Hà Nội lại "nóng" chuyện xây cáp treo vượt sông Hồng: Chuyên gia nói gì?

Hoàng Thành - Sông Bùi Thứ ba, ngày 23/11/2021 19:00 PM (GMT+7)
Hà Nội lại "nóng" chuyện xây cáp treo vượt sông Hồng sau khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chính thức đi vào hoạt động.
Bình luận 0

Mới đây, sau khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chính thức đi vào hoạt động, Hà Nội lại "nóng" ý tưởng xây dựng hệ thống cáp treo để phát triển giao thông trên cao nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị cho Thủ đô.

Phải nghiên cứu kỹ, xem xét tính khả thi ý tưởng xây cáp treo vượt sông Hồng

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Kiến trúc sư Trưởng TP.Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội bày tỏ hoan nghênh tinh thần, nghiên cứu của đơn vị đề xuất ý tưởng, tuy nhiên ông nhấn mạnh: "Hà Nội cần theo tầm nhìn xa, tức là phải theo 'Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' được Thủ tướng phê duyệt năm 2016".

Ông Nghiêm nêu rõ, trong định hướng phát triển giao thông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các phương tiện công cộng chỉ có: Xe buýt, đường sắt đô thị, xe một ray (monorail)... không đặt ra vấn đề cáp treo đô thị. "Trước khi được Thủ tướng duyệt, quy hoạch này cũng đã được tất cả chuyên gia, các Bộ, Ban, Ngành đóng góp ý kiến nên Hà Nội cần thực hiện nghiêm theo định hướng được Thủ tướng phê duyệt", ông nhấn mạnh.

Hà Nội lại "nóng" chuyện xây cáp treo vượt sông Hồng: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Kiến trúc sư Trưởng TP.Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội. Ảnh: S.I.S

Nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.Hà Nội lưu ý, TP phải chọn lọc các loại phương tiện giao thông trong đô thị, vì bất cứ phương tiện nào khi đưa vào hoạt động trong TP cũng cần tính đến khả năng kết nối với quy hoạch tổng, tính liên kết với các vùng, yếu tố thẩm mỹ, văn hóa...

Hiện, quy hoạch giao thông ở Hà Nội đã có một mạng lưới giao thông tĩnh rất hoàn chỉnh, gồm: Tuyến cao tốc, quốc lộ, đường vành đai, đường sắt, tàu điện ngầm… về giao thông trên cao đã có quy hoạch về các tuyến đường sắt đô thị... "Khi đề xuất dùng cáo treo đô thị để giảm ùn tắc giao thông, phía Tập đoàn của Pháp đã không chỉ ra được điểm mấu chốt là tính kết nối của tuyến này đối với tổng thể quy hoạch giao thông ở Hà Nội", ông Nghiêm nói.

Từ thực tế trên, nguyên KTS trưởng TP.Hà Nội cho rằng, cáp treo là một giải pháp giao thông có tính khoa học, song muốn đặt cáp treo ở đô thị nào thì phải nghiên cứu rất kỹ.

Ông phân tích, sông Hồng được xác định là một trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô Hà Nội, bất cứ cái gì "băng qua" sông Hồng đều có một ý nghĩa nhất định. Ví dụ, cầu Long Biên đánh dấu giai đoạn đầu tiên Hà Nội vượt sông Hồng để kết nối với các vùng lân cận và với "biên giới" phía Bắc; cầu Thăng Long thể hiện tình hữu nghị trong khối xã hội chủ nghĩa; cầu Thanh Trì nói lên sự giao thoa, hội nhập…

Hà Nội lại "nóng" chuyện xây cáp treo vượt sông Hồng: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 2.

Tuyến cáp treo dự kiến có điểm đầu là trạm trung chuyển xe buýt Long Biên (đường Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội), điểm cuối là bến xe Gia Lâm (quận Long Biên) dài hơn 5 km, trong đó có khoảng 1,2 km vượt sông Hồng, khoảng 4 km đi trên mặt đất. Ảnh: Sông Bùi.

