Hà Nội cùng TP. HCM đề xuất cơ chế vượt trội làm đường sắt đô thị

Nguyễn Hùng Thứ tư, ngày 17/01/2024 12:00 PM (GMT+7)
Lãnh đạo hai thành phố sẽ cùng đề xuất Trung ương những cơ chế đặc thù, vượt trội cho phát triển đường sắt đô thị.
Bình luận 0

Nội dung được đưa ra tại Hội thảo khoa học Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh kéo dài ba ngày, bắt đầu từ sáng 17/1. Đây là hội thảo có quy mô lớn, với sự tham gia của gần 400 đại biểu, chuyên gia, diễn giả trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh Hà Nội và TP.HCM là hai đô thị đặc biệt, hai đầu tàu kinh tế của cả nước. Cả hai TP giữ vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và an ninh quốc phòng, cũng là hai đô thị có diện tích và dân số lớn nhất cả nước.

Cùng với xu thế phát triển, giao thông công cộng ngày càng có vai trò quan trọng, nhất là đối với các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, hệ thống đường sắt đô thị được coi là trục "xương sống" của mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông.

Hà Nội cùng TP. HCM đề xuất cơ chế vượt trội làm đường sắt đô thị - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại buổi hội thảo. Ảnh: N. Hùng

"Việc đầu tư sớm, vận hành hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị sẽ nâng cao tỷ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, từ đó đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông..." – Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.

Ông Thanh cũng cho hay, những năm qua cả Hà Nội và TP.HCM đã và đang dành nguồn lực để đầu tư xây dựng các dự án đường sắt đô thị. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó, cũng cần tìm hiểu, học tập những kinh nghiệm, phương thức mới, "đột phá" nhằm triển khai đồng bộ và sớm hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị, đáp ứng sự nhu cầu và mong mỏi của người dân hai TP.

Theo Chủ tịch Hà Nội từ những lý do trên, hai thành phố đồng tổ chức hội thảo phát triển hệ thống đường sắt độ thị nhằm hướng đến 3 mục tiêu: Trao đổi, nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế từ các nước có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông công cộng phát triển, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị; Tổng hợp các kinh nghiệm trong nước và quốc tế để nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); quy hoạch xây dựng, chỉnh trang đô thị, đất đai, đầu tư, quản lý, vận hành và khai thác đường sắt đô thị.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường dẫn kết luận 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vạn tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó có đề ra mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM.

Theo đó, kết luận yêu cầu hai TP phải đạt mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đô thị trong 12 năm. "Đây là một thách thức to lớn và nếu tiếp tục triển khai với cách làm tương tự như trong 20 năm qua thì không thể hoàn thành được mục tiêu này", ông Cường nói. 

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh: "Hai TP sẽ cùng sát cánh đề xuất Trung ương cho phép được thực hiện các cơ chế đặc thù, vượt trội cho việc phát triển đường sắt đô thị nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung". 

Hà Nội cùng TP. HCM đề xuất cơ chế vượt trội làm đường sắt đô thị - Ảnh 2.

Buổi hội thảo khoa học với 400 đại biểu, các chuyên gia trong và ngoài nước tham dự. Ảnh: N. Hùng

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy đánh giá cao hội thảo với quy mô lớn, các chuyên gia am hiểu sâu về lĩnh vực và tin tưởng sẽ có nhiều ý tưởng, giải pháp hữu hiệu để giúp 2 thành phố phát triển thành công mạng lưới đường sắt đô thị, tổ chức đô thị…

Đối với giao thông cộng cộng vận tải khối lượng lớn, hiện nay, đường sắt đô thị vẫn lợi thế nhất. Bên cạnh đó, đường sắt đô thị còn định hình, phân bố lại dân cư, tạo nên bộ mặt mới cho đô thị, thuận lợi cho người dân, thu hút đầu tư…

"Đây là vấn đề khó, mới mẻ với Việt Nam. Tuy nhiên, khó không phải là không làm được, cần có các điều kiện thể chế pháp lý, công nghệ, nguồn lực", bà Thuỷ nói.

Hội thảo khoa học phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM sẽ kéo dài 3 ngày (từ 17 đến 19/1) với 4 phiên gồm: Tổng quan phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM theo mô hình TOD; giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để phát triển đường sắt đô thị và khu vực TOD; huy động nguồn lực từ đất đai; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem