Áp dụng mức thu học phí mới cho năm học 2018-2019
Trình bày tờ trình về việc quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của TP.Hà Nội năm hoc 2018-2019, ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm học 2017-2018, các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập (trừ các cơ sở giáo dục chất lượng cao) thực hiện thu học phí theo quy định tại Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐND.
Cụ thể, học sinh ở vùng thành thị thu 110.000 đồng/tháng; vùng nông thôn thu 55.000 đồng/tháng và khu vực miền núi thu 14.000 đồng/tháng.
Với mức thu trên, tổng số thu từ học phí công lập cấp học mầm non và phổ thông của TP khoảng 675,351 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 8,3% trong tổng số chi (từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu học phí); kinh phí ngân sách nhà nước cấp chi theo định mức khoảng 7.426,241 tỷ đồng. Như vậy nguồn thu học phí đã hỗ trợ một phần cùng với ngân sách nhà nước đáp ứng nhu cầu chi phục vụ dạy và học tại các cơ sở giáo dục công lập.
Ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội trình bày tờ trình tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP.Hà Nội. Ảnh. T.An
Theo Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, mức thu học phí hiện nay ở mức thấp trong khung học phí theo quy định của Chính phủ. Ngoài ra, các đơn vị phải sử dụng 40% tổng số thu học phí để chi thực hiện cải cách tiền lương. Như vậy, kinh phí còn lại (60% nguồn thu học phí) để chi phục vụ dạy và học là rất hạn hẹp.
So với một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đồng bằng sông Hồng, mức thu học phí bình quân của TP.Hà Nội ở mức thấp nên chưa huy động được nguồn lực từ sự đóng góp của người dân cho giáo dục.
Theo đó, căn cứ vào khung quy định của Chính phủ; bảo đảm nguyên tắc điều chỉnh tăng dần được quy định tại Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐND và phù hợp với khả năng đóng góp thực tế của người dân, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hằng năm, UBND TP.Hà Nội đã đề xuất mức thu học phí năm học 2018 – 2019 cụ thể và được thông qua như sau: Học sinh theo học tại các cở sở giáo dục trên địa bàn thành thị (phường, thị trấn) mức thu học phí là 155.000 đồng/tháng/học sinh; học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn nông thôn (trừ các xã miền núi) là 75.000 đồng/tháng/học sinh; học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn các xã miền núi là 19.000 đồng/tháng/học sinh.
Số tăng thu học phí (chênh lệch giữa mức thu học phí đề xuất năm học 2018-2019 với mức thu học phí năm học 2017- 2018), một phần để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, phần còn lại dành để chi sự nghiệp giáo dục hằng năm.
UBND TP.Hà Nội cũng đánh giá, mức thu học phí đề xuất phù hợp với khả năng chi trả của người dân TP so với thu nhập bình quân một nhân khẩu/tháng. Với thu nhập hiện nay, việc tăng học phí năm học 2018-2019 làm tăng khả năng chi trả việc học khoảng 0,85% so với thu nhập bình quân một nhân khẩu một tháng ở khu vực thành thị.
Tổng số thu học phí theo mức thu năm học 2018-2019 là 939,864 tỷ đồng; tăng 264,513 tỷ đồng so với năm học trước, trong đó khu vực thành thị tăng 170,480 tỷ đồng, khu vực nông thôn tăng 93,267 tỷ đồng, khu vực miền núi tăng 0,766 tỷ đồng. Tiền thu học phí chiếm tỷ lệ 11,3% tổng số chi hoạt động thường xuyên của đơn vị. Vì vậy, dù học phí tăng nhưng nguồn kinh phí chi thường xuyên cho giáo dục mầm non và phổ thông công lập vẫn chủ yếu từ ngân sách nhà nước.
"Việc điều chỉnh tăng mức thu học phí không làm ảnh hưởng đến các đối tượng học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh diện chính sách vì các đối tượng này đã được hưởng chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của trung ương (riêng đối tượng nghèo và cận nghèo thực hiện theo chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo của thành phố). Kinh phí thực hiện chế độ miễn, giảm học phí theo mức thu đề xuất khoảng 26,732 tỷ đồng" – Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho hay.
Trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học uống 1 hộp sữa/ngày
Tại kỳ họp, với với tỷ lệ 96,08% số đại biểu tán thành (đạt 100% đại biểu có mặt), HĐND TP.Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về quy định cơ chế hỗ trợ từ ngân sách địa phương thực hiện Đề án chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo tờ trình của UBND TP do Giám đốc Sở GDĐT Chử Xuân Dũng trình bày, TP.Hà Nội đã và đang triển khai, tổ chức họp với các Sở, ngành có liên quan, Phòng GDĐT các quận, huyện, thị xã về triến khai xây dựng Đề án Sữa học đường…
Quang cảnh kỳ họp thứ 6 HĐND TP khóa XV, HĐND TP.Hà Nội. Ảnh: Thành An
Theo Nghị quyết của HĐND TP, đối tượng áp dụng Nghị quyết này là trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.Hà Nội và phụ huynh của các đối tượng này tự nguyện tham gia đề án sữa học đường. Doanh nghiệp (DN) cung cấp sữa, các đơn vị, tổ chức cá nhân có liên quan đến việc tổ chức, thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường trên địa bàn TP.
Theo đó, thời gian thụ hưởng, giai đoạn 2018-2020 (từ năm học 2018-2019 đến năm học 2020-2021, riêng năm học 2020-2021 chỉ tính đến hết ngày 31.12.2020). Về định mức thụ hưởng, trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa tươi 5 lần/tuần (mỗi ngày đến trường uống một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml và trong 9 tháng đến trường của mỗi năm học.
Về mức hỗ trợ, nguồn kinh phí được lấy từ ngân sách hỗ trợ; phụ huynh học sinh đóng góp và nguồn hỗ trợ của doanh nghiệp cung cấp sữa. Dự kiến kinh phí thực hiện đề án chương trình sữa học đường giai đoạn 2018-2020 là hơn 4.188 tỉ đồng, trong đó ngân sách TP, quận hỗ trợ hơn 1.293 tỉ đồng; DN cung cấp sữa hỗ trợ hơn 891 tỉ đồng; Phụ huynh học sinh đóp góp hơn 2.000 tỉ đồng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.