Hà Nội tính chi hơn 1.800 tỷ đồng giảm ùn tắc giao thông

Hoàng Thành Thứ hai, ngày 06/12/2021 13:51 PM (GMT+7)
Hà Nội dự kiến chi hơn 1.800 tỷ đồng để thực hiện chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trong 5 năm tới.
Bình luận 0

Mỗi năm phải xóa từ 7 đến 10 "điểm đen" ùn tắc giao thông

UBND TP.Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND TP về việc ban hành Nghị quyết về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, UBND TP.Hà Nội cho biết, trên địa bàn TP còn một số bất cập, tồn tại, hạn chế của hệ thống giao thông và hạ tầng phục vụ giao thông. 

Hà Nội tính chi hơn 1.800 tỷ đồng giảm ùn tắc giao thông - Ảnh 1.

Hà Nội sẽ chi hơn 1.800 tỷ đồng giảm ùn tắc giao thông tại thành phố trong giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Hoàng Thành.

Trong đó, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đạt yêu cầu đề ra; tỷ lệ đất dành cho giao thông, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng còn thấp; việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác tổ chức, quản lý, điều hành, giám sát giao thông còn chậm và thiếu đồng bộ; 

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông có lúc, có nơi còn chưa thường xuyên, chưa kiên quyết; ùn tắc giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông hàng năm tuy giảm cả 3 tiêu chí nhưng vẫn ở mức cao.

Từ các tồn tại trên, UBND TP.Hà Nội nêu rõ, cần phải tiếp tục xây dựng Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông giai đoạn 2021 - 2025 với những mục tiêu, nội dung cụ thể hơn. 

Mục tiêu chính của giai đoạn này là hàng năm Hà Nội sẽ xử lý từ 7 điểm đến 10 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh mới các điểm ùn tắc giao thông; không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút, xóa bỏ kịp thời các điểm đen về tai nạn giao thông, qua đó góp phần giảm tai nạn giao thông từ 5% -10% hàng năm trên cả ba tiêu chí (về số vụ, số người chết và số người bị thương).

Để thực hiện mục tiêu trên, trong tờ trình gửi HĐND TP, UBND TP.Hà Nội cũng đưa ra 11 nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó có một số giải pháp trọng tâm, bao gồm: Rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải Hà Nội.

Kiểm soát chặt nhà cao tầng nội đô

Cùng với đó, tăng cường thực hiện quản lý quy hoạch xây dựng để kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng trong khu vực nội đô và di dân cơ học nhằm hạn chế tăng mật độ dân cư khu vực nội đô; Xây dựng kế hoạch để thực hiện di chuyển các cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện ra ngoài trung tâm thành phố theo đúng lộ trình quy hoạch và ưu tiên bố trí quỹ đất này dành cho mục đích giao thông, mục đích công cộng khác; đảm bảo tỷ lệ đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị đến năm 2025 đạt 12%-15%, trong đó tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh (đỗ xe) đạt 1% - 2%.

Hà Nội tính chi hơn 1.800 tỷ đồng giảm ùn tắc giao thông - Ảnh 2.

Hà Nội sẽ tăng cường thực hiện quản lý quy hoạch xây dựng để kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng trong khu vực nội đô và di dân cơ học nhằm hạn chế tăng mật độ dân cư khu vực nội đô. Ảnh: Dân Việt

Về nguồn vốn để thực hiện các mục tiêu trên, tờ trình của UBND TP.Hà Nội nêu rõ là hơn 1.864 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí cho thực hiện chỉnh trang đồng bộ 180 tuyến đường trên địa bàn 12 quận theo là trên 560 tỷ đồng; Lắp đặt 168 nút đèn tín hiệu giao thông, cải tạo hạ tầng, điều chỉnh tổ chức giao thông 46 tuyến đường, nút giao 419 tỷ đồng;

Nghiên cứu, tổ chức giao thông, sửa chữa các tuyến đường, các tuyến trục chính, các tuyến hướng tâm để giảm ùn tắc giao thông 404 tỷ đồng; đầu tư, lắp đặt một số cầu thép lắp ghép, dàn benley trên các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét, Nhuệ... để kết nối giao thông khu vực 2 bên sông và dự phòng một số bộ dàn Benley để xử lý kịp thời các sự cố hư hỏng cầu do thiên tai là 25 tỷ đồng; tiếp tục thu hẹp dải phân cách đối với các tuyến đường đủ điều kiện để mở rộng tối đa mặt đường 225 tỷ đồng.

Toàn bộ nguồn kinh phí này được chi từ ngân sách TP, được giải ngân theo từng năm, gồm: năm 2021 là 335 tỷ đồng (hiện đã được UBND thành phố bố trí thực hiện); năm 2022 là 343 tỷ đồng, năm 2023 là 402 tỷ đồng, năm 2024 là 426 tỷ đồng, năm 2025 là 359 tỷ đồng…

Thẩm tra tờ trình, Ban Đô thị HĐND TP.Hà Nội cơ bản tán thành các mục tiêu, chỉ tiêu và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình này.

Ban Đô thị đề nghị UBND TP huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách để tập trung triển khai nhanh, đồng bộ các dự án hạ tầng giao thông.

Dự kiến, ngày 10/12, tại kỳ họp thứ 3, HĐND TP Hà Nội khóa XVI sẽ xem xét tờ trình, thông qua Nghị quyết chương trình này.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem