Hà Nội “mạnh tay” nhằm khống chế, loại trừ bệnh dại
Hà Nội “mạnh tay” nhằm khống chế, loại trừ bệnh dại
Lan Anh - Xuân Cường
Thứ ba, ngày 03/11/2020 06:00 AM (GMT+7)
Mới đây, UBND TP.Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2018 - 2021, với nhiều yêu cầu, giải pháp quyết liệt, "mạnh tay".
Trong kế hoạch mới ban hành, UBND thành phố công bố yêu cầu bắt buộc với chủ nuôi thú cưng khi mang theo vật nuôi như chó, mèo tại nơi công cộng, trong mọi trường hợp cần đảm bảo an toàn cho người xung quanh bằng các biện pháp rọ mõm, xích… Tuyệt đối không thả rông thú cưng (kể cả có rọ mõm hay không) ở lòng lề đường, công viên, nơi đông người, nơi công cộng. Bên cạnh đó, chủ vật nuôi cần tiến hành tiêm phòng định kỳ bệnh dại cho thú cưng đúng như khuyến cáo của cơ quan thú y nếu không muốn bị xử phạt theo quy định.
Số liệu thống kê hàng năm, tổng đàn chó mèo của TP.Hà Nội những năm gần đây dao động từ 421.000 - 493.000 con. Đến nay, việc tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó mèo để chủ động phòng chống bệnh dại cho người và vật nuôi đã có chuyển biến tích cực, nhất là ở các quận nội thành, người dân đã chủ động tiêm phòng đạt tỷ lệ cao (đạt từ 95 - 98%).
Ngoài ra, trong trường hợp thú cưng (chó) thả rông bị bắt giữ, chủ vật nuôi có trách nhiệm chịu mọi chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng, thậm chí chi phí tiêu hủy nếu có. Trường hợp chó cắn người, nạn nhân được phép đòi bồi thường từ chủ vật nuôi mọi chi phí tiêm phòng, khám chữa bệnh.
UBND các cấp xã, phường, thị trấn cũng cần sát sao trong công tác quản lý vật nuôi, đặc biệt là chó nuôi tại địa phương theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, dựa trên sổ quản lý để nắm bắt số lượng chó mèo trước và sau đợt tiêm phòng.
Trước yêu cầu bắt buộc của lãnh đạo UBND TP.Hà Nội, dư luận đã nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều. Đa số cho rằng đây là biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân khỏi hiểm họa lây nhiễm bệnh dại, trong khi số khác lại bày tỏ lo ngại sự phức tạp trong công tác quản lý, thống kê đàn chó, mèo trên địa bàn.
Rình rập từ chó thả rông
Tuy sống tại chung cư nhưng nhiều cư dân ở khu vực Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên) vẫn nuôi các loại chó cưng trong căn hộ, bỏ qua quy định của tòa nhà. Chị N.T.H - một người dân sống ở khu vực này cho biết: "Rất nhiều cư dân ở đây nuôi các loại chó cảnh trong nhà, nhất là buổi chiều nhiều người thường dắt chó xuống đi dạo tại sân chung cư, chơi cùng với đám trẻ con dưới sân. Tuy những loại chó này nhỏ nhưng không loại trừ trường hợp chúng có thể cắn bọn trẻ con. Gần đây còn có thông tin chó cảnh cắn chết người khiến chúng tôi rất sợ".
Còn tại phường Phúc Thịnh (quận Đống Đa Hà Nội) nhiều người dân cũng cho biết việc thả rông chó vẫn rất phổ biến tại đây. "Khu vực này nhiều nhà nuôi giống chó to nhưng thường xuyên thả tự do ngoài đường, không rọ mõm, chỉ đi qua cũng đã thấy sợ. Nhất là khu chợ về buổi chiều, khi chợ tan, các chú chó ở thường tới đây, chạy lang thang, bới móc rác, tìm đồ ăn" - chị L.Đ.H, một người dân sống ở đây cho biết.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, với những trường hợp bị chó cắn mắc bệnh dại đã lên cơn dại thì 100% bệnh nhân tử vong, hiện y học cũng không thể cứu chữa. Các đối tượng mắc bệnh dại thường do bị chó lạ cắn, chó nhà nuôi bị ốm cắn... Những loại này đều có nguy cơ cao mắc bệnh dại nên sẽ truyền trực tiếp virus dại sang người. Nếu không kịp thời tiêm phòng, khi căn bệnh phát tác, người bệnh sẽ không còn cơ hội sống sót.
Các chuyên gia cảnh báo, ngay cả chó nuôi trong nhà, ngoài việc tiêm phòng còn phải thường xuyên theo dõi, nếu có hiện tượng bất thường như chạy cắn người hoặc cắn động vật khác… thì phải nhốt ngay lại, không để tiếp xúc gần người hoặc những con chó khác để tránh lây lan bệnh dại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.