện cả ngày lẫn đêm, thậm chí diễn ra rất thường xuyên. Nhiều bãi rác phát sinh hay điểm tập kết rác trên tuyến đường này cũng chưa được dọn dẹp kịp thời.
Bởi vậy, con đường gốm sứ trải dài từ đường Trần Khánh Dư tới hết đường Yên Phụ thường xuyên trong tình trạng rác thải tràn lan, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Một số người dân còn lấn chiếm vỉa hè để làm nơi tập kết, cất giữ đồ đạc như thùng xốp, bàn ghế,... hoặc tận dụng vỉa hè làm nơi buôn bán cá nhân. Càng về đêm, các hàng quán sẽ mọc lên càng nhiều, từ quán nước, đồ ăn nhanh như ngô khoai nướng, xôi, bánh mì, xiên bẩn,..., và đây cũng chính là nguyên nhân tạo ra nguồn rác khổng lồ mỗi ngày trên khu vực này.
Ông Tùng cũng cho biết, thời gian tới, UBND quận sẽ chỉ đạo UBND các phường Phúc Tân, Chương Dương tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân giữ gìn vệ sinh môi trường chung, đồng thời tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Tuy nhiên, với một thực trạng đã tồn tại nhiều năm nay ngay giữa trung tâm thủ đô cho thấy, những giải pháp mà chính quyền địa phương đã và đang triển khai chưa hiệu quả. Chúng ta cần có những biện pháp mang tính quyết liệt hơn để con đường gốm sứ được trở lại tác phẩm nghệ thuật vốn có của nó, đồng thời xứng đáng với vị thế Hà Nội là điểm đến tốt nhất thế giới dành cho những người đi du lịch một mình được bình chọn cách đây không lâu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.