Kế hoạch giảm 7-10 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông của Hà Nội như thế nào?
Hà Nội làm gì để giảm 7-10 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông?
Sông Bùi
Thứ ba, ngày 15/02/2022 16:03 PM (GMT+7)
Theo kế hoạch, trong 5 năm, Hà Nội đặt chỉ tiêu hằng năm xử lý từ 7 điểm đến 10 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh mới các điểm ùn tắc giao thông, không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.
UBND TP.Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND TP về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, kế hoạch đặt chỉ tiêu hằng năm xử lý từ 7 điểm đến 10 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh mới các điểm ùn tắc giao thông, không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.
Đồng thời, xóa bỏ kịp thời các điểm đen về tai nạn giao thông, qua đó góp phần giảm tai nạn giao thông 5-10%/năm trên cả ba tiêu chí (về số vụ, số người chết và số người bị thương).
Đáng chú ý, UBND TP.Hà Nội đặt ra một số nhiệm vụ và giải pháp thực hiện kế hoạch. Trong đó, TP xây dựng cơ chế, chính sách và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải; rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải TP.
Trong đó, tập trung rà soát quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để cập nhật, bổ sung, tích hợp vào điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hà Nội cũng hoàn thiện thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP.Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phát huy hiệu quả tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, UBND TP chỉ đạo Sở GTVT, các sở, ngành TP phối hợp chặt chẽ với UBND các quận của TP trong việc cải tạo chỉnh trang đồng bộ 180 tuyến đường trên địa bàn 12 quận sau hạ ngầm sắp xếp đường dây, cáp đi nổi đã được xác định tại Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy.
Tổng kinh phí để thực hiện chương trình mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là 1.865,207 tỷ đồng và được phân bổ theo từng năm. Cụ thể, phân bổ như sau: Năm 2021: Kinh phí là 335.507 triệu đồng (đã được UBND TP.Hà Nội bố trí để thực hiện trong năm 2021). Năm 2022: Kinh phí là 343.300 triệu đồng. Năm 2023: Kinh phí là 401.800 triệu đồng. Năm 2024: Kinh phí là 425.800 triệu đồng. Năm 2025: Kinh phí là 358.800 triệu đồng).
Trong đó, những nhiệm vụ thuộc chức năng nhiệm vụ của các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tự chủ động lập kinh phí từ nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên theo kế hoạch hằng năm.
Những nhiệm vụ đang triển khai được thực hiện theo các văn bản đã chỉ đạo của UBND TP hoặc theo các kế hoạch, đề án đã được UBND TP giao, thông qua.
Hà Nội sẽ xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến
Vào đầu tháng 12/2021, tại Kỳ họp thứ 3, HĐND TP.Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn TP.Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025.
Trong đó, Hà Nội sẽ mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Tổ chức các loại hình vận tải như xe buýt, taxi, ô tô điện 4 bánh, xe đạp công cộng… để kết nối với các điểm đầu cuối của các tuyến xe buýt khối lượng lớn, ga đường sắt đô thị, nhà ga, sân bay.
Đáng chú ý, Hà Nội sẽ xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến để phục vụ công tác quản lý, điều hành và điều tiết giao thông, xây dựng phần mềm tìm kiếm điểm đỗ thông minh giúp người dân thuận lợi trong việc tìm kiếm điểm đỗ xe, thanh toán đỗ xe thông minh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.