Hà Nội: Độc đáo làng truyền thống chuyên “đè đầu vít cổ thiên hạ”

Song Phúc Chủ nhật, ngày 12/05/2024 12:34 PM (GMT+7)
Đến làng Kim Liên (TP.Hà Nội), có lẽ ít ai biết được rằng nơi đây có làng nghề truyền thống với lịch sử hàng trăm năm làm nghề cắt tóc mà nhiều người vẫn thường gọi vui là “vít đầu thiên hạ”.
Bình luận 0

Các nghệ nhân cắt tóc cho khách ở làng nghề Kim Liên. Thực hiện: Song Phúc.

Xưa kia, thợ cắt tóc Kim Liên, phường Phương Liên, quận Đống Đa, (Hà Nội) thường cắt cho nam giới kiểu tóc nồi đất, trẻ em kiểu chỏm trái đào, nhưng đến giai đoạn Pháp thuộc, kiểu cắt tóc đã có sự thay đổi lớn. Từ năm 1954 đến 1968, nghề cắt tóc của làng Kim Liên phát triển mạnh, nhiều "tay" cắt tóc của làng đã trở thành nổi tiếng, bắt đầu vươn ra làm ăn ở khắp các phố phường đất Hà thành.

Nghệ nhân Phạm Duy Hào – Chủ tịch làng nghề truyền thống Tóc Kim Liên, Hà Nội tiết lộ: "Thời Lê sơ, thầy địa lý Tả ao đi qua giếng đình chúng tôi hỏi muốn làm nghề gì cụ trấn yểm cho, các cụ mới bảo là chúng tôi muốn làm nghề đè đầu vít cổ thiên hạ, ngài trấn cho 1 hòm đá và 1 bài trấn yểm. Thế từ đó làng nghề chúng tôi, gần như tất cả thanh niên đi làm nghề tóc".

Hà Nội: Độc đáo làng truyền thống chuyên “đè đầu vít cổ thiên hạ”- Ảnh 1.

Nghề cắt tóc từng là một trong những nghề "ăn nên làm ra" nhất của người dân làng Kim Liên, đặc biệt là thời kỳ Pháp thuộc.

"Bài trấn yểm được tạm dịch là "Giang sơn 1 cháp gương, lược, dao. Chơi ngông gọt gáy khách anh hào. Dẫu thánh tướng nào ta cũng mặc. Vít cổ vua xoay chẳng sợ nào", nghệ nhân Phạm Duy Hào cho biết.

Cũng từ đó nghề cắt tóc, cạo râu được người dân làng Kim Liên "cha truyền con nối". Người thợ làng nghề còn từng được vua Bảo Đại mời vào cung cắt tóc. Khi ấy có đến 70% người làm nghề, nhiều gia đình có đến 3 - 4 thế hệ. Kỹ thuật cắt tóc của người dân nơi đây cũng rất đặc biệt.

Chia sẻ về câu chuyện "vít đầu thiên hạ", các nghệ nhân lành nghề trong làng cho hay, cách cầm kéo là cả một sự học hỏi. Người thợ cầm bằng 3 ngón, trong đó 1 ngón khoá kéo, đánh bằng ngón tay cái. Với tông đơ bằng tay thì dùng ngón cái để khoá và bóp bằng 4 ngón sẽ tạo dáng đầu tốt hơn.

Hà Nội: Độc đáo làng truyền thống chuyên “đè đầu vít cổ thiên hạ”- Ảnh 2.

Theo những người thợ cắt tóc Kim Liên, nghề cắt tóc là nghề của sự tài hoa, công cụ hành nghề là đôi tay, đôi mắt.

Tiếp nối truyền thống, học nghề từ năm 14 tuổi, nghệ nhân Trịnh Hữu Lợi bộc bạch: "Với tôi thì chỉ cần 15 phút 1 kéo 1 lược cắt tròn vo vo. Thợ cắt tóc cứ quy ra 1 bát phở hoặc 1 cân gạo là 1 cái tóc nam.  Và chúng tôi đã đi làm là không sợ đói".

Nghề cắt tóc có giá trị như thế nhưng cũng từng đứng trước nguy cơ mai một. Tuy nhiên, đến nay nhiều người vẫn miệt mài tiếp nối truyền thống làm đẹp cho đời của cha ông. Làng nghề truyền thống tóc Kim Liên hiện có 40 người làm nghề, trong đó có 9 nghệ nhân.

Theo nhiều người thợ cắt tóc trong làng, chỉ cần học khoảng 3 tháng là người thợ cắt tóc đã có thể kiếm tiền nhưng phải mất từ 2-3 năm để thành nghề, thành thợ giỏi. Nghệ nhân làng chọn học viên cũng có những chỉ tiêu riêng của mình. Người học cần phải có năng khiếu và  tính kiên trì.

Hà Nội: Độc đáo làng truyền thống chuyên “đè đầu vít cổ thiên hạ”- Ảnh 3.

Riêng với làng Kim Liên, nghề cắt tóc cũng có những "kỷ luật" riêng.

Để khôi phục và duy trì nghề truyền thống cứ vào giữa tháng 3 Âm lịch hằng năm, trong ngày hội làng truyền thống tại Đình – Đền Kim Liên người dân làng nghề lại làm lễ giỗ tổ nghề. Đặc biệt là tổ chức các cuộc thi và cắt tóc miễn phí cho người dân. Đó không chỉ là cơ hội để trổ tài khéo tay và óc thẩm mỹ, mà còn là cơ hội giao lưu, giáo dục cho thế hệ trẻ về sử làng, sử nghề và tôn vinh nghề làm đẹp.

Đến cắt tóc nhân ngày giỗ tổ nghề, bà Hoàng Thị Hoa (Phương Liên, Đống Đa) chia sẻ: "Từ nhỏ, khi có hội làng tôi vẫn ra đây cắt tóc miễn phí. Và ngay cả cho đến bây giờ đi lại khó khăn con cái vẫn đưa tôi ra đây cắt tóc miễn phí. Nhà tôi không có người làm nghề cắt tóc nhưng tôi rất tự hào khi tôi ở làng cụ tổ sinh ra nghề cắt tóc".

Hà Nội: Độc đáo làng truyền thống chuyên “đè đầu vít cổ thiên hạ”- Ảnh 4.

Nhằm gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của cha ông, hàng năm, cứ đến hội làng Kim Liên (ngày 15/3 Âm lịch), Hội làng nghề cắt tóc Kim Liên lại tổ chức Hội thi.

Ngày nay xã hội đã có nhiều thay đổi nhưng các thế hệ người dân làng Kim Liên vẫn miệt mài gìn giữ nghề truyền thống của cha ông, làm đẹp cho đời và góp phần làm phong phú thêm cho mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem