Mô hình sản xuất chè theo quy trình VietGAP do Sở NNPTNT Hà Nội triển khai tại huyện Ba Vì. Ảnh: Vũ Dung
Qua rà soát, diện tích sản xuất hoa trên địa bàn thành phố là hơn 5.470ha. Cơ cấu giống hoa gồm hoa hồng chiếm 33,33%; hoa cúc 17%; hoa đào 8,15%. Đặc biệt, diện tích trồng hoa lan, lily tăng nhanh, chiếm 5,14%. Trung bình hàng năm, sản xuất hoa, cây cảnh đã cung ứng cho thị trường hơn 1.000 triệu cành hoa; 0,8 - 1 triệu chậu hoa và 1 - 1,2 triệu cây cảnh các loại.
Hiện trên địa bàn đã hình thành 50 vùng sản xuất hoa tập trung với quy mô từ 20ha/vùng trở lên tại các quận, huyện: Mê Linh, Tây Hồ, Đan Phượng, Thường Tín... Các vùng trồng hoa tập trung cho giá trị thu nhập từ 0,5-1,5 tỷ đồng/ha/năm, có nơi đạt 2 tỷ đồng/ha/năm.
Trong đó có khoảng 110ha bước đầu ứng dụng công nghệ cao ở một số khâu và với quy mô nhỏ. Tổng diện tích nhà màng, nhà lưới của các vùng hoa hiện nay đạt gần 70ha.
Sản lượng một số cây ăn quả trên địa bàn thành phố cũng tăng mạnh. Hiện, diện tích xoài 495ha, sản lượng đạt 4.563 tấn/năm; cam 877ha, sản lượng đạt 6.778 tấn/năm; bưởi 5.677 ha, sản lượng 59.034 tấn/năm. Sản phẩm cây ăn quả của Hà Nội tương đối đa dạng, mùa nào thức đó, trong đó 60% diện tích trồng các loại quả đặc sản như: Cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, chuối cấy mô, ổi Đông Dư...
Bên cạnh các loại cây ăn quả đặc trưng của Hà Nội, một số giống cây ăn quả mới cũng được du nhập và phát triển trên địa bàn như: Xoài chịu lạnh, thanh long ruột đỏ, táo, ổi không hạt, đu đủ ruột tím... Nhiều nhà vườn cho thu nhập 500-600 triệu đồng/ha, cao gấp 5-6 lần so với trồng lúa, cá biệt có vườn thu được 1-1,5 tỷ đồng/ha, như bưởi đường Quế Dương tại Cát Quế, cam Canh tại Đắc Sở (huyện Hoài Đức).
Trong đó, Hà Nội đã có 924,5ha sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao (chiếm 6,2% tổng diện tích cây ăn quả).
Với mục tiêu đẩy mạnh công tác tiêu thụ sản phẩm chè, thời gian qua, Sở NNPTNT đã chú trọng thực hiện các hoạt động liên kết, tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm chè, đồng thời, tổ chức các hội nghị hợp tác “4 nhà”; tổ chức hội thảo khoa học, hội nghị tổng kết để tranh thủ tư vấn của các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp, nông dân trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất và tiệu thụ sản phẩm chè an toàn.
Nhờ đó, trên địa bàn đã hình thành 4 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ chè ở các huyện: Sóc Sơn, Chương Mỹ, Quốc Oai, Ba Vì. Tỷ lệ chè đã thực hiện liên kết theo chuỗi đạt 9,2% sản lượng chè được sản xuất. Ngoài ra, thành phố có 306,5ha chè (chiếm 10,2%) ứng dụng công nghệ cao, 186ha sử dụng giống mới, 90ha sử dụng phân bón sinh học, hữu cơ, thuốc thảo dược và 30ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.