Theo ông, nếu Tập đoàn của Pháp đề xuất xây cáp treo vượt sông Hồng thì phải xem kiến trúc cảnh quan của sông Hồng có phù hợp xây cáp treo hay không?. Bên cạnh đó, muốn xây cáp treo thì phải làm rõ mục đích tạo ra nó để làm gì? Vị trí đặt nơi đi, nơi đến, các nhà ga đó có phù hợp với cảnh quan Hà Nội hay không? Nếu cáp treo chỉ để để kết nối giao thông thì chưa hợp lý đối với sông Hồng vì nó quá động và sẽ phá vỡ cảnh quan sông nước của trục trung tâm Hà Nội.

Ngoài ra, hiện nay, theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 18 cây cầu vượt sông Hồng; có tuyến đường sắt đô thị nối Yên Viên sang Hà Nội, cây cầu đường sắt này sẽ nằm cách cầu Long Biên khoảng 200m, nối vào đầu phố Hàng Đậu (đây là tuyến đường mà trước đó Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã đánh giá là trùng với tuyến cáp treo mà Tập đoàn của Pháp đề xuất - PV).

"Như vậy, tuyến cáp treo này sẽ không giải quyết được nhiều vấn đề. Bởi vì tất cả cây cầu khi đưa vào quy hoạch đã tính đến việc kết nối giao thông của khu vực. Cáp treo này để làm gì thì rất cần phải làm rõ?", ông Nghiêm nêu vấn đề.

Hà Nội lại "nóng" chuyện xây cáp treo vượt sông Hồng: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 2.

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vân tải ô tô Hà Nội. Ảnh: Đàm Duy.

Cũng trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vân tải ô tô Hà Nội cho rằng, nếu làm cáp treo mà thuận lợi thì cũng góp phần giảm ùn tắc giao thông cho Hà Nội và đây cũng là công trình hạ tầng được đầu tư "giải quyết vấn đề 'thành phố ven đô' trong khâu giúp người dân đi lại hai bên bờ sông.

"Theo tôi, về định hướng lâu dài, nếu có khả năng đầu tư thì phải xem xét kỹ. Một công trình được đầu tư mà giúp Hà Nội thêm văn minh, hiện đại, có lợi cho TP và người dân thì chúng tôi ủng hộ", ông Liên nói và cho rằng, nhiệm vụ lưu thông giữa bên bờ sông Hồng rất quan trọng, trong đề án hạ tầng giao thông của Hà Nội không đề cập đến "cáp treo vượt sông Hồng" nhưng khi các cơ quan tham mưu nghiên cứu và nhận thấy việc phát triển giao thông hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, nếu người dân, doanh nghiệp có đề xuất hợp lý thì Chính phủ, Quốc hội và TP.Hà Nội cũng sẽ xem xét.

"Cái gì mới thì chúng ta phải xem xét, nếu hợp lý, có lợi cho TP cho người dân thì chúng ta nên ủng hộ. Ví như tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, ban đầu rất nhiều người dân phản đối nhưng khi đưa vào sử dụng thì thấy có lợi thì người dân cũng hoan nghênh", ông Liên nói và chốt lại: Vấn đề tập đoàn của Pháp đề xuất "xây cáp treo vượt sông Hồng" đã được bàn thảo nhiều năm trước; các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng đã có rất nhiều ý kiến.

"Nếu bây giờ chúng ta thực hiện thì phải giải quyết được hai vấn đề: Thứ nhất, TP ven sông Hồng được triển khai - dự án này sẽ giúp cho việc vận chuyển hành khách qua sông Hồng tốt hơn. Thứ hai, về năng lực tài chính, nếu thực hiện dự án thì hiện nay sẽ phải kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài thực hiện, nhưng nếu vậy thì họ sẽ phải kinh doanh, mà kinh doanh thì họ phải có lợi nhuận…".

Hà Nội lại "nóng" chuyện xây cáp treo vượt sông Hồng: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 4.

Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội. Cầu do Pháp xây dựng từ năm 1898 đến 1902. Ảnh: Nguyễn Tiến.

Bảo lưu quan điểm từ nhiều năm trước, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức khẳng định, đặc điểm đô thị như TP.HCM, Hà Nội hoàn toàn không khả thi để xây dựng cáp treo như một phương tiện phục vụ giao thông.

Cá nhân tôi rất hoan nghênh đề xuất xây cáp treo vượt sông Hồng. Nhưng riêng tôi chưa nhìn thấy vị trí nào hợp lý trong nội thành để đặt cáp treo.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm

Theo TS Vũ Anh Tuấn, TP.HCM và Hà Nội đều là những đô thị có địa hình bằng phẳng, nhu cầu đi lại lớn, đặc điểm di chuyển đa dạng... Nếu làm cáp treo, người dân di chuyển tới đó sẽ phải gửi xe, lên cáp, xuống cáp, rồi tìm phương tiện kết nối tiếp theo, khá bất tiện. Cáp treo tuy chạy trên tầng cao nhưng cũng không thể di chuyển nhanh được. Chưa kể với chi phí đầu tư, vận hành, duy tu bảo dưỡng rất lớn, giá vé chắc chắn sẽ ở mức cao.

Hà Nội từng bác ý kiến làm cáp treo vượt sông Hồng

Thời điểm năm 2018, Tập đoàn Poma của Pháp đề xuất xây dựng tuyến cáp treo có điểm đầu là trạm trung chuyển xe buýt Long Biên (đường Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội), điểm cuối là bến xe Gia Lâm (quận Long Biên), với mục tiêu phục vụ hành khách công cộng giống như xe buýt, giúp giảm tải ách tắc giao thông cho TP.

Toàn tuyến cáp treo dự kiến dài hơn 5 km, trong đó có khoảng 1,2 km vượt sông Hồng, khoảng 4 km đi trên mặt đất; chi phí đầu tư khoảng 10 đến 15 triệu Euro mỗi km, thời gian thi công từ 18 - 24 tháng. Nhà đầu tư sẽ xây dựng một tuyến cao treo với các trụ đỡ cao từ 50 đến 100 m, sức chứa từ 25 đến 30 khách mỗi cabin; mỗi giờ cáp treo vận chuyển được khoảng 1.000 người.

Đại diện nhà đầu tư cho biết trong bối cảnh hạ tầng giao thông dưới đất đã quá tải, các đô thị lớn cần tính toán phát triển mạnh hạ tầng trên cao với sự dẫn dắt của đường sắt đô thị. Cáp treo cũng sẽ là 1 phần trong tổ hợp mạng lưới giao thông công cộng tích hợp. Do hoạt động trên không và đi trên làn đường riêng (dây cáp) nên cáp treo vận hành ổn định, đúng giờ, xác suất được tính theo giây.

Về việc đại diện Tập đoàn của Pháp cho biết, tuyến cáp treo mà họ đề xuất sẽ kết nối hai điểm là Bến xe Gia Lâm và điểm trung chuyển xe buýt Long Biên, TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, việc này là không cần thiết.

"Long Biên hiện nay chỉ được coi là một điểm trung chuyển xe buýt, Bên xe Gia Lâm sau này vẫn sẽ là bến xe nhưng sắp tới có thể sẽ di chuyển sang vị trí khác…", ông nói và gợi mở, nếu muốn áp dụng hình thức mới như cáp treo ở Hà Nội thì rất cần trao đổi, trưng cầu lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, các Ban, Ngành...

"Cá nhân tôi rất hoan nghênh đề xuất xây cát treo vượt sông Hồng. Nhưng riêng tôi chưa nhìn thấy vị trí nào hợp lý trong nội thành để đặt cáp treo. Còn nếu đặt cáp treo ở vùng ven như Ba Vì, Sóc Sơn thì có thể xem xét để phát triển du lịch" TS Đào Ngọc Nghiêm cho hay.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem