Lò mổ tập trung chết yểu
Theo báo cáo của Sở NNPTNT TP.Hà Nội trên địa bàn TP hiện có 6 cơ sở giết mổ tập trung, đầu tư dây chuyền hiện đại với công suất giết mổ từ 300-500 con/giờ. Tuy nhiên, tại thời điểm này, toàn bộ 6 cơ sở này không còn hoạt động theo dây chuyền hiện đại mà đã chuyển sang giết mổ… thủ công, thậm chí ngừng hoạt động như cơ sở Minh Khai, Phúc Thịnh, Thụy Phương.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên, do việc quy hoạch chưa gắn với vùng nguyên liệu, tiêu thụ lại khó khăn. Cộng với chi phí giết mổ cao hơn so với các điểm nhỏ lẻ thủ công khác và thói quen người tiêu dùng thích dùng các sản phẩm tươi không qua bảo quản.
|
Việc giết mổ gia súc ở nhiều lò mổ trên địa bàn Hà Nội hiện nay không đảm bảo vệ sinh thực phẩm. |
Trái với tình cảnh èo uột của các lò mổ tập trung, các điểm giết mổ nhỏ lẻ lại hoạt động hết sức rầm rộ trên khắp địa bàn TP. Theo thống kê, trên toàn địa bàn TP. Hà Nội có tới 444 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nằm rải rác trong các khu dân cư. Các cơ sở nhỏ lẻ này thường hoạt động theo mùa vụ, nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Cấn Văn Bình- Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội: “Các cơ sở này chưa đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, chưa thực hiện đúng quy trình giết mổ, phương tiện giết mổ thủ công, giết mổ trên sàn, không có móc treo, vận chuyển gia súc không đúng quy định”.
Nhờn luật vì phạt nhẹ
Ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho rằng, việc các lò mổ không đảm bảo tiêu chuẩn vẫn tồn tại còn có phần nguyên nhân là do... ý thức của người tiêu dùng, khi có đến 80% chấp nhận sử dụng sản phẩm chưa qua kiểm soát thú y, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây chính là nguồn “tiếp sức” cho các khu giết mổ nhỏ, lẻ không chấp hành quy định pháp luật, luôn có ý thức chống đối gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm soát.
Theo nhận định của Bộ NNPTNT, tỷ lệ sản phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm chưa nhiều; công tác quản lý giết mổ thực hiện kiểm soát chưa được triệt để theo quy định, nhất là vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gần đây.
Bà Nguyễn Thị Như Mai- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng: “Luật An toàn thực phẩm đã có hiệu lực từ tháng 7.2011, nhưng đến nay, các địa phương chờ mãi vẫn chưa có Nghị định hướng dẫn về chế tài xử phạt. Do đó, mới có tình trạng, dù có luật mới, nhưng mức xử phạt vẫn áp theo luật cũ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm chưa có hiệu quả trong thời gian qua, các đối tượng vi phạm nhờn luật, vì mức xử phạt quá nhẹ”.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Chấn chỉnh ngay lực lượng thú y
Tôi vẫn thấy có nhiều hạn chế trong các khu giết mổ tập trung ở Hà Nội. Việc quản lý, giám sát khá lỏng lẻo, quy trình giết mổ đã được ban hành, tuy nhiên các lò mổ ở Hà Nội chưa làm được điều này. Cán bộ thú y làm chưa tròn trách nhiệm, quy trình giết mổ không đúng vẫn cho đóng dấu, có nơi còn không thèm đóng dấu. Chúng ta cần có một đợt kiểm tra tổng thể và chấn chỉnh lại những thiếu sót đã nêu ở trên, trước hết phải kiểm tra và chấn chỉnh các bộ phận thú y ở cơ sở, ở các lò mổ, các chợ đầu mối. Chúng ta cần áp dụng nghiêm túc, áp dụng quyết liệt các văn bản đã được ban hành để các khu giết mổ sớm đi vào nền nếp, quy củ.
Đình Thắng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.